Chiều ngày 9/7, tại tòa nhà Cục Tần số Vô tuyến điện, Công ty Đấu giá Hợp danh Lạc Việt đã tổ chức buổi đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 3.800 – 3.900 MHz (khối băng tần C3).
Băng tần 3800-3900 MHz được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-2020 và các phiên bản tiếp theo, sử dụng phương thức song công phân chia theo thời gian (TDD).
Giá khởi điểm của khối băng tần C3 là 2.581.892.500.000 đồng (hai nghìn năm trăm tám mươi mốt tỷ, tám trăm chín mươi hai triệu, năm trăm nghìn đồng). Bước giá áp dụng tại cuộc đấu giá khối băng tần C3 là 25 tỷ đồng.
Cuộc đấu giá được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp, đấu giá theo phương thức trả giá lên. Doanh nghiệp trúng đấu giá được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm.
Phát biểu khai mạc buổi đấu giá, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho hay, năm 2024 là năm thương mại hóa 5G. Trong giai đoạn phát triển đầu tiên, 5G phải có băng thông siêu rộng, phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước so với các ứng dụng, dịch vụ.
Tháng 3/2024 đã chứng kiến một bước tiến quan trọng khi tổ chức thành công cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số cho khối băng tần B1 (2.500 – 2.600 MHz) và khối băng tần C2 (3.700 – 3.800 MHz). Đây là kết quả của sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ Bộ TT&TT và sự tích cực tham gia của các doanh nghiệp.
“Khi đấu giá lần đầu với 3 khối băng tần được đưa ra đấu giá mà chỉ có 3 doanh nghiệp tham gia thì đấu giá được 2 khối băng tần là rất thành công”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định.
Trước khi tổ chức đấu giá, tổng số băng tần IMT đã cấp cho doanh nghiệp là 340 MHz, đứng thứ 9/10 nước Đông Nam Á. Qua đợt đấu giá Q1/2024, đã bổ sung thêm 200 MHz (khối B1 và C2), nâng tổng số băng tần đã cấp lên 540 MHz, đứng thứ 6/10 nước Đông Nam Á.
Việc tổ chức đấu giá lại khối băng tần C3, nếu thành công, sẽ nâng tổng lượng băng tần đã cấp lên 640 MHz, đứng thứ 4/10 nước Đông Nam Á. Kế hoạch tiếp theo của Bộ TT&TT là đến Quý 4/2024 sẽ tiếp tục đấu 60 MHz băng tần 700 MHz. Nếu thành công, tổng lượng băng tần đã cấp của Việt Nam sẽ tăng lên 700 MHz, đứng thứ 3/10 nước Đông Nam Á.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, việc tổ chức cuộc đấu giá lại quyền sử dụng tần số đối với khối băng tần C3 (3.800-3.900 MHz) là bước đi quan trọng nhằm đưa băng tần trung bình vào khai thác một cách hiệu quả, đáp ứng mục tiêu có từ 3 – 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động băng rộng 5G.
Hiện nay, công nghệ 5G đã phát triển chín muồi, các thiết bị đã trở nên phổ biến và giá thành hạ so với giai đoạn 2-3 năm trước. Các nhà mạng tại Việt Nam đã sẵn sàng cho việc thương mại hóa 5G.
Tại thời điểm này, việc hoàn thành cuộc đấu giá băng tần số trung bình để triển khai thương mại hóa 5G mang một ý nghĩa to lớn, thúc đẩy sự chuyển dịch, phát triển hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Trước đó, Bộ TT&TT đã đấu giá thành công khối băng tần B1 (2.500-2.600 MHz) và C2 (3.700-3.800 MHz). Với khối băng tần C3, do chỉ có một doanh nghiệp tham gia nên không đủ điều kiện đấu giá.
Ở cuộc đấu giá này, theo quy chế, trong trường hợp chỉ có một tổ chức đăng ký tham gia đấu giá, một tổ chức tham gia đấu giá, trả giá và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm thì khối băng tần C3 được bán cho tổ chức đó.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/dau-gia-lai-bang-tan-c3-voi-gia-khoi-diem-hon-2-500-ty-2299986.html