Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố những thay đổi nhất định có thể xuất hiện trong học thuyết hạt nhân của nước này theo thời gian nếu các đối thủ của Moscow tiếp tục làm trầm trọng thêm tình hình.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu về quan điểm hạt nhân của Nga. (Nguồn: AFP/Getty Images) |
Trước đó, chia sẻ với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho biết, các cuộc thảo luận về việc cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga dựa trên tình hình hiện nay đang diễn ra.
Vào ngày 24/6, trả lời trong cuộc họp báo một ngày sau vụ tấn công ngày 23/6 vào bán đảo Crimea mà Nga đang kiểm soát, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, “Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố mọi việc đang được tiến hành để đưa học thuyết hạt nhân phù hợp với thực tế hiện tại”.
Học thuyết hạt nhân hiện tại quy định Nga có thể sử dụng loại vũ khí hủy diệt này để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân, hoặc trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công quy ước nhưng gây ra mối đe dọa cho sự sống còn với nước Nga.
Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh Nga không cần phải thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu vào nước khác. Đồng thời cáo buộc phương Tây đang hạ thấp tiêu chuẩn sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm cả việc phát triển các thiết bị hạt nhân có năng suất cực thấp.
Trong diễn biến khác, trong tháng 5, Mỹ đã mua lượng urani làm giàu trị giá 209,5 triệu USD từ Nga – đây là mức cao nhất kể từ tháng 3 năm ngoái, dựa trên dữ liệu của Cục Thống kê Mỹ.
Vào cuối mùa Xuân, Moscow đã nối lại nguồn cung urani cho Mỹ sau thời gian tạm dừng hồi tháng 4. Trong tháng 5/2024, khối lượng xuất khẩu urani của Nga sang Mỹ lên tới 91,1 tấn, trị giá 209,5 triệu USD.
Đây là mức cao nhất kể từ tháng 3/2023, khi Nga chuyển giao cho Mỹ lượng urani làm giàu trị giá 245,9 triệu USD. Đáng lưu ý, lần đầu tiên kể từ tháng 7/2015, hoạt động mua mặt hàng này được thực hiện từ tất cả các nhà cung cấp lớn.
Nước xuất khẩu urani chủ chốt sang Mỹ trong tháng 5 là Trung Quốc, với trị giá 323,6 triệu USD, trong khi 4 tháng trước đó không có lô hàng urani nào được chuyển giao. Tiếp theo là Pháp với 245,4 triệu USD, rồi mới đến Nga lọt vào top 3, sau đó lần lượt là Đức (96,8 triệu USD), Hà Lan (63,3 triệu USD), Anh (38 triệu USD). Thậm chí còn có những nguồn cung cấp nhỏ từ Kazakhstan (8 triệu USD) và Bỉ (2,6 triệu USD).
Nguồn: https://baoquocte.vn/nga-canh-bao-dieu-chinh-hoc-thuyet-hat-nhan-ban-luong-urani-cao-ky-luc-den-my-277732.html