Nguyễn Kim Long, sinh viên ngành kinh doanh quốc tế Trường ĐH Công Thương TP HCM, cho biết mở workshop làm tiêu bản côn trùng từ tháng 3-2024. Sau gần 3 tháng kinh doanh đã có được lượng khách đến tham quan và trải nghiệm ổn định.
“Căn cứ” của chàng sinh viên ở quận Gò Vấp, trung bình mỗi buổi workshop có từ 5- 10 người tham gia, có nhiều đợt trong ngày, kéo dài khoảng 3 giờ. Giá vé dao động từ 350.000 – 390.000 đồng/người (tùy theo từng mẫu tiêu bản), có 2 loại tiêu bản chính là bọ và bướm. Ngoài ra, Long còn mở cửa tham quan miễn phí cho những người có đam mê.
Vừa hướng dẫn khách làm tiêu bản, Long vừa chia sẻ: “Lúc nhỏ, em rất hay tham gia các buổi cắm trại, hướng đạo sinh,…Sau mỗi chuyến đi, em sưu tầm cho mình những mẫu tiêu bản rồi ép trong quyển sổ. Năm lớp 7, em khởi nghiệp với mô hình nuôi bò sát, thu nhập từ 3-7 triệu đồng/ tháng. Đến năm lớp 9, do việc học quá nhiều nên phải tạm gác công việc”
Tình yêu với côn trùng ngày càng lớn dần, Long “ăn dầm nằm dề” trong các hội nhóm trên Facebook để tìm hiểu về những tiêu bản đẹp mắt trên thế giới. Đây cũng là giai đoạn Long kết nối được nhiều bạn bè quốc tế.
“Càng ngày em càng thấy việc học ngành kinh doanh quốc tế rất phù hợp với công việc hiện tại mà em theo đuổi. Cả hai bổ trợ lẫn nhau giúp em có nhiều ý tưởng kinh doanh hơn” – Long hào hứng nói.
Sau khi xử lý vệ sinh tiêu bản, Kim Long hướng dẫn khách cách sử dụng ghim để định hình và lồng tiêu bản vào khung.
Long giải thích những workshop làm tiêu bản đã xuất hiện nhiều trên thế giới, ở Nhật Bản tiêu bản được đưa vào trong giáo dục. Long thu gom côn trùng từ những người nông dân, riêng những loại to thì phải đặt hàng từ nước ngoài.
“Mặc dù là côn trùng nhưng khi nhập về Việt Nam vẫn phải đảm bảo 2 vấn đề là giấy tờ hợp pháp và côn trùng phải còn sống. Vòng đời của côn trùng rất ngắn, sau khi sinh sản côn trùng sẽ tự chết đi, phần xác đó sẽ dùng để làm tiêu bản” – Long nói rõ.
Long cho biết không dùng những con còn sống để làm tiêu bản vì điều đó đi ngược lại với ý nghĩa thực của tiêu bản là bảo tồn những cá thể đã mất đi.
Từ ngày kinh doanh mô hình workshop, Long cảm thấy mình kết nối được nhiều bạn bè hơn, nhất là bạn bè quốc tế. Chỉ tay về con bọ to trên kệ trưng bày, Long cho biết đó là món quà mà bạn Suzuki Yuya đã tặng khi sang Việt Nam.
“Với người trong ngành, đây là những “vật phẩm” vô giá. Mỗi quốc gia có khí hậu thiên nhiên khác nhau, các loài côn trùng cũng có hình dạng và hoa văn khác nhau, rất thú vị” – Long nói.
Nguồn: https://nld.com.vn/sinh-vien-mo-workshop-lam-tieu-ban-ket-noi-nhieu-ban-be-quoc-te-196240529155336433.htm