Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, tháng 5/2024, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 5/2024, xuất khẩu khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc đạt 83.030 tấn, trị giá 38,55 triệu USD, giảm 49,9% về lượng và giảm 45,8% về trị giá tháng 4/2024; So với tháng 5/2023 giảm 51,4% về lượng và giảm 45,2% về trị giá.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 91,37% về lượng và chiếm 90,56% về trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước, với 1,13 triệu tấn, trị giá 509,03 triệu USD, giảm 7% về lượng, nhưng tăng 8,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Về giá xuất khẩu, tháng 5/2024, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc ở mức 464,3 USD/tấn, tăng 8% so với tháng 4/2024 và tăng 12,8% so với tháng 5/2023.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc ở mức 447,4 USD/tấn, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, các chủng loại sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là tinh bột sắn và sắn lát khô. Trong đó, xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc tăng trưởng tốt; trong khi xuất khẩu sắn lát có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, mới đây, tại Hội nghị “Diễn đàn kỹ thuật và thị trường tinh bột mùa Xuân năm 2024” diễn ra tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc, Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, nhu cầu tinh bột sắn của Trung Quốc đang yếu do giá bột ngô rẻ hơn so với sắn nên khách hàng mua bột ngô nhiều hơn; hiện đang mùa nắng nóng nên nhu cầu tinh bột sắn cũng giảm nên giá giảm.
Trong khi đó, về chất lượng, phía Trung Quốc đánh giá tinh bột sắn Thái Lan ổn định cả về số lượng cũng như chất lượng. Tính ổn định trong chất lượng sản phẩm tinh bột sắn của Thái Lan đồng đều hơn tinh bột sắn của Việt Nam. Ngoài ra khách hàng cũng đề cập đến tính nổi bật của sản phẩm, ở Thái Lan có nhiều sản phẩm có tính nổi bật về chất lượng.
Phía Trung Quốc nhấn mạnh và đề nghị các nhà máy sản xuất Việt Nam nên quan tâm đến vấn đề chất lượng ổn định và sản phẩm tính nổi bật.
Dự báo các nhà máy Trung Quốc có thể sẽ mua hàng trở lại khoảng từ tháng 7/2024, do tồn kho hàng sắn lát tại Trung Quốc đang cạn dần.
Theo số liệu thống kê, sản lượng sắn lát nhập khẩu vào Trung Quốc từ đầu năm 2024 đến nay giảm rõ rệt so với bình quân 3 năm gần đây. Nguyên nhân được cho là nhu cầu sử dụng sắn lát của các nhà máy Trung Quốc giảm, thêm vào đó, giá ngô thấp nên các nhà máy ưu tiên sử dụng tăng tỷ lệ ngô thay cho sắn lát.
Tại thị trường trong nước, trong 10 ngày giữa tháng 6/2024, giá sắn tươi tại các tỉnh, thành phố không có nhiều biến động so với 10 ngày trước đó. Hiện giá sắn tươi tại các tỉnh miền Bắc dao động ở mức 2.750-2.850 đồng/kg.
Tại các tỉnh miền Trung, sắn tươi được thu mua ở mức giá 2.950-3.100 đồng/kg. Giá sắn tươi thu mua tại Kon Tum dao động ở mức 2.700-3.100 đồng/kg. Giá xuất khẩu sắt lát ổn định so với 10 ngày trước đó.
Hiện giá xuất khẩu sắt lát sang thị trường Trung Quốc ở mức 250 USD/tấn, FOB Quy Nhơn; Giá xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc khoảng 300 USD/tấn, FOB Quy Nhơn.
Giá tinh bột sắn xuất khẩu cũng ổn định so với 10 ngày trước đó. Tinh bột sắn xuất khẩu được các nhà máy Việt Nam chào bán ở mức 505-520 USD/tấn, FOB cảng thành phố Hồ Chí Minh. Giá tinh bột sắn giao tại Móng Cái và Lạng Sơn dao động ở mức 3.800-3.980 CNY/tấn. Lượng tinh bột sắn xuất khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn vẫn thấp.
Nguồn: https://danviet.vn/trung-quoc-danh-gia-mot-loai-tinh-bot-cua-viet-nam-dang-thua-san-pham-cua-thai-lan-o-hai-yeu-to-20240702104200798.htm