Giá vốn luôn ở mức cao, chi phí quản lý doanh nghiệp lớn cùng khoản chi phí lãi vay tăng mạnh… là những yếu tố bào mòn lợi nhuận của EVN. Kết quả, đến cuối năm 2023, EVN lỗ lũy kế lên đến 41.824 tỉ đồng, gấp 3,1 lần khoản lỗ lũy kế tại thời điểm cuối năm 2022.
Trong khi đó, EVN có khối nợ phải trả thời điểm cuối năm 2023 lên đến 452.849 tỉ đồng, cao gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Tài sản giảm, tiền mặt “bốc hơi” 20%
BCTC Hợp nhất năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ghi nhận, trong năm qua công ty lỗ sau thuế 26.772 tỉ đồng, tăng 29% so với khoản lỗ 20.747 tỉ đồng năm 2022. Tính đến cuối năm 2023, EVN lỗ lũy kế lên đến 41.824 tỉ đồng, gấp 3,1 lần khoản lỗ lũy kế tại thời điểm cuối năm 2022.
Tại ngày 31.12.2023, tổng tài sản của EVN ở mức 648.983 tỉ đồng, giảm 2,6% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 36.498 tỉ đồng, giảm 5,5% so với đầu năm.
Các khoản đầu tư tài chính đạt 51.844 tỉ đồng, giảm 26% so với đầu năm. Trong đó, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn ngắn hạn 44.779 tỉ đồng, giảm 28%; đầu tư góp vốn vào đơn vị khác 7.034 tỉ đồng, giảm 1,6%. Công ty đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết 6.412 tỉ đồng, đầu tư vào đơn vị khác 622 tỉ đồng.
Tính chung, lượng tiền mặt và tiền gửi của doanh nghiệp này đạt mức hơn 81.306 tỉ đồng, giảm hơn 20% so với đầu năm.
Khoản phải thu tính đến cuối năm 2023 đạt 47.986 tỉ đồng. Trong đó phải thu của khách hàng đạt 27.335 tỉ đồng, gần gấp đôi so với số đầu năm, hầu hết con số này là phải thu ngắn hạn của khách hàng. Phải thu khác ở mức 13.159 tỉ đồng, biến động không đáng kể so với đầu năm.
Tính đến cuối năm 2023, hàng tồn kho của EVN đạt 25.835 tỉ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Nguyên vật liệu chiếm 93% với 24.186 tỉ đồng, còn lại là các khoản công cụ, dụng cụ (831 tỉ đồng), chi phí sản xuất kinh doanh dở dang (606 tỉ đồng), hàng đang chuyển (178 tỉ đồng).
Tài sản dở dang dài hạn ở mức 48.395 tỉ đồng, tăng 19,5% so với đầu năm. Toàn bộ con số này là các khoản xây dựng cơ bản dở dang của doanh nghiệp.
Nợ phải trả gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu
Tại ngày 31.12.2023, nợ phải trả của EVN ở mức 452.849 tỉ đồng, tăng thêm 12.035 tỉ đồng, tương ứng tăng 2,7% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ở mức 311.092 tỉ đồng, giảm 4%. Nợ vay chiếm 68,7% trong cơ cấu nợ phải trả của doanh nghiệp.
Nợ dài hạn chiếm phần lớn trong cơ cấu nợ vay, với 263.904 tỉ đồng, giảm 4,6%; nợ ngắn hạn 47.188 tỉ đồng, biến động không đáng kể so với đầu năm.
Các khoản phải trả người bán cuối năm 2023 ở mức 97.166 tỉ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó phải trả người bán ngắn hạn ở mức 96.952 tỉ đồng, còn lại là các khoản phải trả người bán dài hạn với 573 tỉ đồng.
Chi phí phải trả kỳ này tăng mạnh 49,5% so với đầu năm, lên mức 19.518 tỉ đồng. Trong đó chi phí lãi vay phải trả là 3.819 tỉ đồng và chi phí phải trả khác 15.670 tỉ đồng.
Trong khi nợ phải trả có xu hướng tăng thì vốn chủ sở hữu của EVN ghi nhận giảm mạnh. Tính đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ở mức 196.133 tỉ đồng, giảm đến 29.216 tỉ đồng, tương ứng giảm 13% so với đầu năm.
Như vậy, với khối nợ 452.849 tỉ đồng, nợ phải trả của EVN tính đến cuối năm 2023 cao gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Trong năm 2023, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của EVN dương 60.814 tỉ đồng, cùng kỳ năm trước cũng ở mức dương 59.832 tỉ đồng.
Ngược lại dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 26.226 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước âm 14.471 tỉ đồng. Trong đó, công ty chi mua sắm, xây dựng TSCĐ và các tài sản dài hạn khác ở mức 48.383 tỉ đồng; tiền chi cho vay, mua công cụ nợ của đơn vị khác 44.809 tỉ đồng. Ngược lại, tiền thu hồi cho vay, bán lại công cụ nợ của đơn vị khác đạt 62.956 tỉ đồng; tiền thu lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận được chia là 3.827 tỉ đồng.
Dòng tiền từ hoạt động tài chính âm 23.857 tỉ đồng, năm trước âm đến 33.906 tỉ đồng. Trong năm qua, công ty đi vay nợ 33.661 tỉ đồng, chi trả nợ gốc vay 55.837 tỉ đồng; trả cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu 1.666 tỉ đồng.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/khoi-no-hon-452-nghin-ti-dong-cua-evn-1365232.ldo