Tuần trước, Mỹ xác nhận đã viện trợ bom thông minh JDAM-ER cho Ukraine. Trên thực tế, đây là một bộ công cụ, gồm thiết bị định vị toàn cầu và hệ thống điều khiển tiên tiến, có thể biến bom thường thành bom thông minh có khả năng dẫn đường với độ chính xác cao.
Bom gắn JDAM-ER đặc biệt nguy hiểm trên chiến trường khi nó bay ở khoảng cách lên tới 72km và có thể nặng tối đa 900kg, gây ra sức tàn phá lớn khi tấn công mục tiêu. Khi được thả đi từ máy bay, các quả bom này tự động nhằm mục tiêu tọa độ định trước và hoạt động như một loại vũ khí với cơ chế “thả và quên”.
JDAM-ER được cho là câu trả lời của Ukraine với bom thông minh trong kho vũ khí của Nga. Giống JDAM, bom thông minh dòng KAB của Nga có thể được dẫn đường bằng laser, dẫn đường bằng vệ tinh hoặc dẫn đường bằng GPS. KAB có nhiều biến thể khác nhau dựa trên kích cỡ, bao gồm KAB-500, KAB-1500 và KAB-250. Khác với JDAM KAB là một quả bom được tích hợp sẵn hệ thống dẫn đường và định vị, chứ không phải là một bộ công cụ gắn lên bổ sung lên quả bom thường.
Dòng bom thông minh Nga sử dụng phổ biến nhất trong chiến sự ở Ukraine là KAB-500L với đầu đạn nổ có sức công phá cao.
Dù 2 loại bom có cơ chế khá tương đồng, nhưng chuyên gia quân sự David Hambling nói với Newsweek rằng, một ưu thế chủ chốt JDAM-ER có được so với dòng KAB là khả năng chống chịu cao trước các biện pháp gây nhiễu, tác chiến điện tử trên diện rộng ở chiến trường.
Bom KAB sử dụng hệ thống định vị toàn cầu GLONASS của Nga để dẫn đường. Giống như GPS của Mỹ, GLONASS dễ có nguy cơ bị gây nhiễu. Trong khi đó, JDAM-ER sử dụng hệ thống định vị quán tính, đảm bảo quả bom có thể đi đúng hướng dù trở thành mục tiêu của hoạt động tác chiến điện tử.
Hệ thống định vị quán tính hoạt động thông qua việc xử lý các phép đo như tốc độ và hướng để tính toán đường đi của bom. Ông Hambling nói: “Dù nó có thể mất đi độ chính xác trong thời gian dài nhưng lại lý tưởng với một quả bom chỉ di chuyển trong vài phút để tấn công mục tiêu”.
Chuyên gia này kết luận JDAM có thể chính xác hơn KAB trên chiến trường, đáng tin cậy hơn và có thể tương thích với các hệ thống khác. Mặc dù vậy, ông vẫn đánh giá cao hiệu quả của KAB, nhưng nhấn mạnh rằng Nga hiếm khi sử dụng loại bom này trong thời gian qua mà thường sử dụng các vũ khí không dẫn đường.
“Điều này có thể Nga sở hữu không nhiều các loại bom, đạn dẫn đường công nghệ cao đắt đỏ hoặc do lệnh trừng phạt phương Tây ảnh hưởng tới khả năng của Nga trong việc chế tạo vũ khí hiện đại”, ông phỏng đoán.
KAB-500 có khả năng phá hủy các mục tiêu được ngụy trang tốt với sức công phá cao. Nó có thể được trang bị đầu đạn thuốc nổ mạnh, đầu nổ xuyên phá bê tông, gây ra tàn phá nghiêm trọng đối với công trình kiên cố của đối thủ.