Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực năm 2016 quyết định rằng theo UNCLOS, các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định tiếp tục quan ngại sâu sắc về các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. (Nguồn: PBS) |
Ngày 11/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã ra tuyên bố báo chí kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) về Biển Đông năm 2016.
Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực năm 2016 quyết định rằng theo Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982, các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, Phán quyết đã bác bỏ mọi yêu sách hàng hải hoặc lãnh thổ của Trung Quốc đối với các khu vực mà Tòa trọng tài xác định thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines. Theo UNCLOS 1982, phán quyết của Tòa trọng tài thường trực là cuối cùng và có ràng buộc pháp lý đối với Trung Quốc và Philippines.
Trong tuyên bố Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết thêm, Mỹ tiếp tục quan ngại sâu sắc về các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, nơi tự do hàng hải và hàng không được áp dụng theo luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng việc tuân thủ luật biển quốc tế được phản ánh trong UNCLOS 1982, mang lại lợi ích cho cộng đồng quốc tế và quan trọng đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng của mọi quốc gia.
Mỹ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực, ngừng hành vi nguy hiểm và gây bất ổn, và điều chỉnh các yêu sách lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông để phù hợp với luật biển quốc tế được phản ánh trong UNCLOS 1982.
Trung Quốc, Philippines vừa qua còn đổ lỗi cho nhau gây hại môi trường Biển Đông. Chuyên gia về chính sách công Dylan Loh của Trường Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng Bắc Kinh có thể đang tìm kiếm một phương thức khác để gia tăng áp lực đối với Manila. Điều này sẽ tạo vỏ bọc cho các hành động của Trung Quốc vì đây không chỉ đơn thuần là vấn đề tranh chấp chủ quyền, mà còn liên quan đến bảo vệ môi trường sinh thái, một lĩnh vực mà tất cả các bên liên quan (bao gồm cả Philippines) đều phải quan tâm.
Là khu vực có tầm quan trọng về địa chiến lược, các diễn biến ở khu vực Biển Đông luôn thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Kể từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục xu thế diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Tình hình Biển Đông cũng có nhiều diễn biến mới, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng căng thẳng, nhất là giữa Trung Quốc và Philippines.
Nguồn: https://baoquocte.vn/ngoai-truong-my-keu-goi-trung-quoc-tuan-thu-phan-quyet-pca-2016-unclos-1982-ngung-hanh-vi-nguy-hiem-tai-bien-dong-278404.html