Ngày 9-7, tại “Diễn đàn Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cấp tỉnh 2024” do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Viện Sáng kiến Việt Nam và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức, cho thấy doanh nghiệp TPHCM đang giảm năng lực cạnh tranh so với doanh nghiệp các tỉnh lân cận.
Thông tin báo cáo phân tích năng lực cạnh tranh doanh nghiệp TPHCM năm 2023 cho thấy, mặc dù TPHCM vẫn dẫn đầu cả nước về giá trị tuyệt đối ở nhiều chỉ tiêu, nhưng quy mô và kết quả hoạt động của lực lượng doanh nghiệp nói riêng, các kết quả kinh tế nói chung của TPHCM đang đi xuống một cách tương đối so với bình quân chung của cả nước.
Trong khi đó, tại một số địa phương khác có sự bứt tốc xét về tổng thể và đã có những mặt vượt qua TPHCM. Thêm vào đó, so với các đô thị trung tâm trong khu vực Đông Á và Đông nam Á, khả năng cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp thành phố, nhất là các doanh nghiệp dẫn đầu, là khá khiêm tốn. Các doanh nghiệp nói riêng, kinh tế nói chung của TPHCM vẫn chưa thể thu hẹp khoảng cách với các đô thị đi trước trong khu vực.
TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Indiana Hoa Kỳ, thành viên Viện Sáng kiến Việt Nam, nhận định rằng tốc độ tăng trưởng của TPHCM đang chậm lại so với bình quân chung của cả nước. “Sức khỏe” của các doanh nghiệp cũng đáng lo ngại. Cụ thể là, thành phố chỉ có duy nhất một doanh nghiệp góp mặt trong 10 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất cả nước vào năm 2022; không có doanh nghiệp nào trong 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam theo xếp hạng của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (VNR500). Nếu chỉ xét các doanh nghiệp tư nhân, theo xếp hạng trên, trong nhóm 10 doanh nghiệp lớn nhất, năm 2010 thành phố có 5 doanh nghiệp, nhưng đến năm 2022 chỉ còn 3 doanh nghiệp.
Trong danh sách Fortune 500 công bố vào tháng 6-2024, Việt Nam có 70 doanh nghiệp với 30 doanh nghiệp ở Hà Nội và 25 doanh nghiệp ở TPHCM. 10 doanh nghiệp lớn nhất trong Fortune 500 thì Hà Nội có 6 và TPHCM có 2…
Chưa dừng lại đó, giá trị vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết có xu hướng đi xuống rõ rệt. Năm đầu 2010 chiếm khoảng 50% nhưng đến cuối năm 2022 còn chưa đến 1/3. Trong khi đó, Hà Nội lại có xu hướng ngược lại. Ngoài ra, các chỉ số về năng suất lao động và thu nhập bình quân đầu người của TPHCM giảm so với các thành phố trong khu vực.
Cũng theo TS Huỳnh Thế Du, nguyên nhân khiến cho năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp TPHCM giảm sút cả về “chất” và “lượng” đến từ tất cả các yếu tố, bao gồm chiến lược hoạt động của chính lực lượng doanh nghiệp chưa rõ ràng và hoạt động còn chưa hiệu quả; Trình độ phát triển cụm ngành còn khá khiêm tốn, thiếu vắng sự liên kết, tương hỗ; Môi trường kinh doanh dù được cải thiện nhưng vẫn còn cách xa kỳ vọng của doanh nghiệp… Tuy nhiên, TPHCM vẫn là nơi lý tưởng cho các doanh nghiệp đặt trụ sở và tổ chức hoạt động kinh doanh ở Việt Nam nếu có những giải pháp cải thiện hiệu quả.
Nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng, TPHCM cần chú trọng hơn nữa phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông kết nối các trung tâm kinh tế và cửa ngõ liên thông với các tỉnh thành trong khu vực; cải thiện chất lượng giáo dục đại học gắn với phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tuyển dụng. Quan trọng hơn, thành phố cần dành nguồn ngân sách hợp lý để xây dựng hạ tầng xanh, hạ tầng số, nhất là dữ liệu số dùng chung cho các doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp thì cần gia tăng tính chủ động và nội lực nội sinh của mình để bắt kịp xu hướng phát triển mới.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết năng lực cạnh tranh của địa phương không chỉ dựa vào năng lực điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố (PCI) mà còn dựa vào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương. Thành phố cũng xác định rõ doanh nghiệp là lực lượng quan trọng nhất, tạo giá trị gia tăng đóng góp vào GDP, việc làm cho người dân và nguồn thu ngân sách. Sự phát triển bền vững của TPHCM phụ thuộc vào năng lực tạo ra giá trị gia tăng cũng như năng lực cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp. Do vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng.
Cũng theo Phó chủ tịch UBND TPHCM, hiện thành phố đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển, hỗ trợ phát huy vai trò của lực lượng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân.
ÁI VÂN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/tphcm-lo-nang-luc-canh-tranh-cua-doanh-nghiep-sut-giam-post748431.html