Theo đó, hai phương án được đưa ra. Phương án 1, Bộ Tài chính đề nghị miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thêm 5 năm, từ 1/1/2026 đến hết 31/12/2030. Bộ này cho rằng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2021-2025) được thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.
Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn này chậm đáng kể, do tác động của dịch bệnh, biến động địa chính trị. Việc đạt chỉ tiêu GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7% là rất khó khăn, theo Bộ Tài chính. Do đó, việc kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp tới 2030 là cần thiết để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế.
Phương án 2, thời gian tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là 10 năm, tức tới hết 2035. Cơ quan này phân tích thời hạn miễn thuế 10 năm có ý nghĩa về mặt chính trị, hỗ trợ đầu tư mở rộng sản xuất, cũng như tăng năng lực ứng phó với những cú sốc thị trường và quản trị rủi ro về thiên tai, dịch bệnh.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính nêu: miễn thuế này thêm 10 năm là khoảng thời gian tương đối dài trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động khó lường và chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam sau năm 2030 chưa được định hướng cụ thể.
Vì vậy, Bộ đề nghị thực hiện phương án một, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thêm 5 năm, tới hết 2030. Theo Bộ Tài chính, số tiền giảm, miễn thuế đất này bình quân trên 3.268 tỷ đồng một năm, trong giai đoạn 2003-2010.
Khoản này tăng gần gấp đôi, lên 6.308 tỷ đồng mỗi năm vào 6 năm sau đó. Ba năm qua, tiền miễn thuế đất nông nghiệp mỗi năm khoảng 7.500 tỷ đồng.
Chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong từng thời kỳ. Việc tăng thời gian miễn thuế đất, sẽ khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế; góp phần hỗ trợ trực tiếp người nông dân; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Điều này cũng góp phần khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cầu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa; góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo việc làm cho khu vực nông thôn, khuyến khích người nông dân gắn bó hơn với đất, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/khuyen-khich-nong-dan-gan-bo-hon-voi-dat-yen-tam-dau-tu-san-xuat.html