Bất chấp áp lực bán kỷ lục của khối ngoại, VN-Index vẫn vững vàng trước mốc 1.280 điểm
Khối ngoại bán ròng 2.491 tỷ đồng, con số cao nhất ghi nhận năm nay. Tuy vậy, sắc xanh vẫn áp đảo với số lượng mã chứng khoán tăng giá vượt trội. VN-Index cũng đóng cửa tăng điểm.
VN-Index kết thúc tuần đầu tiên của quý III/2024 ở mức 1283,04 điểm, tăng 3,03% so với tuần trước, khối lượng giao dịch giảm 26,82% và bằng 70% mức trung bình.
Đà hưng phấn của thị trường được duy trì khi lực cầu xuất hiện tốt ngay từ đầu phiên giao dịch 8/7. Các chỉ số đồng loạt giao dịch tích cực khi mở cửa. Tuy nhiên, đà hưng phấn cũng không duy trì được lâu khi lực cầu cũng xuất hiện mạnh ngay sau đó. Đà tăng của các chỉ số yếu dần và đảo chiều trở lại vào cuối phiên sáng.
Biến động giằng co với những nhịp tăng, giảm điểm đan xen diễn ra liên tục trong phiên chiều. VN-Index kết phiên giữ được sắc xanh nhưng mức tăng rất khiêm tốn.
Tâm điểm của thị trường tập trung vào nhóm cổ phiếu phân bón và hóa chất. Trong đó, LAS tăng trần từ sớm lên 25.800 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh đó, DHB, CSV, DCM và BFC cũng đều được kéo lên mức giá trần. CSV tiếp tục thể hiện đà tăng ấn tượng khi được kéo kịch trần phiên thứ 4 liên tiếp.
Đáng chú ý, cổ phiếu nhà Vinachem có đà tăng tích cực trong bối cảnh mới đây tập đoàn vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các công ty con đều tăng mạnh so với năm 2023 (DDV tăng 46 lần, BFC tăng 5 lần). Qua đó, doanh thu Vinachem 6 tháng đầu năm ước đạt 29.595 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, thực hiện 52% kế hoạch năm. Lợi nhuận Vinachem ước đạt 815 tỷ đồng.
Nhóm cảng biển và vận tải biển cũng giao dịch tích cực không kém. Các cái tên như VOS hay VIP đều được kéo lên mức giá trần. PVT tăng 2%, DVP tăng 1,3%, HAH tăng 1,2%. Tương tự là nhóm dệt may khi STK tăng 6,4%, HTG tăng 3%, TNG tăng 1,8%…
Các nhóm cổ phiếu như chứng khoán, cao su, năng lượng… cũng có một phiên giao dịch tích. MBS gây chú ý khi tăng 3,35% sau khi công bố thông tin kết quả kinh doanh quý II/2024 tích cực. Cụ thể, lãi ròng thu về gần 217 tỷ đồng, tăng 74% so với quý I/2023 và là mức lợi nhuận cao kỷ lục theo quý trong lịch sử hoạt động của công ty chứng khoán này.
Ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, sự phân hóa diễn ra rõ nét trong đó, các cái tên như PLX, GVR, POW, MWG… tăng giá tốt và góp công lớn trong việc giữ được sắc xanh của VN-Index. PLX tăng đến 5,8% và đóng góp 0,79% cho chỉ số này. GVR là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất với 1,36 điểm, chốt phiên, GVR tăng 4% lên 36.500 đồng/cổ phiếu.
Ở hướng ngược lại, SAB, VCB cùng bộ ba cổ phiếu họ “Vin” cũng lao dốc. Trong đó, SAB giảm 2,7%, VIC giảm 2,4%, VHM giảm 1,2%… VCB gây gánh nặng nhất cho VN-Index với 1,09 điểm, VIC là 0,93 điểm…
GVR, PLX, MWG là top 3 cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index |
Tại nhóm bất động sản, DXS giảm sàn, còn DXG giảm 4% sau thông tin nhận được đơn tố cáo của một người đàn ông – người nhận là đại diện của 15 nhà đầu tư, chủ sở hữu 448 trái phiếu do CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Services) phát hành. Theo đơn thư này, “Ông Đỗ Văn Mạnh – Tổng giám đốc Đất Xanh Services và ông Lương Trí Thìn – Chủ tịch HĐQT Đất Xanh Services đã có hành vi chiếm đoạt 44,8 tỷ đồng thông qua việc phát hành trái phiếu nói trên“. Trước thông tin trên, lãnh đạo DXG cũng đã lên tiếng cho rằng có dấu hiệu vu khống. Công ty cũng đã gửi đơn đề nghị điều tra đến Công an TP.HCM.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,52 điểm (0,04%) lên 1.283,56 điểm. Toàn sàn có 243 mã tăng, 214 mã giảm và 48 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,84 điểm (0,35%) lên 243,15 điểm. Toàn sàn có 88 mã tăng, 70 mã giảm và 74 mã đứng giá. UPCoM-Index cũng tăng 0,32 điểm (0,33%) lên 98,58 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 766,9 triệu cổ phiếu, tăng khoảng 23% so với phiên thứ Sáu tuần trước, tương ứng giá trị giao dịch ở mức 19.889,8 tỷ đồng, trong đó, giá trị giao dịch thỏa thuận chiếm 2.341 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM lần lượt 1.430 tỷ đồng và 1.315 tỷ đồng.
DXG đứng đầu danh sách khớp lệnh toàn thị trường với hơn 28,4 triệu đơn vị. VRE và HPG khớp lệnh lần lượt 18,45 triệu đơn vị và 18,43 triệu đơn vị. Về giá trị giao dịch, DXG cũng nằm trong top 10 cổ phiếu giao dịch nhiều nhất (412 tỷ đồng). Top 3 cổ phiếu hút mạnh dòng tiền hôm nay lần lượt là FPT (815 tỷ đồng), MWG (696 tỷ đồng) và DCM (680 tỷ đồng).
Khối ngoại giao dịch hết sức tiêu cực khi tiếp tục ròng rã bán. Trên cả ba sàn, giá trị bán ròng lên tới 2.491 tỷ đồng. Trong đó, ở riêng sàn HoSE, giá trị bán ròng lên đến 2.300 tỷ đồng. Tương tự, khối ngoại cũng bán ròng đột biến 175 tỷ đồng ở sàn UPCoM.
Top cổ phiếu khối ngoại giao dịch nhiều nhất. |
Đáng chú ý, một lượng lớn cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng phiên hôm nay thông qua thỏa thuận. HDB bị khối ngoại bán ròng 500 tỷ đồng. Duy nhất một lệnh thoả thuận giữa phiên sáng, khối ngoại đã bán thoả thuận gần 19,4 triệu đơn vị, qua đó thu về 450 tỷ đồng. STB, SAB, SCS hay ACV cũng đều bị bán ròng mạnh và thông qua thỏa thuận. Trong khi đó, VNM được mua ròng mạnh nhất với 117 tỷ đồng. DCM cũng được mua ròng với 83 tỷ đồng.
Dù vậy, ngay cả ở những cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh, khá nhiều cổ phiếu vẫn tăng tốt như FPT, ACV, MWG… Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu hút dòng tiền ngoại tăng khá tốt. Cổ phiếu DCM tăng kịch trần cũng được khối ngoại giải ngân ròng gần 83 tỷ đồng.
Nguồn: https://baodautu.vn/bat-chap-ap-luc-ban-ky-luc-cua-khoi-ngoai-vn-index-van-vung-vang-truoc-moc-1280-diem-d219538.html