Ghi nhận tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, từ 6 giờ sáng, đông đảo thí sinh đã có mặt cùng phụ huynh để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cùng của “đời học sinh”. Theo khảo sát nhanh của chúng tôi, nhiều gia đình đến từ các tỉnh miền Tây, Nam Trung bộ. Thế nên, ngoài các vật dụng cần thiết cho kỳ thi như atlat, máy tính, thí sinh lẫn phụ huynh còn mang theo nhiều vali, túi xách, balo để đựng đồ đạc, quần áo.
Điều này gợi nhắc lại hình ảnh của kỳ thi ĐH vào những năm 2010, thời điểm thí sinh, phụ huynh phải gói ghém hành lý, sau đó bắt xe hoặc đi tàu lên các thành phố lớn từ sớm để chuẩn bị dự thi, thay vì được thi tại chính địa phương của mình như kỳ thi THPT Quốc gia, hay sau này là kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bà Ánh Hồng, phụ huynh học sinh Trường THPT Vĩnh Hưng (Long An)
Lan Thanh, học sinh Trường THPT Vĩnh Hưng (Long An), chia sẻ từ 2 hôm trước, em đã cùng mẹ di chuyển từ huyện Vĩnh Hưng đến TP.HCM để làm thủ tục dự thi. Nữ sinh kể em đặt nguyện vọng vào Trường ĐH Cảnh sát nhân dân (Q.7, TP.HCM) và ôn luyện cho kỳ thi chủ yếu bằng cách tự học. “Nguồn động lực lớn nhất đối với em chính là kỳ vọng của ông bà, cha mẹ và niềm yêu thích của em với màu áo xanh của ngành”, Thanh chia sẻ.
Đứng cạnh bên, bà Ánh Hồng, mẹ của nữ sinh, nói 2 mẹ con mất khoảng 4 tiếng đi xe đò để đến điểm thi. Hôm trước, cả 2 đã ngủ lại ở một nhà nghỉ gần đây. “Thấy thí sinh từ mọi miền đổ về, tôi cũng khuyên con rằng mình chỉ là một cái cây nhỏ xíu trong rừng U Minh mà thôi, nhưng hãy cố gắng để mọi người có thể nhìn thấy được tán lá của mình trong vô số cổ thụ”, nữ phụ huynh chia sẻ.
Đình Chương, học sinh Trường THCS-THPT Hiếu Nhơn (Vĩnh Long) cho biết em cùng cha lên TP.HCM từ thứ năm, 4.7, dù ngày 6.7 mới bắt đầu làm thủ tục dự thi. Hai cha con đi theo xe đoàn của trường, trong đó còn có các bạn khác cũng dự thi. “Vừa thi tốt nghiệp THPT xong là em tiếp tục ôn thi đánh giá năng lực của Bộ Công an. Hiện tại em cũng khá thoải mái, không trúng tuyển thì về học ngành khác cũng được”, Chương chia sẻ.
Đáng chú ý, một thí sinh đến từ Quảng Ngãi cho biết em đã cùng mẹ vượt hơn 700km để đến TP.HCM dự thi. Đặt mục tiêu vào Trường ĐH Cảnh sát nhân dân từ đầu lớp 12, nữ sinh nói em đã phân bổ thời gian sáng học bài trên trường còn tối lên mạng để luyện đề thêm. “Em chọn thi mã đề CA2 với phần tự luận ngữ văn do trước đó em cũng chọn khối D (toán, văn, tiếng Anh) ở kỳ thi tốt nghiệp THPT”, thí sinh này chia sẻ.
Theo Bộ Công an, đây là năm thứ 3 tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, thu hút gần 18.000 thí sinh và tăng 20% so với năm 2023. Kết quả kỳ thi dùng để xét vào 8 trường công an theo phương thức 3, tức kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT, trong đó kết quả thi đánh giá năng lực chiếm tỷ trọng 60%. Khoảng 80% trong hơn 2.100 chỉ tiêu các trường công an năm 2024 được xét tuyển theo cách này.
Đáng chú ý, tất cả các trường ĐH, học viện năm nay đều không tuyển đủ chỉ tiêu tuyển thẳng so với kế hoạch đặt ra. Hầu hết các đơn vị đều thông báo là sẽ chuyển chỉ tiêu còn thừa từ phương thức 1, 2 sang phương thức 3. Trước đó, có 11 thí sinh trúng tuyển theo phương thức 1 (đạt giải quốc gia, quốc tế) và 116 thí sinh trúng tuyển theo phương thức 2 (có trình độ ngoại ngữ tương đương IELTS 7.5 trở lên).
Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực của Bộ Công an gồm 2 phần trắc nghiệm và tự luận. Trong đó, phần trắc nghiệm tập trung kiểm tra kiến thức trong chương trình THPT hiện hành gồm kiến thức về khoa học tự nhiên, kiến thức xã hội, ngoại ngữ; phần tự luận thí sinh được lựa chọn một trong 2 nội dung toán (mã đề CA1) hoặc văn (mã đề CA2).
Nguồn: https://thanhnien.vn/phu-huynh-linh-kinh-do-dac-vuot-hon-700km-cung-con-di-thi-vao-truong-cong-an-185240707100212611.htm