Thành công nhất là thực hiện cải cách tiền lương
Đánh giá về kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm, bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhận định, việc gian nan nhất, khó khăn nhất đã thành công. Đó là Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội về việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình từng bước hợp lý, thận trọng, diện rộng và hiệu quả.
Chính sách tiền lương mới có hiệu lực từ ngày 1/7, với mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tương ứng 30%) đã tạo nên sự đồng tình trong xã hội.
“Đây là thắng lợi lớn của toàn ngành. Đến phút 89 vẫn chưa hiểu sẽ thực hiện theo cách nào. Tuy nhiên, cuối cùng việc cải cách chính sách tiền lương trở thành niềm vui lớn của cán bộ, công chức viên chức, người lao động, kèm theo là tất cả các đối tượng có liên quan”, bà Thanh Trà chia sẻ.
Đối với việc tổ chức bộ máy, bà Thanh Trà đánh giá, toàn hệ thống đang làm những việc mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy và bước đầu đã có được những thành công rõ rệt.
Trong đó, giai đoạn 2019 – 2021 thực hiện tốt việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đến thời điểm hiện tại, đã giải quyết căn bản những tồn tại, hạn chế và những vướng mắc phát sinh; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong giai đoạn 2023 – 2025.
Trong giai đoạn 2023 – 2025, có 53 địa phương phải sắp xếp, trong đó cấp huyện có 49 đơn vị, sau sắp xếp dự kiến giảm 12 đơn vị; cấp xã sắp xếp 1.247 đơn vị, sau sắp xếp giảm 624 đơn vị.
Đối với nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, ngành sẽ tập trung tham mưu sửa đổi 4 luật gồm Luật Tổ chức chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Công chức và Luật Viên chức cùng 10 nghị định liên quan và một số các thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ.
Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu từ thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trên lĩnh vực của ngành, nhất là về công vụ, công chức, tổ chức chính quyền địa phương và tổ chức, biên chế…
Đồng thời, tập trung cao độ với nhiệm vụ lớn là sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo bà Trà, địa phương nào không thực hiện xong thì phải chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ. Sắp tới, Bộ Nội vụ sẽ làm việc với một số địa phương chậm trễ, chần chừ, chưa quyết liệt khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Bàn làm – không bàn lùi
Đối với cải cách chính sách tiền lương, theo Bộ trưởng, hiện có rất nhiều nội dung mới. Trong đó, Nghị định 73 chỉ nói đến điều chỉnh mức lương cơ sở 30% và thực hiện 10% thưởng trên tổng quỹ lương cơ bản của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, giao trực tiếp cho người đứng đầu xây dựng quy chế để thưởng đột xuất và thưởng theo định kỳ cho tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc.
Bà Trà cho rằng, vấn đề này cần phải giám sát, để xem việc xây dựng quy chế có đúng hay không. Các vấn đề liên quan đến quản lý, thu nhập, các nguồn để thực hiện cho cải cách chính sách từ lương một cách bền vững… cần có sự tham mưu, không nên cho rằng đây là việc của Bộ Tài chính hay của Sở Tài chính. Đây là việc phối hợp của tất cả các đơn vị trong việc tham mưu, thực hiện cải cách tiền lương.
Bà Trà nói thêm, các nội dung cải cách tiền lương nếu có vấn đề khó khăn, vướng mắc, cần kịp thời phản ánh để tổng hợp và báo cáo với lại Chính phủ và các cấp có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, cần sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế và giảm viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Đặc biệt, cần sự đồng bộ, tích cực đẩy lùi tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm gắn với Quy định 144 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng trong Đảng viên và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo bà Trà, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là chỉ có bàn làm, không bàn lùi nên cần lan tỏa, càng khó càng phải quyết tâm.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/bo-truong-bo-noi-vu-gap-kho-khi-trien-khai-cai-cach-tien-luong-can-phan-anh-ngay-192240708160518027.htm