Nói đến xứ Đoài, phải nói đến núi Ba Vì, cụm núi từ xa xưa đã đi vào tâm thức cộng đồng người Việt như ngọn núi thiêng, gắn với tục thờ Tản Viên Sơn thánh, tức Sơn Tinh, một trong “Tứ bất tử” – bốn vị thần lớn nhất trong quan niệm tín ngưỡng cổ.
Thánh Tản được coi như một vị phúc thần của người Việt từ thời Hùng Vương huyền thoại, biểu tượng cho công cuộc sinh tồn của cư dân Việt cổ. Vùng núi Ba Vì – Sơn Tây tạo thành phần xa nhất phía Tây của xứ Đoài và địa phận Hà Nội, được sông Hồng và sông Đà bao bọc mặt bắc và tây, cùng sông Tích ở phía đông, tạo nên một khu vực có đủ hình thái đất phù sa bồi lẫn đất rừng.
Hệ sinh thái độc đáo ấy đã tạo nên cơ sở cho các làng trồng cây công nghiệp hoa màu ở vùng đồi chân núi huyện Ba Vì như có tới 9 thôn ở xã Ba Trại chế biến chè, hay nghề chế biến thuốc nam của người Dao.
Những làng nghề chè, thuốc nam, bột sắn, miến dong… quần tụ men những xóm làng bán sơn địa giáp sông Hồng và sông Đà, là chỉ dấu cho một nếp sống nương vào tự nhiên một cách mộc mạc. Núi Ba Vì đúng nghĩa là một “phúc sơn” của người Việt.
Thị xã Sơn Tây hút khách du lịch lâu nay nhờ các di tích văn hóa nổi tiếng như thành cổ bằng đá ong, làng cổ Đường Lâm, chùa Mía, đền Và, đền thờ hai vua Phùng Hưng, Ngô Quyền… nhưng bên cạnh đó là những đặc sản địa phương của các làng nghề như bánh tẻ Phú Nhi, thêu ren Ngọc Kiên, kẹo lạc kẹo vừng Đường Lâm, tương Mông Phụ.
Câu hát một thời về tỉnh “Hà Tây quê lụa”, tên của tỉnh cũ gồm cả vùng Hà Đông và Sơn Tây – “Sữa trắng Ba Vì, thóc vàng khu Cháy” – vốn dĩ gắn với tên tuổi nông trường bò sữa, giờ đây cũng thành nghề của nhiều làng khu vực Ba Vì, cung cấp các sản phẩm từ sữa, tạo thành thương hiệu của vùng đất xứ Đoài.
Câu hát về một thời “sông Tích sông Đà giăng lụa mênh mông” hay bài ca về anh hùng lao động chăn bò Hồ Giáo thập niên 1960, tất cả đều nói đến sự tài hoa lẫn cần cù của người làm nghề xứ Đoài, đến nay vẫn chứng tỏ sức sống. Những xóm làng luôn đỏ lửa lò nấu, lò sấy, rộn ràng tiếng đan lát ở khắp các huyện vùng đất phía tây sông Đáy, cứ tiếp nối thành dòng chảy đời sống liên tục.
Bàn tay người xứ Đoài không mịn màng, âm sắc giọng người xứ Đoài thô nặng, những điều đó là kết quả của nếp sống yêu lao động, không ngừng nghỉ để tạo ra sản vật cho đời. Danh tiếng đất trăm nghề đã tạo nên một nhận diện thuần hậu của vùng đất cổ, bảo lưu dấu vết phong tục chưa phai mờ.
Tạp chí Heritage