Ngày 7/7, Chủ tịch Phòng Thương mại Italy-Nga (IRCC) Ferdinando Pelazzo cho biết, nhiều công ty Italy sẵn sàng tiếp tục kinh doanh tại Nga, nhưng họ muốn giao dịch bằng đồng Euro.
Doanh nghiệp Italy muốn kinh doanh tại Nga bằng đồng Euro. (Nguồn: CNBC) |
Ông Pelazzo lý giải: “Tại Italy, không phải tất cả các công ty đều sẵn sàng chấp nhận thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ hoặc các loại tiền tệ khác. Hầu hết các công ty Italy đều sẵn sàng tiếp tục kinh doanh nếu được thanh toán bằng đồng Euro. Họ cũng không muốn bị trừng phạt”.
IRCC đang hỗ trợ các công ty tìm kiếm những ngân hàng có thể xử lý các giao dịch thanh toán như vậy, mặc dù các ngân hàng ngày càng cảnh giác với những mối quan hệ đối tác rủi ro.
Có 250 công ty trong IRCC, hầu hết là của Italy.
Hồi tháng 7/2023, ông Pelazzo tiết lộ, gần một nửa hàng xuất khẩu của Italy sang Nga không phải chịu lệnh trừng phạt, đặc biệt là rượu vang, giày dép và các mặt hàng thời trang.
Theo Chủ tịch IRCC, nguồn cung hàng hóa từ Italy sang Nga từng chiếm 4% tổng kim ngạch xuất khẩu và đến năm 2023, con số này giảm xuống chỉ còn 0,9%.
Các quốc gia phương Tây tăng cường áp lực trừng phạt đối với Nga sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi đầu năm 2022.
* Tại hội nghị thượng đỉnh thường niên Nga-Ấn dự kiến diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm Moscow của Thủ tướng Narendra Modi từ ngày 8-9/7, nhà lãnh đạo Ấn Độ và Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin sẽ ưu tiên phát triển các cơ chế chuyển tiền nhanh chóng và hiệu quả giữa hai quốc gia.
Theo tờ Economic Times, sáng kiến này đã trở nên cấp bách sau khi Nga bị loại khỏi Hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT và sự gia tăng đáng kể trong thương mại song phương kể từ khi bùng nổ cuộc xung đột Ukraine.
Economic Times cho biết, Thủ tướng Modi và Tổng thống Putin cũng dự kiến thăm dò khả năng sử dụng đồng nội tệ của hai quốc gia cho khách du lịch và sinh viên, bao gồm cả việc tích hợp thẻ RuPay ở Nga và thẻ MiR ở Ấn Độ.
Trong khi 60% giao dịch thương mại Ấn-Nga được thực hiện bằng đồng nội tệ, thì sự thiếu vắng của SWIFT đã làm nổi bật nhu cầu về các giải pháp thanh toán theo thời gian thực và nhanh hơn.
Các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ nỗ lực thiết lập cơ chế đặc biệt để giải quyết vấn đề này.
Nguồn: https://baoquocte.vn/doanh-nghiep-italy-neu-dieu-kien-kinh-doanh-tai-nga-tong-thong-putin-va-thu-tuong-an-do-sap-gap-nhau-ban-ve-co-che-thanh-toan-277858.html