Ca sĩ ảo đầu tiên của Việt Nam gây tò mò lẫn tranh cãi
Bắt nhịp với dòng chảy ứng dụng IA (trí tuệ nhân tạo) vào công nghệ sản xuất âm nhạc của nhiều nước trên thế giới, vào cuối năm 2022, màn biểu diễn của 2 ca sĩ ảo Michau và Damsan đã chính thức được ra mắt tại Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò Dô diễn ra ở TP.HCM. Đây có thể được xem là ca sĩ ảo đầu tiên do ê-kíp sáng tạo người Việt tạo ra và được ra mắt trên lãnh thổ Việt Nam.
Tạo hình của ca sĩ ảo Michau và Damsan ra mắt tại Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò Dô diễn ra ở TP.HCM. Ảnh: BTC.
Tuy nhiên, phải đến trung tuần tháng 3/2023, khi BoBo Studio – một đơn vị của Việt Nam ra mắt MV Làm sao nói thương anh của ca sĩ ảo tên Ann thì khái niệm ca sĩ ảo mới được nhắc đến nhiều. Ann được xem là ca sĩ ảo đầu tiên có sản phẩm độc lập và hoàn thiện được ra mắt tại Việt Nam. Điều này ngay lập tức gây nhiều hiếu kỳ và cả những luồng ý kiến trái chiều trong giới chuyên môn lẫn cộng đồng yêu nhạc.
Trong MV, ca sĩ xuất hiện với mái tóc búp bê cắt ngắn, gương mặt tròn trĩnh, mắt to, mũi cao, da trắng. Cô vào vai một người đang đợi chờ và nhớ nhung người mình yêu. Bối cảnh được thay đổi liên tục từ cánh đồng bồ công anh, bầu trời đầy sao, căn phòng ngập sáng, chiều tà trên biển, đáy đại dương xanh ngắt… Tất cả cộng hưởng tạo nên màu sắc lãng mạn với sự luân chuyển sinh động và hợp lý. Tuy nhiên, sắc thái biểu cảm trên gương mặt của Ann lại rất vô hồn, khẩu hình mấp máy rất cứng… nên chỉ cần xem là người ta nhận ra đây là nhân vật người máy. Nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Phi Vũ chia sẻ, anh phải xin mẫu và chọn lọc từ nhiều nguồn khác nhau để tạo hình ca sĩ Ann. Danh tính của những cá nhân này được giữ kín vì thuộc về bí mật công nghệ của đội ngũ sáng tạo.
Theo BoBo Studio thì Ann là sự kết hợp giữa thuật toán AI và các âm thanh thật. Giọng của Ann được giả lập thành một nữ ca sĩ 18 tuổi. Việc xử lý ca khúc cho Ann rất khác biệt so với ca sĩ thật. Nhóm chọn lọc màu giọng, tái tạo kỹ thuật số và kết hợp kỹ thuật thu âm để tạo ra giọng ưng ý. Để thêm vào cảm xúc, nhóm sử dụng nhiều âm thanh tự nhiên của con người như tiếng thở hoặc tiếng lấy hơi để tạo độ chân thật.
Tuy nhiên, sau 3 tuần ra mắt, MV Làm sao nói thương anh của ca sĩ ảo Ann mới chỉ chạm mốc hơn 188.000 lượt xem – con số khá khiêm tốn so với sản phẩm của các ca sĩ hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, giọng hát của Ann giống giọng của ca sĩ Thùy Chi. Chất giọng mỏng, nhẹ và có một chút bay bổng. Song, độ giống chỉ khoảng 80% vì trong giọng Ann còn có độ chói, gợi nhớ các ca sĩ teen pop một thời như Bảo Thy, Khổng Tú Quỳnh hay Trương Quỳnh Anh. Hơn nữa, đây là giọng nữ trung (mezzo-soprano) chứ không phải nữ cao (soprano).
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ với Dân Việt rằng: “Tôi thấy mọi người chê MV Làm sao nói thương anh của ca sĩ ảo Ann nhưng tôi lại thấy rất thú vị. Tôi đánh giá rất cao tâm huyết của ê-kíp khi đầu tư rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức để thực hiện dự án này. Nhìn nhận từ góc độ là một công chúng thưởng thức, tôi thấy MV có rất nhiều góc quay đẹp với một thế giới như trong mơ mà ở ngoài đời thực rất khó để có thể quay được. Giọng hát của Ann cũng chấp nhận được”.
Ca sĩ Nam Khánh – Giảng viên khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc TP.HCM bày tỏ với Dân Việt rằng, MV Làm sao nói thương anh được thực hiện công phu với phần hình ảnh rất ấn tượng. Tuy nhiên, ê-kíp lựa chọn tông giọng chưa phù hợp, sử dụng âm thanh tự nhiên của con người như tiếng thở hoặc lấy hơi kết hợp công nghệ kỹ thuật số. Kết quả, người nghe cảm giác giọng hát của Ann giống một ca sĩ nào đó, nhưng không rõ là ai. Cách xử lý bài hát máy móc, ngây ngô khiến tác phẩm trở nên dễ đoán và trôi tuột.
Ca sĩ ảo sẽ lấn lướt ca sĩ thực?
Trên thế giới, ca sĩ ảo không phải là một mô hình mới lạ. Ở một số nước châu Á đã xuất hiện một số tên nổi bật như: Hatsune Miku (Nhật Bản), Lạc Thiên Y (Trung Quốc), Adam (Hàn Quốc)… Đa số các giọng hát AI đều gây được sự chú ý với thị trường ở thời gian đầu, nhưng sau đó nhanh chóng chìm vào quên lãng.
MV “Làm Sao Nói Thương Anh” của ca sĩ ảo Ann. Nguồn: BoBo Studio.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bộc bạch, khi xem sản phẩm âm nhạc của ca sĩ ảo ở Nhật Bản, anh cũng muốn làm được một dự án như thế. Tuy nhiên, do không đủ kinh phí và nguồn lực để thực hiện nên anh phải tạm gác “giấc mơ” của mình. Vì làm một dự án như thế này đòi hỏi phải sử dụng công nghệ cao, đầu tư nhiều thời gian, bỏ rất nhiều công sức và tiền bạc mới có thể ra được một sản phẩm tạm gọi là ưng ý.
Nhạc sĩ này nhận định, ca sĩ ảo sẽ có nhiều lợi thế hơn ca sĩ thật đó là luôn có một profile (lý lịch) trong sạch, không có scandal (bê bối) bởi mỗi lời ăn tiếng nói của ca sĩ ảo đều được một ê-kíp kiểm duyệt kỹ càng. Ca sĩ ảo cũng luôn xuất hiện với ngoại hình xinh đẹp, mịn màng, trẻ trung, thời trang và mới lạ. Đây cũng chính là cách dễ tạo ấn tượng nhất với công chúng mà ca sĩ thực đôi khi không làm được.
Ngoài ra, ca sĩ ảo luôn có một giọng hát dễ nghe, bắt tai, ít lỗi và bắt kịp thị hiếu. Các sản phẩm âm nhạc của ca sĩ ảo luôn được đầu tư về mặt hình ảnh, không gian, bối cảnh… nên sinh động, hấp dẫn, cuốn hút người xem. Đó có thể là không gian mà đời thực không có được (còn gọi là thế giới trong mơ) và ca sĩ thực dù có nhiều tiền cũng không thể thực hiện được. Chính vì những lý do này mà nhiều người lo ngại, trong tương lai không xa, ca sĩ ảo sẽ soán ngôi ca sĩ thực.
“Tôi nghĩ rằng, sản phẩm âm nhạc đầu tiên của ca sĩ ảo chưa được đón nhận rộng rãi là bởi cái gì mới mẻ cũng sẽ tạo nên cảm giác lạ lẫm, dè chừng, soi xét. Đó là chưa kể đến việc, sản phẩm đầu tiên không thể nào hoàn hảo và chỉn chu ngay được. Người đi tiên phong sẽ phải vấp phải không ít khó khăn và phải học cách làm quen với điều đó. Nhưng tôi tin trong tương lai, nếu vẫn còn tiềm năng tài chính và vẫn còn đam mê thì ê-kíp sẽ tạo ra được những sản phẩm chỉn chu hơn, hoàn thiện hơn, khắc phục được những lỗi mà sản phẩm đầu tiên đang mắc phải. Và khi đó, ca sĩ ảo sẽ chiếm được nhiều tình cảm hơn từ phía công chúng yêu nhạc. Dưới góc độ nghệ thuật, nếu ca sĩ ảo có bài hát hay, dễ viral thì vẫn có khả năng phát triển được nhưng điều đó đòi hỏi phải có cả yếu tố may mắn”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói.
Ca sĩ Nam Khánh cũng cho rằng, ca sĩ ảo sẽ có nhiều lợi thế hơn ca sĩ thực đó là họ trẻ mãi không già, không scandal, không dính bê bối đời tư. Họ cũng sẽ có nhiều lợi thế về ngoại hình để hút mắt người xem bởi họ là sản phẩm của công nghệ và sự sáng tạo của nhiều người. Âm nhạc của họ cũng sẽ luôn có sự thay đổi, không chỉ giới hạn trong Pop, RnB, Rock, Dance… mà sẽ có nhiều màu giọng khác nhau, phù hợp với thị hiếu của nhiều đối tượng người nghe nhạc. Ca sĩ ảo thậm chí không chỉ tham gia các hoạt động trình diễn âm nhạc mà còn có thể đóng phim, biểu diễn thời trang và hoạt động thương mại.
“Tôi thì không lo lắng việc ca sĩ ảo sẽ khiến ca sĩ thực mất đi chỗ đứng, không còn được “sủng ái” nữa… nhưng quả thật, ca sĩ ảo có quá nhiều lợi thế để tiếp cận công chúng, kể cả đối tượng khán giả khó tính nhất. Với sự phát triển như vũ bão của của khoa học – công nghệ, ca sĩ ảo sẽ không khác gì ca sĩ thực và họ sẽ có những bước tiến rất dài. Chính họ cũng đang tạo ra một lứa công chúng mới và cạnh tranh sòng phẳng với ca sĩ thực. Việc ca sĩ thực sẽ phải chia sẻ thị phần khán giả hoặc bị chiếm thị phần khán giả từ ca sĩ ảo là chuyện đương nhiên, ai cũng nhìn thấy trước”, ca sĩ Nam Khánh chia sẻ thêm.
(Còn tiếp)
Nguồn: https://danviet.vn/nguy-co-tu-ca-si-ao-ca-si-thuc-se-bi-that-sung-khi-nhac-viet-ngay-cang-nhieu-ca-si-ao-bai-2-20230406103647911.htm