Tuy nhiên nhiều phụ huynh cũng không biết phải định hướng cho con bắt đầu luyện vẽ từ khi nào và có nhất thiết phải học luyện thi hay không trong bối cảnh có những thay đổi về xét tuyển môn năng khiếu.
Đối với khối ngành thiết kế, mỹ thuật, kiến trúc, đa số các trường ĐH kiểm tra năng khiếu vẽ ngay khi xét tuyển đầu vào. Tuy nhiên, những năm gần đây, một số trường đào tạo ngành kiến trúc không yêu cầu thi năng khiếu đầu vào như Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Đối với ngành thiết kế đồ họa, Trường ĐH Duy Tân không xét tuyển môn năng khiếu. Một số trường khác như Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Nam Cần Thơ bổ sung những phương thức xét tuyển không yêu cầu thi năng khiếu đối với ngành kiến trúc…
NHU CẦU LUYỆN MÔN NĂNG KHIẾU VẪN CAO
Vào dịp hè, nhiều phụ huynh và học sinh (HS) THPT vẫn có nhu cầu tìm hiểu về những lớp luyện thi vẽ vào ĐH. Chia sẻ với PV Thanh Niên, bà Hồng Phượng (ngụ Q.12, TP.HCM) cho biết: “Con trai của tôi năm nay lên lớp 11, muốn theo ngành kiến trúc, ngành dự phòng là thiết kế công nghiệp. Hè này, tôi mới tìm hiểu lớp luyện thi năng khiếu cho con, có lẽ hơi muộn. Tôi nghĩ rằng phụ huynh phải đầu tư cho con luyện vẽ từ sớm hơn nữa”.
Bên cạnh đó, trên các diễn đàn trên mạng xã hội, vào hè, không ít HS đăng bài xin tư vấn về lớp học vẽ. Qua tìm hiểu của PV Thanh Niên, hiện TP.HCM có nhiều lớp, trung tâm chuyên luyện vẽ để chuẩn bị cho bài thi năng khiếu xét tuyển ĐH. Mùa hè là thời điểm có nhiều lớp được khai giảng do nắm bắt được nhu cầu luyện thi của HS, từ lớp trực tiếp cho đến trực tuyến.
Đa số các trung tâm luyện thi có lớp được thiết kế theo dạng bài thi của các trường ở TP.HCM, giá thấp nhất khoảng 150.000 đồng/buổi. Chất lượng giảng dạy của các lớp luyện thi vẽ đa dạng, phụ huynh thường ưu tiên chọn lớp gần nhà, nhờ người quen tư vấn hoặc đưa con trực tiếp đến lớp để được tư vấn.
Trong vai phụ huynh đến tham khảo một trung tâm dạy vẽ tại H.Hóc Môn, chúng tôi được tư vấn và cung cấp những thứ cần học tương ứng với ngành học của các trường ĐH. Chẳng hạn, ngành thiết kế đồ họa (Trường ĐH Mỹ thuật), thí sinh cần luyện hình họa vẽ chân dung người thật và trang trí màu; ngành kiến trúc (Trường ĐH Kiến trúc) luyện thi vẽ đầu tượng; tự chọn hình họa hoặc trang trí màu đối với ngành thiết kế thời trang, thiết kế nội thất của Trường ĐH Văn Lang… Trong lúc được tư vấn, chúng tôi nhận thấy nhiều học viên luyện thi vẽ ngồi kín khuôn viên khá nhỏ của trung tâm này.
XU HƯỚNG HỌC TRỰC TUYẾN
Một số HS như Nguyễn Bảo Ngân (ngụ Nhơn Trạch, Đồng Nai) chọn học lớp luyện thi trực tuyến. Ngân kể: “Em đăng ký với một trung tâm luyện vẽ trên mạng từ tháng 7.2023 sau khi tìm hiểu ở các hội nhóm trên Facebook. Lịch học ở đây không giới hạn số buổi trong tuần nên em chọn học 3 buổi/tuần. Trung tâm thiết kế giáo trình học với đầy đủ lý thuyết, mỗi buổi học thì giảng viên sẽ giảng cho mình lý thuyết rồi giao bài tập thực hành”.
“Em nghĩ môn nào cũng vậy không chỉ riêng môn vẽ, phải ôn luyện thì mới có kiến thức để thi nên nếu mình muốn đạt kết quả như ý muốn thì vẫn phải luyện tập. Ngày nay mạng internet, công nghệ phát triển nên nếu ở tỉnh lẻ không có lớp vẽ hoặc lớp vẽ quá xa, thì thí sinh đều có thể học trực tuyến. Số lượng luyện vẽ trực tuyến rất đông”, Ngân chia sẻ thêm.
LUYỆN CHƯA CHẮC THI ĐIỂM CAO
Từng trải qua bài thi năng khiếu, Trần Khải Hoàn, sinh viên năm cuối Khoa Thiết kế nội thất Trường ĐH Văn Lang, cho hay: “Em bắt đầu học luyện thi vẽ từ lớp 11. Một số bạn luyện thi cấp tốc vài tuần nhưng có khả năng cảm thụ cao nên điểm thi năng khiếu rất cao. Trong khi đó, những bạn dù luyện thi từ lớp 9 nhưng điểm vẫn thấp”.
“Lớp luyện thi không thể quyết định điểm thi nhưng có thể giúp học viên học bài bản hơn, nắm rõ kỹ thuật vẽ theo đúng yêu cầu trong khoảng thời gian cho phép. Mình có năng khiếu vẽ, vẽ đẹp là do mình tự cảm nhận, không thể đảm bảo đúng yêu cầu của bài thi. Chẳng hạn, bài thi đầu tượng cần phải chuẩn về bố cục, còn trang trí màu thiên về đánh giá độ sáng tạo của thí sinh nhiều hơn”, Khải Hoàn nói.
Tương tự, Bảo Ngân luyện thi vẽ trực tuyến từ tháng 7.2023 và vừa hoàn thành 3 kỳ thi năng khiếu tại 3 trường ĐH: Tôn Đức Thắng, Kiến trúc TP.HCM và Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, với số điểm lần lượt là 8; 7,75 và 9.
“Theo em, để đạt điểm cao, thí sinh cần có kinh nghiệm trong phòng thi để biết được cách bố trí thời gian dạng đề và tâm lý. Có nhiều trường tổ chức kỳ thi năng khiếu vào những thời điểm khác nhau, bạn nên đăng ký thi một vài trường để có kinh nghiệm, khi có kinh nghiệm thì khả năng lần thi sau điểm sẽ cao hơn lần thi trước và cơ hội trúng tuyển vì thế cũng cao hơn”, Ngân chia sẻ.
Trao đổi với PV Thanh Niên, tiến sĩ Trần Thanh Nam, Trưởng khoa Mỹ thuật Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cho rằng các ngành về kiến trúc, mỹ thuật cần yếu tố năng khiếu. Tuy nhiên, thí sinh có năng khiếu vẽ nhưng nếu chưa nắm phương pháp vẽ thì phải rèn luyện theo yêu cầu của ngành học.
“Ở nước ngoài, môn vẽ được gọi là nghiên cứu hình họa (chân dung thạch cao, vẽ người) và HS được học vẽ, tiếp xúc với nghệ thuật từ khi còn học phổ thông. Còn ở nước ta, các em phải luyện thi, tức là luyện vẽ có thầy hướng dẫn. Dù vậy, nhiều em ở tỉnh, không có điều kiện đến lớp học vẽ nhưng tự nghiên cứu (từ sách, internet…) nếu đúng phương pháp vẫn có thể tự rèn luyện năng khiếu được”, tiến sĩ Nam cho hay.
Theo tiến sĩ Nam, tỷ lệ thi vào các ngành có môn năng khiếu rất cao, đòi hỏi phải rèn luyện nhiều. Môn hình họa (vẽ mỹ thuật) không phải là môn chỉ có khéo tay, mà đòi hỏi phải có kiến thức về cấu trúc, tỷ lệ, không gian… khéo tay chỉ là kỹ năng mà rèn luyện nhiều mới có được. Do đó, có những HS hiểu và biết phương pháp thì tiến bộ rất nhanh.
“Còn nghề kiến trúc là tổ chức không gian sống, làm việc… cho con người một cách thẩm mỹ. Tức là vừa phải đáp ứng công năng sử dụng và thẩm mỹ (mỹ thuật). Do đó, môn vẽ mỹ thuật là môn kiểm tra khả năng phân tích cấu trúc và hiểu, thể hiện không gian. Trong khi đó, thiết kế đồ họa thi môn trang trí màu để kiểm tra khả năng cảm thụ màu sắc cũng như các kỹ năng vẽ tay”, tiến sĩ Nam thông tin.
Điểm thi năng khiếu không phải là tất cả
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Trưởng bộ môn kiến trúc Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận định để học các ngành về kiến trúc, kiến trúc cảnh quan (với đồ họa thì phần mỹ thuật cao hơn kiến trúc) thì năng khiếu vẽ chỉ là một phần. Các ngành này còn đòi hỏi người học có tư duy logic để có thể tổ chức không gian chức năng hợp lý, tư duy thẩm mỹ để bố cục hình khối có tỷ lệ đẹp mắt. Bởi kiến trúc không chỉ để nhìn, mà còn phải để dùng, mà phải dùng được và dùng tốt.
Về việc luyện vẽ để thi năng khiếu, theo tiến sĩ Vinh, thí sinh có năng khiếu thì dĩ nhiên sẽ học nhanh hơn, vẽ đẹp hơn và điểm vào cao hơn. Nhưng khi trúng tuyển, đa số đều phải nắn lại từ đầu, từ tư duy thẩm mỹ, tư duy không gian, cảm nhận về hình khối và ánh sáng… vì một số thí sinh “học tủ” theo mẫu có sẵn, chứ ít thí sinh học để cảm nhận đúng bao cảnh thật của đối tượng tại thời điểm vẽ. Ngoài ra, ở thời điểm hiện tại, bên cạnh các phần mềm kiến trúc đã phổ biến, trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đã phát triển và là công cụ hỗ trợ cực mạnh cho kiến trúc sư thể hiện (vẽ) ra phối cảnh đẹp hơn, thật hơn và phù hợp hơn theo góc nhìn của khách hàng.
Luyện để thi, còn quá trình học để trở thành người làm nghề giỏi thì điểm năng khiếu không phải là tất cả, thậm chí chỉ là con số 0. Như vậy, việc luyện thi có thể là điểm khởi đầu tốt, nhưng chưa chắc có điểm kết thúc tốt.
Nguồn: https://thanhnien.vn/thi-sinh-co-can-luyen-thi-ve-vao-cac-nganh-nang-khieu-185240710191143854.htm