Theo hồ sơ Bộ Tài chính gửi đi, cơ sở của đề xuất tăng thuế và đánh giá tác động mới chỉ tập trung vào một mục tiêu là tăng giá bán rượu bia lên 10% hoặc 20% (tùy theo từng phương án) và tăng đều các năm tiếp theo. Mỗi năm giá bán sẽ tăng 2%-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập.
Tuy nhiên, không có đánh giá tác động toàn diện tới các mặt khác như tăng thuế có giảm tiêu dùng không, mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng cụ thể thế nào; tác động tới ngân sách, các tác động kinh tế xã hội gián tiếp liên quan khác ra sao, doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp bị ảnh hưởng thế nào…
Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá tác động sử dụng những số liệu quá cũ. Không phản ảnh đúng thực tế tình hình doanh nghiệp hiện nay, chưa đặt trong bối cảnh khó khăn của ngành.
Trước tình hình đó, Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) vừa có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính góp ý dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). VBA đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt bia rượu, chưa bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam vào đối tượng chịu thuế. Theo Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam, đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để tăng giá bán lên ít nhất 10% sẽ gây “sốc” cho thị trường.
Khảo sát thực tế tại một số địa phương hiện nay, tình hình doanh nghiệp tư nhân sản xuất bia “nhái” các thương hiệu lớn và bán trên thị trường với giá rất rẻ gần như bằng với giá thành sản xuất không có thuế. Ước sản lượng bia nhái thương hiệu đó khoảng 200-300 triệu lít.
VBA mong muốn Ban soạn thảo tham khảo thêm các kinh nghiệm quốc tế. Đặc biệt là bài học từ các nước láng giềng có điều kiện hoàn cảnh gần với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan.
Với đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (lên đến 100% vào năm 2030) thì đây là cú tăng “sốc” lớn nhất, chưa từng có trong lịch sử tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành rượu bia. Đồng thời sẽ gây sốc cho thị trường. Thực tế, những dịp lễ, tết nhu cầu tiêu thụ tăng cao doanh nghiệp cũng chỉ dám điều chỉnh giá tăng 0,5% -1,5%.
Theo số liệu của VBA, Heineken Việt Nam, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, thị trường của hãng tại Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm hai con số trong năm 2023.
Các nhà máy sản xuất gia công trong hệ thống kiệt quệ bởi giá đầu vào tăng 20%-40%, trong khi giá bán không thể tăng. Kéo theo hàng loạt hệ thống dịch vụ nhà khách sạn với hàng triệu lao động đi kèm Halico liên tục thua lỗ từ nhiều năm nay, đã ghi nhận lỗ quý thứ 27 liên tiếp, lũy kế lên đến 457,7 tỉ đồng.
Theo các chuyên gia, nguyên tắc quan trọng này đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhưng không được để cho người nộp thuế lâm vào tình trạng khốn cùng.
Theo VBA, vì tầm quan trọng của chính sách này đối với ngành Bia Rượu Nước giải khát, Hiệp hội kính đề nghị được Bộ trưởng, Ban soạn thảo xem xét thời điểm hiệu lực của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là từ năm 2027.
Đối với rượu, bia xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây sốc, ổn định thị trường. Tạo điều kiện để doanh nghiệp thích nghi với việc tăng thuế trong thời gian tới.
Theo đó, bia và rượu từ 20 độ trở lên: Từ 1.1.2027 đến 31.12.2028 thuế 70%; từ 1.1.2029 đến 31.12.2030 thuế 75%; từ 1.1.2031 thuế 80%.
Đối với rượu dưới 20 độ: Từ 1.1.2027 đến 31.12.2028 thuế 40%; từ 1.1.2029 đến 31.12.2030 thuế 45%; từ 1.1.2031 thuế 50%.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/de-xuat-gian-lo-trinh-tang-thue-ruou-bia-hop-ly-de-on-dinh-thi-truong-1360791.ldo