Theo nghiên cứu mới của OECD, người di cư từ lâu đã trở thành một phần của xã hội Đức. Chuyên gia di cư Thomas Liebig của OECD chỉ ra rằng phần lớn người di cư vào Đức là những công dân đến từ Liên minh châu Âu (EU) vì họ có thể dễ dàng tiếp cận công việc ở đây hơn.
Đối với nghiên cứu này, ông Liebig đã so sánh dữ liệu từ các quốc gia như Úc, Bỉ, Đan Mạch, Pháp và Ý, cũng như từ các quốc gia Scandinavia. Lần đầu tiên, dữ liệu toàn diện từ EU cũng được sử dụng.
Ủy viên phụ trách hội nhập Đức Reem Alabali-Radovan, người ủy quyền thực hiện nghiên cứu này, cũng có quan điểm tương tự: “Chúng tôi luôn là quốc gia của những người nhập cư và điều đó đã làm cho chúng tôi trở nên mạnh mẽ. Lịch sử nhập cư của Đức rất đa dạng, bao gồm những người tị nạn từ Thế chiến II, những lao động tạm thời… và những người tị nạn từ Nam Tư cũ và sau đó là từ Syria và Afghanistan”.
Sự tham gia của lực lượng lao động nước ngoài là một đặc điểm chính cho thấy hội nhập thành công. Nghiên cứu của OECD phát hiện ra rằng 70% những người di cư đến Đức đã tìm được việc làm. Con số đó cao hơn hầu hết các quốc gia EU khác và là kỷ lục đối với Đức.
Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều vấn đề. Mặc dù gần 2/3 số người nhập cư có thể nói tiếng Đức tốt trong vòng 5 năm sau khi đến Đức, con số đó giảm đáng kể đối với những người ít hoặc không có trình độ học vấn chính thức. Chỉ 1/4 số người có trình độ học vấn thấp có thể nói được tiếng Đức sau 5 năm đến đây.
Tỷ lệ việc làm cũng thấp hơn đối với nhóm người như vậy, dao động quanh mức 50%. Mặt khác, chỉ có Ý là nơi tiếp nhận nhiều người di cư không có trình độ học vấn chính thức hơn.
Bà Alabali-Radovan coi đây là một lĩnh vực cần cải thiện: “Hệ thống giáo dục vẫn chưa hướng đến mục tiêu phục vụ xã hội nhập cư từ lâu. Đó là lý do tại sao tất cả chúng ta cần phải đoàn kết lại”.
Một vấn đề khác là việc làm của những phụ nữ trẻ đến Đức với ít nhất một đứa con nhưng không có bạn đời. Vào năm 2021, khoảng 40% nhóm phụ nữ đó đang làm việc tích cực, thấp hơn so với 70% phụ nữ có hoàn cảnh tương tự sinh ra ở Đức.
Tuy nhiên, bất chấp các vấn đề, nghiên cứu cho thấy Đức vẫn là quốc gia của những người nhập cư.
“Hiện nay có hơn 14 triệu người nhập cư vào Đức. Và khi chúng ta cộng những người sinh ra ở đây với cha mẹ là người nhập cư, điều đó có nghĩa là cứ 5 người ở đây thì có 1 người sinh ra ở nước ngoài hoặc sinh ra ở Đức với cha mẹ là người nhập cư”, chuyên gia về di cư Liebig cho biết.
Ngọc Ánh (theo DW)
Nguồn: https://www.congluan.vn/duc-dat-diem-cao-nhat-ve-su-hoa-nhap-cua-nguoi-di-cu-post302768.html