Đồng Nai đang vẽ ra một tương lai phát triển đô thị, dịch vụ, công nghiệp rực rỡ gắn với bệ đỡ là hạ tầng giao thông. Đây là địa phương hiện có nhiều dự án giao thông lớn nhất trong cả nước ở đủ các lĩnh vực: hàng không, cao tốc, cảng biển…
Trong đó, sân bay Long Thành là dự án lớn nhất cả nước. Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, con đường nối miền Đông Nam Bộ về thành phố cảng biển và du lịch, được dự báo có lưu lượng xe rất lớn.
Cao tốc Bến Lức – Long Thành nối miền Trung thẳng về miền Tây và sắp tới là cao tốc Dầu Giây – Tân Phú nối lên cao nguyên LangBiang – Đà Lạt là hai tuyến sẽ khai phóng được sức bật cho nền kinh tế khu vực.
Trong khi đó, đường Vành đai 3, Vành đai 4 khi khép kín sẽ tạo ra một vùng kinh tế động lực, mà ở đó, Đồng Nai sẽ là một cực phát triển có nhiều lợi thế từ vị trí địa lý đến các ngành động lực.
Ngoài ra, cùng với Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai còn tiếp giáp với hệ thống cảng biển, cảng sông dày đặc nhiều lợi thế bậc nhất ở vùng Đông Nam Bộ mà ít tỉnh, thành nào có được.
Quy hoạch Đồng Nai đến 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được phê duyệt hôm 3/7. Ở đó, có thể thấy Đồng Nai tận dụng lợi thế hạ tầng giao thông rất rõ.
Đó là xác định “đi đầu” trong phát triển kinh tế hàng không, công nghiệp công nghệ cao với đặc trưng là phát triển đô thị sân bay, đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế trên cơ sở hệ thống hạ tầng đô thị (mà hạ tầng giao thông là nòng cốt) phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững.
Nhưng vẽ ra quy hoạch thì dễ, giải pháp mới là mấu chốt. Các giải pháp đang đề xuất như: khai thác hiệu quả sân bay Long Thành và sân bay lưỡng dụng Biên Hoà gắn với mô hình đô thị sân bay. Tận dụng lợi thế phát triển hạ tầng giao thông để phát triển đô thị gắn với định hướng giao thông công cộng (TOD). Ưu tiên công nghiệp xanh, công nghệ chính xác; chú trọng du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp… Xuất nhập khẩu thì vừa có sân bay quốc tế Long Thành, vừa có cảng biển Phước An…
Không lâu nữa, trong năm 2026, sân bay quốc tế Long Thành sẽ khai thác giai đoạn 1. Đường Vành đai 3 kết nối vùng cũng hoàn thành. Đây là hai dự án lớn sẽ cho ra ngay câu trả lời về những mục tiêu trong quy hoạch mà Đồng Nai đặt ra, giữa kỳ vọng và thực tế, “có như là mơ” hay không.
Quy hoạch là tầm nhìn, là kỳ vọng. Để biến kỳ vọng thành lợi thế hoặc thành hiện thực, đó lại là chuyện khác. Quy hoạch không phải cây đũa thần, “khoắng một phát” là cát thành vàng. Mà phải có giải pháp cụ thể.
Với Đồng Nai, điều kiện cần (hạ tầng) đã thấy rõ. Điều kiện đủ còn lại mà tỉnh này cần phải đáp ứng để đến 2050 thành “tỉnh đi đầu” hẳn còn rất nhiều việc cần làm.
Năm 2023, Đồng Nai nằm trong top đứng đầu cả nước về thu hút FDI nhưng lại nằm trong top cuối các tỉnh, thành có chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI).
Để đạt được kỳ vọng như quy hoạch, Đồng Nai còn phải làm nhiều việc. Đầu tiên là cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh. Dĩ nhiên chỉ số này chỉ để tham khảo, nhưng không thể có một tỉnh, thành “đi đầu” mà chỉ số PCI lại ì ạch chót bảng.
Quy hoạch luôn đẹp, tỉnh thành nào cũng vậy. Nhưng đặt ra mục tiêu mà làm không được là chuyện xưa nay không hiếm. Cho nên “nói được làm được” mới là điều quan trọng.
Đồng Nai cũng như một số tỉnh, thành trong cả nước – vừa/đang trải qua một cuộc thay thế lãnh đạo ở nhiều cấp. Rất mong những người mới được thay thế đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân, biến lợi thế hạ tầng giao thông thành bệ phóng phát triển kinh tế tỉnh nhà và đóng góp lớn cho cả nước.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/chuyen-quy-hoach-va-hien-thuc-hoa-192240708222934666.htm