.Phóng viên: Lần đầu thể hiện nhân vật chính trong vở sử Việt “Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt – Người mang 9 án tử”, anh cảm nhận sức nặng tâm lý của nhân vật tác động đến mình như thế nào?
– Nghệ sĩ ĐÌNH TOÀN: Cho đến thời điểm này, vai diễn vẫn là áp lực nặng nề đối với tôi. Vở diễn đã qua diễn phúc khảo thật trọn vẹn cảm xúc. Anh em diễn viên vẫn đang cật lực tập luyện để hướng đến suất diễn ra mắt khán giả tối 10-4. Điều khiến anh em diễn viên hạnh phúc nhất là nỗ lực của chúng tôi đã được ghi nhận, hội đồng phúc khảo đã đánh giá tốt, có những nhận xét tích cực của các nhà sử học.
Đây là vai diễn chính trong tác phẩm sử Việt đầu tiên mà tôi thể hiện, tôi có một chút thuận lợi khi diễn vai Tả quân Lê Văn Duyệt, vì từ nhỏ tôi thường đến Lăng Ông chơi do nhà tôi rất gần địa danh này. Tôi cũng ham học, nên đã tự tìm kiếm để biết thêm thông tin về nhân vật lịch sử Lê Văn Duyệt. Khi lớn lên lại học ngành hướng dẫn viên du lịch nên tôi đã đọc rất nhiều tư liệu lịch sử Việt Nam. Vai Lê Văn Duyệt đã cho tôi cơ hội được hóa thân trong một dự án đầy tính nhân văn của Nhà hát Kịch IDECAF.
.Anh kỳ vọng gì khi vở diễn này được đưa vào học đường như thông tin ban đầu của Nhà hát Kịch IDECAF đưa ra?
– Nhà hát Kịch IDECAF đặt mục tiêu đầu tư cho vở diễn này tới nơi tới chốn. Từ khâu thiết kế sân khấu, trang phục và diễn xuất đều có sự chuẩn bị chu đáo. Trang phục được đặt may từ các nghệ nhân ở các tỉnh, mỗi bộ trang phục từ họa tiết cho đến hoa văn, hình rồng, phụng đều là những chi tiết chính xác gắn với triều Nguyễn, thời vua Minh Mạng. Tất cả sự đầu tư này đều nhằm tạo hiệu ứng thẩm mỹ nhất định cho vở diễn mang hơi hướng nghệ thuật đương đại.
Với thời lượng vở diễn khoảng 2 giờ rưỡi, khi đưa vào học đường, tôi tin học sinh sẽ đón nhận, từ đó tìm hiểu rõ hơn về những dữ liệu, sự kiện đã được khái quát trong câu chuyện kịch. Kịch bản của vở diễn rất chặt ở từng chi tiết, câu chữ, sự kiện lịch sử. Tôi mong rằng qua vở diễn được đầu tư đúng mức, được chăm chút đến từng chi tiết nhỏ sẽ đánh thức lòng tự hào về lịch sử Việt Nam của học sinh, qua đó các em sẽ tìm hiểu kỹ hơn sử Việt, biết quý trọng lịch sử dân tộc và nâng cao lòng yêu nước.
.Hiện nay sàn diễn đậm chất giải trí, phải chăng Nhà hát Kịch IDECAF chấp nhận cuộc chơi như cách “lội ngược dòng” vì doanh thu sẽ không bằng các vở hài đang diễn tại nhà hát?
– Việc chúng tôi giới thiệu lịch sử đã khó, làm kịch sử Việt để vở công diễn dài hạn càng khó hơn. Khi tiếp cận khán giả và đưa vào học đường, khán giả học sinh đón nhận là thành công 50%. Trên thực tế, tôi kỳ vọng bên cạnh sự giải trí thì đây là tác phẩm chúng tôi kiên trì để đạt được mục đích nhân văn: đưa kịch sử Việt đồng hành với đời sống.
Khi quảng cáo vở sử Việt, khán giả hỏi “kịch buồn hả?”, nhiều người vẫn thích được xem hài, khiến diễn viên cứ bị cuốn theo cách diễn đùa giỡn, tung hứng tiếng cười để thỏa mãn nhu cầu của người xem. Nhưng khi đã xác định diễn kịch sử Việt, chúng tôi không đùa cợt, rất nghiêm túc vì xuất hiện ở tâm thế khác. Mừng là các diễn viên tham gia vở sử Việt lần này đều ý thức, học lời và nghiền ngẫm từng câu thoại.
.Đã từng diễn trong các vở sử Việt trước đây như: “Bí mật vườn Lệ Chi”, “Ngàn năm tình sử”, “Vua thánh triều Lê”, anh nghĩ vai diễn Lê Văn Duyệt sẽ là dấu ấn mới của mình?
– Điều tôi mong mỏi nhất là lan tỏa lòng tự hào dân tộc đến khán giả xem kịch, nhất là khán giả trẻ trong môi trường học đường. Còn nói về vai diễn và dấu ấn, rất cần thời gian để kiểm nghiệm. Tôi đã từng diễn vai Lê Long Đĩnh trong phim “Khát vọng Thăng Long” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh và vai diễn này đã mang về cho tôi giải thưởng “Nam diễn viên chính xuất sắc” tại Giải Cánh diều vàng năm 2010 và “Nam diễn viên xuất sắc” tại Liên hoan Phim Việt Nam tổ chức tại Pháp năm 2016.
Từ sự phấn đấu không ngừng đó, tôi luôn mong muốn vươn đến sự sáng tạo mới trong lao động diễn xuất và vai Lê Văn Duyệt là cơ hội lớn dành cho tôi trong hành trình đưa sử Việt đến học đường.
.Năm nay, chương trình “Ngày xửa, ngày xưa” có là áp lực đối với anh ở vai trò đạo diễn khi mà thiếu vắng ê-kíp diễn viên cũ?
– Chúng tôi đang tập vở “Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad – Huyền thoại mắt thần”, câu chuyện thần thoại màu sắc Ai Cập. Sẽ ra mắt vào dịp lễ 30-4 năm nay với 35 suất diễn. Rõ là rất áp lực với tôi vì tất cả khán giả đều đã ghi nhớ trong đầu ê-kíp diễn viên quen thuộc.
“Ngày xửa, ngày xưa” lần này là sự xuất hiện của dàn diễn viên mới, do vậy chúng tôi phải chuẩn bị kỹ hơn về mọi thứ chẳng hạn cảnh trí và âm nhạc phải hay hơn, đẹp hơn…
Người đa tài
Từ một diễn viên trẻ với tài năng và sức bền trong lao động nghệ thuật, Đình Toàn đã trở thành một trong những diễn viên không thể thiếu của Nhà hát Kịch IDECAF. Giới chuyên môn nhận xét anh là thế hệ thành công kế tiếp sau Thành Lộc, Hữu Châu, Bạch Long, Thanh Thủy… Từ kịch, anh lấn sân sang phim truyền hình, đáng kể nhất là bộ phim “Gia đình phép thuật” với hơn 300 tập phim được khán giả yêu thích đã khẳng định thêm tài năng của Đình Toàn. Anh còn là thành viên tích cực của chuỗi chương trình kịch nói thiếu nhi “Ngày xửa, ngày xưa” với vai trò đạo diễn, diễn viên và tham gia luôn công tác biên kịch.
Là đạo diễn tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, anh còn làm tốt công việc MC nhiều chương trình truyền hình thực tế.
Nguồn: https://nld.com.vn/them-yeu-su-viet-qua-vo-kich-ve-le-van-duyet-196240406220229085.htm