Văn phòng Chính phủ vừa phát đi văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, thị trường vàng, tỉ giá, lãi suất và huy động vốn cho đầu tư phát triển. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng (NH) Nhà nước làm việc với các NH thương mại để chỉ đạo, yêu cầu tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ, phấn đấu giảm 1% – 2% lãi suất cho vay – nhất là cho các động lực tăng trưởng truyền thống, ngành mới nổi, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nhà ở xã hội…
Áp lực lãi suất đầu vào tăng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về yêu cầu giảm lãi suất cho vay của Thủ tướng Chính phủ, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, nhận định việc này vừa là mục tiêu phấn đấu vừa là thách thức đối với các tổ chức tín dụng. Bởi hiện tại tiền gửi vào các NH giảm hoặc tăng rất ít buộc các tổ chức tín dụng phải tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi.
Thực tế, ghi nhận đến ngày 21-5, hầu hết các NH thương mại tư nhân đều đã tăng lãi suất huy động tính từ cuối tháng 3. Một số NH đã nhiều lần điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi có kỳ hạn. Mới nhất là NH TMCP Quân đội tăng lãi suất tiền gửi từ 0,1 – 0,4 điểm % các kỳ hạn từ 1 đến 15 tháng. NH TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) tăng lãi suất huy động lần thứ 3 kể từ đầu tháng với mức tăng từ 0,1 – 0,3 điểm % cho các kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng.
Nhiều người gửi tiền đã bắt đầu cảm nhận lãi suất tiết kiệm nhích lên thấy rõ. Các kỳ hạn phổ biến từ 6 đến 12 tháng trước đây lãi suất chỉ quanh khoảng 4%/năm, nay hầu hết đã vượt xa mức 4%, một số nơi trên 5%.
Theo báo cáo thị trường tiền tệ tháng 5-2024 của Công ty Chứng khoán MB (MBS), trong tháng 4 các NH thương mại tăng lãi suất huy động phổ biến trong khoảng 0,2 – 0,3 điểm %/năm. Lãi suất tiết kiệm tăng trở lại trong bối cảnh tiền gửi của người dân vào hệ thống NH sụt giảm đáng lo ngại. Số liệu của Tổng cục Thống kê đến ngày 25-3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%.
Dù vậy, ông Trương Đắc Nguyên, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu tại WiGroup (chuyên cung cấp các báo cáo, nghiên cứu kinh tế, tài chính), cho rằng điều đáng mừng là đến thời điểm này, 4 NH thương mại nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank vẫn duy trì lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng ở mức 4,7%/năm và chưa có động thái tăng.
“Áp lực tăng lãi suất hiện tại chủ yếu tập trung ở các NH thương mại nhỏ, do mức lãi suất không còn chênh lệch nhiều so với NH lớn, trong khi thông thường họ phải huy động với mức lãi suất cao, hấp dẫn hơn để cạnh tranh. Một vài NH khác có mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao nên buộc phải tăng lãi suất đầu vào để thu hút nguồn vốn cho vay. Dù vậy, dự báo lãi suất huy động sẽ chỉ tăng nhẹ trong khoảng 0,5 – 1 điểm % vào nửa cuối năm nay” – ông Nguyên nói.
Khó giảm đồng loạt
MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NH thương mại lớn có thể nhích thêm 0,5 – 0,7 điểm %, lên mức 5,1% – 5,3% trong nửa sau của năm 2024. Dù vậy, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ổn định ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và NH thương mại đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Theo ghi nhận, nhiều NH thương mại vẫn đang triển khai hàng loạt gói tín dụng ưu đãi lãi suất để hỗ trợ DN và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Ông Đào Minh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách khối khách hàng DN vừa và nhỏ ABBANK, cho biết so với cách đây 3 tháng, NH đã giảm 2 – 3 điểm % lãi suất vay so với gói tín dụng trước đây để phù hợp với chỉ đạo của NH Nhà nước và Chính phủ.
Agribank cũng đang dành 20.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi ngắn hạn với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường đến 2 điểm % để DN bổ sung vốn lưu động, thực hiện phương án sản xuất – kinh doanh…
Chuyên gia tài chính NH, TS Châu Đình Linh cho rằng trong bối cảnh sức ép tỉ giá, lạm phát đang tác động lên lãi suất đầu vào khiến mục tiêu giảm thêm lãi suất cho vay không đơn giản. Do đó, việc giảm thêm lãi suất cho vay ở thời điểm hiện tại phụ thuộc vào cơ cấu nguồn vốn huy động của NH thương mại, nguồn lực tài chính của NH đó và lãi suất cho vay đối với từng lĩnh vực, từng nhóm khách hàng. “Nếu giảm được lãi vay, các NH sẽ có lợi thế cạnh tranh trong tìm kiếm khách hàng, tăng trưởng tín dụng” – TS Linh nói.
Theo ông Trương Đắc Nguyên, biên lãi ròng (NIM) của toàn ngành NH hiện đã về mức thấp nhất kể từ năm 2021, phản ánh lãi suất cho vay đang rất thấp. Cộng thêm động thái tăng lãi suất huy động gần đây, các NH sẽ khó có thêm dư địa để giảm thêm lãi vay.
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích MBS, cho rằng dù có sức ép của tỉ giá, lãi suất đầu vào nhưng các NH thương mại vẫn còn dư địa giảm lãi suất cho vay. Thực tế, NIM của các NH thương mại khoảng 3,2%, một số NH ở mức 4%. So với các nước trong khu vực có hệ thống NH phát triển hơn như Singapore, Malaysia, Thái Lan trung bình chỉ 2% – 2,5%.
“NIM cao bản chất đến từ việc tín dụng vẫn là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế, trong khi DN các nước có thể huy động vốn qua rất nhiều kênh như cổ phiếu, trái phiếu… Điều này có nghĩa các NH có thể tiếp tục thu hẹp NIM để giảm lãi vay. Việc NH Nhà nước cho phép khách hàng vay vốn để trả nợ khoản vay tại NH khác hoặc yêu cầu các NH phải công bố lãi suất cho vay bình quân cũng là giải pháp tạo sức ép cạnh tranh để giảm lãi suất cho vay” – bà Hiền nêu quan điểm.
Chủ động tiết giảm chi phí
TS Cấn Văn Lực cho rằng khả năng giảm thêm lãi suất cho vay vẫn còn nếu các tổ chức tín dụng có biện pháp cơ cấu nguồn vốn hợp lý để giảm chi phí đầu vào, tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính nhằm tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động.
Nguồn: https://nld.com.vn/giam-lai-vay-them-1-2-de-hay-kho-196240521211313557.htm