Ngày 6/7, Ai Cập nhấn mạnh lập trường cho rằng cuộc xung đột ở Sudan hiện nay về cơ bản là vấn đề của Sudan và kêu gọi một giải pháp chính trị toàn diện để chấm dứt khủng hoảng.
Bộ trưởng Ngoại giao và các vấn đề di cư và kiều dân Ai Cập Badr Abdel Atty phát biểu tại hội nghị bàn về giải pháp cho cuộc xung đột Sudan. (Nguồn: X/@MfaEgypt) |
Phát biểu tại một hội nghị quy tụ các nhóm chính trị và dân sự Sudan tổ chức ở thủ đô Cairo, Bộ trưởng Ngoại giao và các vấn đề di cư và kiều dân Ai Cập Badr Abdel Atty tái khẳng định lập trường của Cairo cho rằng bất kỳ giải pháp chính trị thực sự nào cho cuộc khủng hoảng Sudan đều phải dựa trên tầm nhìn thuần túy của Sudan, không bị áp đặt hoặc áp lực từ bên ngoài.
Ông Abdel Atty nhấn mạnh, cuộc xung đột hiện nay về cơ bản là vấn đề của Sudan đòi hỏi một giải pháp chính trị toàn diện. Bất kỳ tiến trình chính trị nào trong tương lai đều phải có sự tham gia của tất cả các chủ thể quốc gia Sudan, tôn trọng các nguyên tắc chủ quyền và không can thiệp công việc nội bộ của nước này, đồng thời bảo vệ nhà nước Sudan cũng như các thể chế.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Ai Cập kêu gọi chấm dứt ngay lập tức và lâu dài các hoạt động quân sự ở Sudan, để bảo vệ tài nguyên của người dân và các thể chế nhà nước. Hối thúc tất cả các đại biểu tham dự hội nghị ưu tiên lợi ích quốc gia của Sudan, ông Abdul Atty khẳng định sự ủng hộ không ngừng của Ai Cập đối với mọi nỗ lực nhằm khôi phục ổn định, tiến bộ và thịnh vượng cho đất nước này.
Hoan nghênh lập trường của các nước láng giềng của Sudan, vốn đang tiếp nhận hàng triệu công dân Sudan cũng như chia sẻ nguồn lực hạn chế của mình, ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế duy trì các cam kết được đưa ra tại các hội nghị tài trợ ở Geneva (Thụy Sỹ) vào năm 2023 và Paris (Pháp) vào năm 2024, để giải quyết tình trạng thiếu hụt tài chính của Sudan.
Ai Cập tiếp nhận hàng trăm nghìn người Sudan, cùng với gần 5 triệu công dân Sudan đã sống ở Ai Cập trong nhiều năm. Chính phủ Ai Cập đã cung cấp cứu trợ khẩn cấp, bao gồm thực phẩm, nơi ở và vật tư y tế, cho những người Sudan bị ảnh hưởng do cuộc xung đột trên lãnh thổ Sudan.
Đây là hội nghị mới nhất trong một loạt nỗ lực của Ai Cập nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng và chấm dứt xung đột ở Sudan, với sự hợp tác cùng các đối tác khu vực và quốc tế, đặc biệt là những nước láng giềng của Sudan. Vào tháng 7/2023, Ai Cập đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia láng giềng của Sudan để thảo luận về các khía cạnh khác nhau trong tình hình ở Sudan và các giải pháp khả thi để chấm dứt khủng hoảng.
Sudan chìm trong xung đột từ tháng 4 năm ngoái khi các tướng chỉ huy quân đội và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bác bỏ kế hoạch sáp nhập và bắt đầu tranh giành quyền kiểm soát lãnh thổ. Các cuộc giao tranh liên tiếp đã khiến việc cung cấp viện trợ cho người dân các vùng chiến sự gần như bất khả thi. Nhiều kho hàng nhân đạo, cơ sở lưu trữ ngũ cốc và giếng nước đã bị phá hủy. Trong khi đó, việc đưa hàng viện trợ từ nước láng giềng CH Chad gặp rất nhiều khó khăn.
Xung đột ở Sudan đã thúc đẩy cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất thế giới, với gần 10 triệu người phải sơ tán trong nước và 2 triệu người phải đi lánh nạn ở các nước láng giềng. Theo dữ liệu do chính phủ Ai Cập công bố, hơn 500.000 người Sudan đã vượt biên sang nước này kể từ khi xung đột bùng phát.
Nguồn: https://baoquocte.vn/ai-cap-keu-goi-giai-quyet-khung-hoang-va-cham-dut-xung-dot-o-sudan-277799.html