Tiềm năng lớn nhưng đóng góp còn khiêm tốn
Phần mềm và trò chơi giải trí hiện đang là mũi nhọn của ngành công nghệ thông tin-điện tử viễn thông (CNTT-ĐTVT). Đây còn được coi là một ngành công nghiệp văn hóa đầy triển vọng khi có sự kết hợp giữa trí sáng tạo và công nghệ kỹ thuật số. Các sản phẩm phần mềm không những tham gia vào hoạt động của tất cả lĩnh vực xã hội mà còn sở hữu tiềm năng to lớn góp phần quảng bá truyền thống, văn hóa, cảnh quan Việt Nam một cách rộng khắp mà khó lĩnh vực nào có thể làm được.
Theo số liệu mới nhất trong Sách trắng Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam năm 2021, Việt Nam đứng thứ 6 trên thế giới về xuất khẩu phần mềm; thứ 7 thế giới về xuất khẩu video và trò chơi giải trí. Năm 2016, cả nước mới có 7.433 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phần mềm, nhưng đến năm 2020 đã tăng lên 13.544 doanh nghiệp, chiếm hơn 30% tổng số doanh nghiệp hoạt động trong ngành CNTT-ĐTVT (44.597 doanh nghiệp). Tính ra mỗi năm có khoảng 1.500 doanh nghiệp phần mềm ra đời.
Hiện tổng số nhân lực làm việc trong toàn ngành CNTT-ĐTVT ước tính hơn 1 triệu người. Trong đó số người làm việc trong lĩnh vực phần mềm và trò chơi giải trí là 150.000 người, chỉ chiếm 13% nhân lực toàn ngành. Đông nhất là những người làm trong lĩnh vực phần cứng-linh kiện điện tử với hơn 842.000 nhân lực. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của người lao động trong lĩnh vực phần mềm lại cao nhất trong toàn ngành CNTT-ĐTVT, đạt hơn 9.000USD/năm. Điều đó cho thấy, tuy số lao động trong lĩnh vực phần mềm ít hơn các lĩnh vực khác nhưng đây lại là lĩnh vực đem lại thu nhập tương đối cao cho người lao động. Điều này cũng dễ hiểu, vì phần mềm là lĩnh vực lao động trí tuệ, đòi hỏi tư duy sáng tạo nên đương nhiên sẽ có mức đãi ngộ tốt hơn so với lĩnh vực lao động chân tay hoặc làm việc theo mô hình rập khuôn.
Doanh thu ngành công nghiệp phần mềm hiện đạt 5,4 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt gần 4,63 tỷ USD, chiếm hơn 4% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành CNTT-ĐTVT (106 tỷ USD). Hiện lĩnh vực có chỉ số kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong ngành CNTT-ĐTVT là phần cứng với 95,7 tỷ USD. Điều đó cho thấy, dù có tiềm năng phát triển rất lớn nhưng đóng góp thực tế của lĩnh vực phần mềm vào ngành CNTT-ĐTVT nói riêng, kinh tế đất nước nói chung còn khiêm tốn, chưa được như kỳ vọng.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, 10 năm tới đây, sẽ có những dịch chuyển quan trọng từ công nghệ thông tin sang công nghệ số, từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số, từ gia công sang phát triển những phần mềm mang thương hiệu Việt Nam, từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính. Điều này cho thấy những cơ hội và nhiệm vụ mà ngành công nghiệp phần mềm phải nắm bắt và thực hiện được trong tương lai.
Cần động lực từ chính sách
Bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn đó những khó khăn, thách thức tồn tại trong lĩnh vực phần mềm mà nếu các doanh nghiệp không nỗ lực vượt qua thì sẽ để mất cơ hội phát triển.
Hiện các doanh nghiệp phần mềm của Việt Nam chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực gia công, không có nhiều doanh nghiệp chủ động sáng tạo và thiết kế ra các sản phẩm mang thương hiệu của chính mình, điều này sẽ gây khó khăn trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp phần mềm nước ngoài. Hơn nữa, theo số liệu từ Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông, 92% doanh nghiệp phần mềm ở nước ta là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 0,3% (còn lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ). Tuy nhiên, 92% doanh nghiệp siêu nhỏ lại chỉ nắm 2,64% doanh thu toàn ngành phần mềm, trong khi 0,3% doanh nghiệp lớn nắm đến 58,25% doanh thu toàn ngành. Thực tế trên cho thấy sự phát triển không cân đối giữa các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, thiếu các doanh nghiệp lớn mang tính dẫn dắt thị trường…
Thực trạng đó đòi hỏi trong thời gian tới, các cơ quan quản lý cần hoàn thiện môi trường pháp lý, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam. Trong đó, việc quy định về mức thuế nhập khẩu phù hợp đối với các sản phẩm phần mềm nước ngoài sẽ giúp bảo hộ việc sản xuất phần mềm trong nước. Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để phục vụ cho việc phát triển ngành phần mềm, cũng như có những chính sách đãi ngộ phù hợp để giữ chân người tài, tránh để chảy máu chất xám.
Các tổ chức, hiệp hội cũng có vai trò quan trọng trong việc kết nối các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam với nhau, là cầu nối giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), trong thời gian tới, VINASA sẽ xây dựng hệ sinh thái số lớn, tạo ra môi trường dữ liệu số để các doanh nghiệp phần mềm có thể cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau phát triển, đóng góp cho ngành công nghiệp phần mềm.
HOÀNG CHUNG