Tình hình dịch cúm gia cầm chủng H5N1 đang lan nhanh ở nhiều nước và mới nhất ở Mỹ với 5 người mắc bệnh. Hiện Mỹ cùng nhiều nước khác đang nỗ lực phát triển vaccine phòng cúm gia cầm và mở rộng khả năng cung cấp các loại vaccine tiềm năng.
Tình hình đáng ngại
Trong gần 3 thập niên kể từ khi virus cúm gia cầm H5N1 được phát hiện lần đầu tiên trên ngỗng ở Trung Quốc, trên toàn thế giới có khoảng 900 người được biết đã bị nhiễm virus này, thường là do tiếp xúc với gia cầm nhiễm bệnh. Gần một nửa trong số họ đã chết. Tuy nhiên, những trường hợp nhiễm H5N1 nhẹ hoặc không có triệu chứng sẽ không được phát hiện.
Các chuyên gia vẫn lo ngại về đợt bùng phát dịch ở động vật có vú và đã nhấn mạnh những lỗ hổng trong việc giám sát H5N1. Thử nghiệm nước thải ở Mỹ đã không dự báo được các đợt bùng phát dịch bệnh. Đầu tháng 5, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) phát hiện khoảng 20% mẫu sữa chuẩn bị mang lên kệ hàng trên khắp nước Mỹ có chứa H5N1 trước khi được thanh trùng. Không giống như gia cầm nuôi có triệu chứng nhiễm bệnh rõ ràng khiến trứng hoặc thịt khó mang đi mua bán, bò có triệu chứng nhẹ hơn và khó phát hiện hơn.
Đáng lo ngại hơn là mức độ lây lan của virus giữa các loài động vật mà không bị phát hiện. Đã có vaccine phòng cúm gia cầm cho gia cầm nuôi nhưng không được sử dụng rộng rãi vì đắt tiền, thường phải tiêm 2 liều và có thể gây hạn chế xuất khẩu thịt (nhiều hiệp định thương mại cấm bán sản phẩm từ động vật đã được tiêm phòng). Việc phát triển vaccine H5N1 cho bò gặp nhiều thách thức một phần vì một số thử nghiệm phải được thực hiện trong phòng thí nghiệm có mức độ an toàn sinh học cao, rất ít thử nghiệm có thể đáp ứng được cho gia súc.
Do lo ngại về nguy cơ một đại dịch H5N1 mới, các chuyên gia theo dõi phân nhóm mới của cúm gia cầm H5N1 ở các loài chim di cư kể từ năm 2020. Sự lây lan của H5N1 sang 129 đàn bò sữa ở 12 bang của Mỹ cho thấy sự biến đổi của virus, khiến nó tiến gần hơn đến khả năng lây truyền giữa người với người. Các loài động vật có vú khác, từ lạc đà, chó nuôi trong nhà cũng đã bị nhiễm virus H5N1. Ông Scott Hensley, Giáo sư vi trùng học tại Đại học Pennsylvania, nhận định, tuy lúc này mối đe dọa là khá thấp… nhưng điều đó có thể thay đổi trong tích tắc.
Chuẩn bị ứng phó
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho tới nay, nguy cơ virus H5N1 đối với con người là thấp, vì chưa có bằng chứng virus này lây truyền từ người sang người. Mặc dù vậy, bà Wenqing Zhang, người đứng đầu cơ quan chống cúm của WHO cho biết, Liên hợp quốc đã có các cơ chế để khởi động sản xuất quy mô lớn hơn các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vaccine phòng cúm gia cầm nếu cần.
Theo ông Richard Hatchett, Giám đốc điều hành của Liên minh đổi mới chuẩn bị phòng chống dịch bệnh toàn cầu (CEPI), CEPI hiện đang đàm phán với các đối tác nghiên cứu về vaccine phòng H5N1. CEPI đặt mục tiêu tạo ra một thư viện các loại vaccine nguyên mẫu dành cho các mầm bệnh có khả năng gây đại dịch. Điều này sẽ giúp các nhà sản xuất thuốc sản xuất quy mô lớn và phân phối thuốc khi cần thiết trong vòng 100 ngày kể từ khi dịch bùng phát.
Sáng kiến này là một phần trong “sứ mệnh 100 ngày” trị giá 3,5 tỷ USD, kéo dài 5 năm của CEPI nhằm giảm thiểu hoặc loại bỏ đáng kể nguy cơ xảy ra đại dịch và dịch bệnh liên quan đến cúm gia cầm trong tương lai. Sáng kiến cũng được Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ủng hộ.
Một số quốc gia đang thực hiện các bước để bảo vệ người dân khỏi H5N1. Phần Lan dự kiến sẽ trở thành quốc gia đầu tiên tiêm chủng cho công nhân trang trại lông thú và gia cầm, cũng như nhân viên ứng phó sức khỏe động vật. Vì hầu hết các loại vaccine cúm đều được sản xuất bằng cách sử dụng virus phát triển trong trứng nên có thể mất tới 6 tháng để tạo ra các mũi tiêm phòng đại dịch. Bà Dawn O’Connell, Trợ lý Bộ trưởng Y tế và Nguồn nhân lực Mỹ phụ trách về chuẩn bị và ứng phó cho biết, Mỹ đang hợp tác với nhà sản xuất vắc xin Moderna để giúp phát triển và sản xuất vaccine cúm gia cầm theo công nghệ mRNA.
Các thử nghiệm về tính an toàn và hiệu quả trên người có thể sẽ bắt đầu vào năm 2025. Hợp đồng với Moderna trị giá 176 triệu USD tập trung vào vaccine phòng virus H5N1, nhưng cũng có thể dùng để phát triển hoặc mua vaccine nhắm vào các chủng cúm khác hoặc các bệnh truyền nhiễm mới nổi. Theo bà O’Connell, Mỹ cũng đã đặt hàng 4,8 triệu liều vaccine H5N1 từ các nguồn khác nhau, dự kiến sẽ được đưa ra khỏi dây chuyền sản xuất vào giữa tháng 7, nhanh hơn dự kiến ban đầu. Những loại vaccine này vẫn cần phải được Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) phê duyệt trước khi có thể tiêm cho người.
Các chuyên gia đều thừa nhận cần phải cân bằng giữa hành động nhanh chóng để ngăn chặn mối đe dọa và phản ứng thái quá. Cho đến khi các chương trình tiêm chủng vaccine có thể có hiệu lực, lựa chọn kiểm soát duy nhất hiện nay là chương trình khử trùng liên tục, bao gồm việc sử dụng chất khử trùng trong nước uống và thường xuyên phun thuốc cho gia cầm.
KHÁNH MINH
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/khan-truong-chuan-bi-vaccine-cum-h5n1-cho-nguoi-post748228.html