Nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc mong muốn đầu tư và tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Đây chính là thời cơ để cùng thúc đẩy những “chân trời hợp tác mới”, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói.
Sản xuất tại Công ty TNHH Samkwang Vina (Bắc Giang). (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Cơ hội từ những cái bắt tay tỷ USD
Hàng loạt thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc đã được ký kết trong khung khổ chuyến công du tới Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đó là các thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Sovico và Tập đoàn Hyosung; giữa Tập đoàn T&T và Tập đoàn SK; giữa Công ty cổ phần Tập đoàn MHGroup và Công ty TNHH UNISCAN…
Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) và Tập đoàn Dược phẩm Celltrion, Inc (Celltrion) cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc thành lập một công ty sản xuất các sản phẩm dược sinh học, dược phẩm tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường Việt Nam và các thị trường khác.
Nhưng hơn cả các thỏa thuận trên, tại Hàn Quốc, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã chính thức trao chứng nhận đầu tư điều chỉnh, tăng vốn thêm 1,07 tỷ USD cho Tập đoàn Amkor… Và không chỉ là Amkor, nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc, trong các cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã bày tỏ mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Một trong số đó, có Tập đoàn Samsung – nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, với tổng vốn đầu tư lên tới trên 22,4 tỷ USD. Chủ tịch Tập đoàn Samsung, ông Lee Jae Yong, trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Samsung có kế hoạch “đầu tư mạnh mẽ” trong 3 năm tới để nhà máy tại Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất module hiển thị lớn nhất của Tập đoàn trên toàn cầu.
Con số chưa được tiết lộ, nhưng với xu hướng những năm gần đây, Samsung thường đầu tư thêm khoảng 1 tỷ USD/năm vào Việt Nam, thì có lẽ, đây sẽ là một khoản đầu tư không nhỏ.
Hơn nữa, mong muốn của Chính phủ Việt Nam gần đây không chỉ là thu hút Samsung đầu tư vào sản xuất thiết bị điện tử, di động như hiện tại, mà còn mở rộng sang lĩnh vực bán dẫn – một trong những thế mạnh của Samsung.
Cùng với Samsung, các “ông lớn” khác của Hàn Quốc cũng đang có những “đại kế hoạch” đầu tư ở Việt Nam. Theo khẳng định của ông Cheoldong Jeong, Giám đốc điều hành LG Display, Việt Nam là địa điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu của LG. Trong tổng số hơn 8 tỷ USD vốn đăng ký, LG đã giải ngân hơn 5 tỷ USD và đang có kế hoạch tiếp tục đầu tư trong giai đoạn tới. Trong đó, có nhà máy LG Innotek tại Hải Phòng, khi hoàn thành sẽ tăng gấp đôi công suất, hình thành tổ hợp sản xuất LG khép kín.
Hàng loạt tập đoàn lớn khác của Hàn Quốc, như Posco, CJ, LG, Daewoo E&C, GS Engineering & Construction Corp, Hyosung… cũng có kế hoạch đầu tư tiếp, sau khi đã đổ hàng tỷ USD vào Việt Nam. Trong đó, CJ mong muốn đầu tư tiếp trong lĩnh vực thực phẩm; Posco muốn tham gia khai thác, chế biến đất hiếm tại Việt Nam; Tập đoàn Daewoo E&C muốn phát triển một khu đô thị mới ở Thái Bình…
Chân trời hợp tác mới
Không nằm ngoài dự đoán, chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã và đang làm “nóng” lên dòng đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc, vốn đang có xu hướng chững lại trong những năm gần đây.
Nhiều kỳ vọng đang được mở ra, không phải chỉ là sẽ tiếp tục có dòng vốn lớn từ Hàn Quốc đổ vào Việt Nam, mà quan trọng hơn, sẽ đổ vào những lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích đầu tư, như công nghệ mới, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), hydrogen, điện khí LNG, công nghệ sinh học… Đặc biệt, bán dẫn, AI là những trọng tâm hợp tác.
Trong thông cáo báo chí chung được phát đi, hai bên nhất trí khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam, trong các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp tương lai như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bán dẫn, năng lượng thân thiện với môi trường, công nghệ sinh học, mạng 5G, đô thị thông minh… Bên cạnh đó, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác cần thiết trong việc thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc nhằm xây dựng chuỗi cung ứng khoáng sản cốt lõi ổn định…
Cơ hội to lớn đang mở ra, nhưng điều quan trọng là, Việt Nam sẽ đón bắt các cơ hội này như thế nào?
Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Han Duck Soo cho rằng, việc tạo điều kiện đầu tư thuận lợi là cần thiết đối với thương mại bền vững và mở rộng đầu tư, nâng cao hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp tương lai giữa hai nước. Đích thân Thủ tướng Han Duck Doo đề nghị phía Việt Nam tích cực hỗ trợ giải quyết các vướng mắc về thuế của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Trong các diễn đàn doanh nghiệp thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã lên tiếng về sự không thống nhất và minh bạch trong thực hiện các cơ chế ưu đãi đầu tư cho một số dự án. Các vướng mắc này vẫn đang được các cơ quan chức năng Việt Nam xử lý.
Ở một góc độ khác, trả lời về mối quan tâm của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, nhằm đảm bảo sự ổn định, sức cạnh tranh và sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.
Dự kiến, nghị định này sẽ sớm được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu được thông qua, đây sẽ là cái “mỏ neo” để giữ chân các tập đoàn lớn, cũng như thu hút mạnh mẽ hơn nữa các “đại gia” toàn cầu, trong đó có các tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc, đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, AI, trung tâm R&D tại Việt Nam.
Cơ hội lớn đang mở ra, để dòng đầu tư từ Hàn Quốc đổ mạnh vào Việt Nam trong thời gian tới. Nói như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, quan hệ hai nước đang “đủ độ chín”, để từ đó có thể mở ra “những chân trời hợp tác mới”…
Nguồn: https://baoquocte.vn/viet-nam-han-quoc-mo-ra-nhung-chan-troi-hop-tac-moi-277772.html