Tại Hà Nội, dự án đường Vành đai 4 đi qua 7 quận, huyện gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông.
Những ngày đầu tháng 7, theo ghi nhận của PV, sau một năm từ ngày khởi công, từ những cánh đồng bát ngát, ao hồ, tuyến đường đã dần nên hình hài. Nhiều khu vực đã qua quá trình đắp nền, được nhà thầu chuyển sang công đoạn thử tải, hệ thống các cầu vượt đang đua nhau gác dầm.
Đoạn tuyến qua hai huyện Sóc Sơn và Mê Linh đều do liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty CP Thịnh Vượng TVT và Công ty CP Đầu tư và xây dựng Thái Yên đảm nhận thi công. Đến nay, các trụ cầu vượt sông, vượt đường sắt tuyến Nội Bài – Lào Cai đã vươn cao, thi công xong phần bệ, thân và đang lao lắp dầm.
Đại tá Võ Khắc Hùng, Phó tư lệnh Binh đoàn 12, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết: “Mặt bằng bàn giao đến đâu, đơn vị chuẩn bị máy móc, công nhân làm đến đó. Một số đoạn đã thảm cấp phối đá dăm. Nhà thầu quyết tâm hoàn thành công trình vào tháng 12/2024”.
Trên địa bàn huyện Đan Phượng, Hoài Đức, đường Vành đai 4 có chiều dài gần 23km do nhà thầu Vinaconex đảm nhiệm chính. Kỹ sư Nguyễn Hoàng Hải, Chỉ huy trưởng công trường gói thầu số 9 cho biết: “Chúng tôi phấn đấu xử lý nền đất yếu xong trước 30/6 để kịp thời gian chờ lún, dự kiến sẽ hoàn thành dự án vào tháng 12/2025, vượt tiến độ 6 tháng”.
Đoạn tuyến tiếp theo đi qua quận Hà Đông có chiều dài khoảng 4,9km. Trong số 4 gói thầu xây lắp, gói thầu số 10 đi qua quận hiện có tiến độ chậm nhất do còn vướng mắc GPMB đất nông nghiệp và đất thổ cư của 87 hộ dân giáp quốc lộ 6. Nhiều đoạn trên phần đất nông nghiệp thuộc phường Yên Nghĩa, nhà thầu chưa được bàn giao.
Ông Đoàn Viết Thắng, Chỉ huy trưởng công trường, Tổng công ty 319, Bộ Quốc phòng chia sẻ: “Khối lượng triển khai của dự án đến thời điểm này đạt trên 20%, chủ yếu là phần đắp cát nền đường. Công tác GPMB đang gặp nhiều khó khăn”.
Tiếp giáp với quận Hà Đông tại quốc lộ 21B, gói thầu số 10 đi qua 6 xã thuộc huyện Thanh Oai với chiều dài khoảng 7,25km. Hiện nhà thầu đang đắp đất gia tải để xử lý nền đất yếu. Tuy nhiên, mặt bằng vẫn còn vướng khoảng 800m ở xã Cự Khê và 300m ở xã Mỹ Hưng, chiếm khoảng 7% tổng diện tích đất cần thu hồi.
Thường Tín là địa bàn có dự án đi qua 9 xã với tổng chiều dài hơn 9km. Địa bàn thuộc gói thầu số 11 do Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco 4 – Công ty CP Thương mại và xây dựng Hoàng Long – Công ty Cổ phần Sông Hồng đảm nhận thi công. Đây là nơi có địa hình bất lợi nhất so với các gói thầu khác khi hầu hết là ruộng với nền đất yếu, phải mất thời gian từ 6-8 tháng xử lý và gia tải.
Kỹ sư Nguyễn Quốc Toản, Chỉ huy trưởng công trường – Công ty CP Thương mại và xây dựng Hoàng Long chia sẻ: “Chúng tôi mong mặt bằng sẽ được các đơn vị liên quan bàn giao sớm để thi công kịp tiến độ”.
Ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban QLDA Công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, đến nay dự án cơ bản hoàn thành công tác GPMB, tỷ lệ đạt gần 98%. Đã hoàn thành toàn bộ 13/13 khu tái định cư, đang bố trí cho các hộ dân.
Theo ông Cường, các nhà thầu đang tiếp tục đẩy nhanh công tác thi công đường song hành, sản lượng đạt khoảng 26% giá trị hợp đồng. Hiện TP Hà Nội đã tháo gỡ các thủ tục để tạo điều kiện cho nhà thầu khai thác vật liệu theo cơ chế đặc thù. Nguồn vật liệu cơ bản đáp ứng nhu cầu.
“Với 4 gói thầu xây lắp đường, hiện trên toàn tuyến song hành đang huy động khoảng 1.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân, chia thành 32 mũi thi công chính”, ông Cường thông tin.
Tại Hưng Yên, đường Vành đai 4 có chiều dài là 19,3km đi qua 4 huyện Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Giang và Văn Lâm. Dự án được triển khai giải phóng mặt bằng cùng lúc với Hà Nội và Bắc Ninh. Đến nay, các địa phương đã bàn giao được trên 80%, đủ công địa để nhà thầu thi công.
Giai đoạn này, tỉnh Hưng Yên đã bỏ vốn xây dựng trước hệ thống đường song hành 2 bên với chiều dài tuyến là 17,7km, mỗi bên 2 làn xe. Tổng mức đầu tư lên đến 1.504,6 tỷ đồng.
Dự án do Sở GTVT tỉnh Hưng Yên làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty CP LIZEN. Dự án được khởi công ngày 22/11/2023, thời gian thi công dự kiến là 34 tháng.
Kỹ sư Nguyễn Hữu Thống, Giám đốc Ban điều hành dự án của nhà thầu LIZEN cho biết: Đến nay, nhà thầu đang tổ chức thi công trên các đoạn tuyến với tổng chiều dài hơn 10km.
“Khó khăn lớn nhất hiện nay là vật liệu. Do Hưng Yên không có đồi núi, không có mỏ đá, mỏ đất nên rất khan hiếm. Chúng tôi phải đặt mua từ Hà Nam, Hoà Bình nhưng cũng không đủ. Đơn vị chấp nhận phải mua theo kiểu “ăn đong” với giá cao hơn dự toán từ 20.000 – 30.000 đồng/m3.
Khó khăn nữa là mặt bằng, dù địa phương đã bàn giao tới 86% nhưng thực tế, nhiều vị trí không có đường tiếp cận hoặc công địa quá ngắn”, ông Thống nói.
Tại Bắc Ninh, dự án đi qua có tổng chiều dài hơn 35km. Trong đó, dự án thành phần 1.3 có tổng mức đầu tư hơn 2,4 nghìn tỷ đồng; dự án thành phần 2.3 có tổng mức đầu tư gần 2,8 nghìn tỷ đồng. Các dự án đều do Ban Quản lý dự án Xây dựng giao thông Bắc Ninh làm chủ đầu tư.
Theo ghi nhận, hiện các nhà thầu đang huy động tối đa máy móc, thiết bị thi công. Trong đó, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phượng Hoàng đang triển khai thi công gói thầu số 14, đoạn qua phường Ninh Xá, thị xã Thuận Thành. Tuy nhiên, nhiều vị trí mặt bằng còn xôi đỗ khiến thi công bị ngắt quãng.
Hay như tại gói thầu số 15, đoạn qua huyện Gia Bình, nguồn đất đắp phải vận chuyển về từ Lạng Sơn. Ông Đỗ Văn Cảnh, cán bộ Công ty CP Xây dựng 568, Chỉ huy trưởng gói thầu cho biết: Đến nay, các nhà thầu mới tiếp cận mặt bằng, triển khai làm nền đường.
Theo chủ đầu tư, dự án thành phần 2.3 được chia làm 3 gói thầu xây lắp (số 14, 15, 16), hiện đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu cát cho công đoạn xử lý nền đất yếu. Bắc Ninh không có mỏ cát nên phải lấy tại các tỉnh Phú Thọ, Hải Dương, Hà Nội…
Đối với công tác GPMB, tổng diện tích thu hồi khoảng 374ha với 7.848 hộ, đơn vị bị ảnh hưởng. Đến nay, đã phê duyệt phương án và thu hồi đất được 363,84/374ha, đạt 97,28%. Diện tích đất còn lại chưa thu hồi là 101.600m2, chủ yếu là diện tích đất thổ cư, bán trái thẩm quyền.
Ngoài khó khăn trên, tổng kinh phí để bồi thường, hỗ trợ, GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật lớn hơn tổng mức đầu tư dự án thành phần 1.3 được phê duyệt khoảng 1.240 tỷ.
Chủ đầu tư đã đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét cung cấp mỏ cát cho Bắc Ninh để đáp ứng nhu cầu; kiến nghị Ban chỉ đạo dự án đường Vành đai 4 báo cáo cơ quan thẩm quyền, cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư. Dù gặp khó khăn song đến nay tiến độ dự án qua Bắc Ninh vẫn được bảo đảm.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/hinh-hai-duong-vanh-dai-4-sau-1-nam-thi-cong-192240709110615266.htm