.Phóng viên: Hôm nay, 17-2, dự kiến Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Ông có thể đánh giá tầm quan trọng của hội nghị này?
– GS-TS HOÀNG VĂN CƯỜNG: Thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn, thể hiện rõ nhất là mọi giao dịch gần như bị “đóng băng”. Khi thị trường bất động sản bị “đóng băng” sẽ kéo theo hệ lụy là hàng loạt ngành kinh tế khác bị đình trệ, không phát triển. Ngay cả lĩnh vực tài chính cũng bị ách tắc bởi một lượng vốn rất lớn đang “chôn” trong các dự án bất động sản.
Doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng Hội nghị toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững sẽ đưa ra được những giải pháp tháo gỡ thiết thực Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Việc chúng ta có hành động nhằm tháo những nút thắt cho lĩnh vực bất động sản có ý nghĩa rất quan trọng bởi lĩnh vực này là một mắt xích trong hệ thống kinh tế. Tháo gỡ ách tắc cho bất động sản chính là tháo gỡ ách tắc cho nền kinh tế, cho cả hệ thống tài chính, qua đó thúc đẩy tăng trưởng. Do đó, Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững do Thủ tướng chủ trì là hết sức cần thiết để tìm ra tiếng nói chung cũng như giải pháp thực sự hữu hiệu cho việc thúc đẩy, vận hành thị trường bất động sản và hệ thống tài chính.
.Nguyên nhân nào khiến thị trường bất động sản bị ách tắc như hiện nay, thưa ông?
– Nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản bị ách tắc là do thiếu hụt về nguồn lực tài chính và sự hỗ trợ tài chính. Những năm trước, nguồn lực của các doanh nghiệp bất động sản dựa rất lớn vào nguồn vốn trái phiếu. Tuy nhiên, sau khi xảy ra sự cố liên quan một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu có sai phạm, dư địa huy động nguồn lực của doanh nghiệp qua trái phiếu gần như không còn. Tình hình nhiều doanh nghiệp đến kỳ phải trả nợ trái phiếu càng làm tăng thêm áp lực về vốn.
Trong bối cảnh đó, các ngân hàng phải thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn hệ thống nên dư nợ của ngân hàng cho lĩnh vực bất động sản cũng phải kiểm soát, dẫn đến khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
.Ông góp ý những giải pháp nào giúp các doanh nghiệp cũng như toàn thị trường bất động sản vận hành trở lại?
– Quan trọng nhất là phải khơi thông nguồn lực. Việc khơi thông nguồn lực phải theo cả 2 hướng. Thứ nhất, phải bàn giải pháp khơi thông nguồn vốn tín dụng và nguồn lực từ trái phiếu. Thứ hai, bản thân các doanh nghiệp bất động sản cũng phải tự điều chỉnh, tự tái cấu trúc để cân đối lại các nguồn lực. Chẳng hạn, mạnh dạn cắt bỏ phần nào đầu tư chưa thực sự hiệu quả, đang tiêu tốn dòng tiền để tập trung vào những dự án, sản phẩm có thanh khoản nhằm tạo ra dòng tiền.
Bên cạnh đó, phải chỉ ra được những vướng mắc về cơ chế, chính sách, luật pháp, từ đó đưa ra những biện pháp tháo gỡ hữu hiệu.
.Về dài hạn, Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sẽ có tác động như thế nào đến thị trường bất động sản?
– Rõ ràng 2 luật này hướng đến mục tiêu không phát triển “nóng” thị trường bất động sản, hướng tới hình thành các nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp. Khi không để xảy ra tình trạng phát triển nóng bất động sản và thúc đẩy hình thành hoạt động đầu tư chuyên nghiệp thì khả năng ổn định thị trường sẽ cao hơn.
Bên cạnh đó, Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cũng hướng đến ngăn chặn những hành vi lạm dụng, lợi dụng trong hoạt động kinh doanh bất động sản như các dự án “ma” hay các dự án không có đủ căn cứ pháp lý, các thông tin đồn thổi, tạo sóng ảo, sốt đất ảo trên thị trường…
Khi Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được ban hành, hy vọng chúng ta sẽ có thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định, chuyên nghiệp hơn.
.Trước khi Hội nghị toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững do Chính phủ tổ chức diễn ra, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến thị trường bất động sản song dường như chưa tháo gỡ được nhiều?
– Ngay trong Chỉ thị 03/CT-TTg của Thủ tướng về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, Thủ tướng cũng đã giao trách nhiệm cho các địa phương, bộ, ngành tháo gỡ những khó khăn về mặt pháp lý đối với thị trường bất động sản. Đồng thời, cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải xem xét việc khơi thông các nguồn vốn tín dụng để hỗ trợ cho bất động sản.
Rõ ràng, Thủ tướng Chính phủ đã nhìn nhận rất rõ vai trò, ý nghĩa việc phục hồi, phát triển của thị trường bất động sản đối với tăng trưởng kinh tế. Tôi cho rằng chỉ đạo của Thủ tướng là rất kịp thời và trúng so với yêu cầu của lĩnh vực bất động sản hiện nay.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-2
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/go-kho-cho-bat-dong-san-cach-nao-can-nhieu-giai-phap-dong-bo-2023021621395759.htm