Hà Lan đã quá thành công khi vào đến vòng bán kết EURO (dù tất nhiên, họ muốn thành công hơn nữa). Ngược lại, bán kết không bao giờ là ‘chỉ tiêu’ mà giới bóng đá Anh đặt ra cho thầy trò Gareth Southgate. Phải đi xa hơn!
Anh có ngại “huông” Koeman ?
Trong lần duy nhất Hà Lan lên ngôi vô địch ở một giải đấu lớn (EURO 1988), Ronald Koeman và đồng đội thắng Anh 3-1 ở vòng bảng. Còn trong lần gần đây nhất Anh bị loại khỏi đấu trường World Cup, Koeman cũng là ngôi sao được nhắc đến nhiều nhất. Đấy là vòng loại World Cup 1994, Anh chỉ cần hòa trên sân Hà Lan là đủ điểm. Koeman thoát cả phạt đền lẫn thẻ đỏ trong một pha truy cản David Platt, rồi sau đó lại mở tỷ số. Hà Lan thắng 2-0 và loại Anh.
Bây giờ, Koeman đang đứng trước cơ hội khó ngờ. Hà Lan mà thắng thêm 2 trận, Koeman sẽ có thành tích vô địch EURO trong cả hai vai là HLV và cầu thủ. Ngăn cản Hà Lan với suất dự trận chung kết EURO 2024 là đội tuyển Anh đầy duyên nợ đối với Koeman.
Trong số 4 đội lọt vào bán kết, Anh là đội duy nhất chưa thắng trận nào trong 90 phút ở giai đoạn knock-out, còn Hà Lan là đội duy nhất luôn thắng các trận knock-out trong 90 phút. Nói về phong độ, rõ ràng Hà Lan nhỉnh hơn, với hình ảnh được cải thiện rõ ràng sau vòng bảng. Đã vậy, nhìn lại thành tích đối đầu trong quá khứ, Hà Lan không có lý do gì để phải ngán Anh. Họ thắng 4, hòa 4 và chỉ thua 1 trong 9 lần đụng độ “Tam sư” gần đây nhất.
Tuy nhiên, ai cũng thấy rõ: Hà Lan bị cả thị trường cá cược lẫn giới bình luận đánh giá thấp nhất trong số 4 đội cuối cùng. Chỉ tiêu trước giải của thầy trò Koeman, cũng giống như ở các giải đấu lớn gần đây, chỉ là lọt vào tứ kết. Từ khi “phán quyết Bosman” ra đời, bóng đá Hà Lan chịu thiệt thòi nhiều nhất châu Âu, riết rồi các CLB lớn của nền bóng đá này đành buông xuôi ở khâu đào tạo, khiến Hà Lan mất hẳn những phẩm chất quan trọng từng làm nên thương hiệu cho nền bóng đá này: sự tràn ngập tài năng trẻ và khả năng sáng tạo trong lối chơi.
Cân về lực lượng thì Anh vượt trội. Về kinh nghiệm, Anh cũng hơn hẳn, khi đây đã là giải đấu lớn thứ 3 mà đội bóng do Southgate huấn luyện lọt vào bán kết.
Khác biệt rõ ràng: khi Hà Lan mờ nhạt thì đấy trước tiên là vì họ không có khả năng đá hay hơn. Còn khi Anh mờ nhạt, người ta chỉ bàn về sự thận trọng quá mức cần thiết, hoặc khâu phối hợp không được như ý giữa các ngôi sao, hơn là vấn đề tài năng, đẳng cấp.
Nhìn toàn cảnh, Anh trội hơn
Đêm nay sẽ là trận đấu mà Hà Lan chỉ có thể được thêm (tiến đi xa hơn mong muốn) chứ không mất gì, còn Anh là đội phải bảo vệ tư thế “kèo trên”: cố không sẩy chân để bất ngờ gục ngã. Những điểm mạnh, yếu bên phía Hà Lan đã khá rõ ràng. Họ có cặp trung vệ Virgil Van Dijk – Stefan de Vrij rất chắc chắn, lại thêm phẩm chất công thủ toàn diện. Cody Gakpo đang tỏa sáng trên hàng công, với Wout Weghorst luôn sẵn sàng diễn vai “siêu dự bị”.
Ngược lại, rất khó nhận diện đội Anh, khi mà trên bề mặt thì có vẻ như HLV Southgate vẫn chưa xác định được công thức hoàn hảo cho chính mình. Hậu vệ chuyên đá cánh trái duy nhất trong đội Anh là Luke Shaw vừa trở lại sau nhiều tháng vắng bóng vì chấn thương. Đây đã là lúc thích hợp để Southgate xếp Shaw vào đội hình chính? Marc Guehi mãn hạn treo giò và anh liệu có giành lại chỗ đứng từ Ezri Konsa? Phòng thủ bằng 3 trung vệ hay 4 hậu vệ luôn là câu hỏi thường trực. Trong số 4 đội cuối cùng, Anh chính là đội bóng “mơ hồ” nhất, ngay từ khâu định dạng. Không ai dám xem thường họ, nhưng có vẻ như bản thân họ lại không thoát khỏi sự ngờ vực.
Vì chưa thắng được trận knock-out nào trong 90 phút, nên sự mệt mỏi đang là nguy cơ đáng kể nơi đội Anh. Ngay cả thủ quân Harry Kane cũng đã bị thay trong hiệp phụ thứ 2 của trận tứ kết gặp Thụy Sĩ (trên nguyên tắc, tiền đạo thủ quân Kane là người cần được ưu tiên giữ lại trên sân để đá 11 m). Hà Lan có thể hơn về thể lực, do chưa đá hiệp phụ ở giải này. May cho Southgate, khi lực lượng hảo thủ trong tay ông quá “dày”. Một mặt, Southgate dễ dàng toan tính chiến lược, có thể linh động chọn những phương án khác hẳn nhau, gồm cả việc thay người và thay đổi cách chơi ngay trong trận đấu. Mặt khác, cái lợi muôn thuở của một đội bóng hơn về lực lượng vẫn là họ không dễ bị “bắt bài”.
Cuối cùng, Anh hơn Hà Lan ở khả năng tỏa sáng của những cá nhân. Hà Lan cũng có những khoảnh khắc riêng của họ, nhưng không sánh được với khả năng gây đột biến của Jude Bellingham, Bukayo Saka hoặc Kobbie Mainoo bên phía Anh. Đây luôn là khác biệt quan trọng trong những trận đấu lớn.
Tuyển thủ Quế Ngọc Hải: Anh thắng 2-1
Trong 4 đội vào bán kết, Hà Lan không được chú ý, nhưng có thể sẽ là đội nguy hiểm nhất. Tôi thấy họ giỏi chớp thời cơ, tận dụng các tình huống cố định vì chiều cao trung bình rất tốt. Nhưng đội tuyển Anh vừa thể hiện phiên bản tốt nhất của mình từ đầu EURO 2024. Tôi mong họ sẽ thắng trong 90 phút dù hơi khó khăn, với kỳ vọng đặt vào Jude Bellingham và hy vọng Harry Kane, Phil Foden sẽ tỏa sáng. Dự đoán: Anh thắng 2-1.
HLV Nguyễn Việt Thắng: Hà Lan thua 0-1
Xét về lối đá, đội tuyển Hà Lan nhỉnh hơn, nhưng tôi cho rằng đội tuyển Anh sẽ vào chung kết. Những đội bóng chơi phòng ngự chặt chẽ sẽ có cơ hội đi tiếp cao hơn, bằng chứng là có đến 3 trận đấu ở tứ kết phải dùng đến hiệp phụ. Dự đoán: Hà Lan thua 0-1.
Quốc Việt (ghi)
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/anh-ha-lan-ban-ket-2-gio-ngay-117-neu-khong-the-thang-soughgate-kho-ve-185240709205118296.htm