Ngày 4/7/2024, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Đông Anh tổ chức lễ Mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới với chủ đề “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”.
Năm 2024 là tròn 30 năm (1994-2024) thực hiện Chương trình Hành động Hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển, Cairo1994 – tại Hội nghị này, các Quốc gia đều đồng thuận với quan điểm cho rằng cần đặt con người vào vị trí trung tâm và khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa dân số và phát triển.
Tại Việt Nam, công tác dân số Việt Nam trong 30 năm qua đã có những thành tựu đáng kể. |
Việc lồng ghép đầy đủ các vấn đề dân số vào các chiến lược phát triển, vào công tác lập kế hoạch, ra các quyết định và phân bổ nguồn lực ở các cấp, vùng nhằm giải quyết hợp lý các chỉ tiêu dân số, bao gồm tỷ lệ tăng dân số, cơ cấu tuổi, mức sinh, mức chết, di cư… đều ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của phát triển con người, kinh tế và xã hội.
Tuy nhiên, theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc thế giới vẫn còn đối mặt với nhiều vấn đề như tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản, nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình chưa được đáp ứng, bạo lực đối với phụ nữ, mang thai ở tuổi vị thành niên.
Tại Việt Nam, công tác dân số Việt Nam trong 30 năm qua đã có những thành tựu đáng kể, Việt Nam đã áp dụng những cách tiếp cận sáng tạo để giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế xã hội giữa các vùng và các nhóm dân cư. Việt Nam cũng vừa vượt mốc 100 triệu dân. Tuổi thọ của người dân được nâng cao, đạt 73,7 tuổi năm 2023.
Việt Nam đã vượt qua các xu hướng toàn cầu về giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ trong 30 năm qua và tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt mức cao trên thế giới.
Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Song Việt Nam công tác dân số vẫn còn những khó khăn, thách thức như chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, đối tượng và nguy cơ không đạt mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc; tốc độ già hóa dân số nhanh; tỷ số giới tính khi sinh cao; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn chậm khắc phục.
Cụ thể, theo Bộ Y tế, tỷ số giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao. Tỷ số giới tính khi sinh ở mức sinh học bình thường là từ 104 – 106/100 trẻ em gái.
Ở Việt Nam, từ 2009, kết quả tổng điều tra dân số đã ghi nhận, tỷ số này đã vượt mức sinh học bình thường và từ 2010, tỷ số này đã ở ngưỡng đáng báo động là 110,5 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Cá biệt, có nơi tỷ số này từng lên đến 114/100.
Thông tin về các yếu tố giảm mức độ gia tăng dân số, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, theo các nghiên cứu, điều tra trong nước, tuổi kết hôn tăng nhưng lại giảm tỷ lệ kết hôn. Điều này cho thấy xu hướng kết hôn muộn, không muốn kết hôn, không muốn sinh con, sinh muộn, sinh ít, sinh thưa ngày càng cao và có xu hướng lan rộng.
Theo ước tính của các chuyên gia về dân số, tốc độ tăng dân số của Việt Nam đang giảm, bình quân giai đoạn 2017 – 2020 là tăng 1,07%.
Tuy nhiên, do mức sinh có xu hướng giảm nhẹ nên tốc độ tăng dân số giảm dần trong những năm gần đây (tốc độ tăng dân số trung bình năm 2022 là 0,98%, năm 2023 là 0,84%) và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo, theo dự báo dân số Việt Nam 2019 – 2069 của Tổng cục Thống kê.
Trong trường hợp mức sinh giảm mạnh như phương án thấp thì sau năm 2054, dân số Việt Nam sẽ bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm dân số ngày càng lớn.
Ngược lại, nếu mức sinh thay thế vẫn được duy trì ổn định trong suốt thời kỳ dự báo đúng như mục tiêu Nghị quyết số 21/NQ-TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII ngày 25.10.2017 về công tác dân số trong tình hình mới đề ra thì đến cuối thời kỳ dự báo, dân số Việt Nam vẫn tăng nhẹ, bình quân mỗi năm giai đoạn 2064 – 2069, dân số tăng 0,17%, tương đương 200.000 người mỗi năm.
Như vậy, nếu mức sinh tiếp tục giảm, số người được sinh ra ngày càng ít đi thì tương lai lực lượng dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm, trong khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng nhanh dẫn đến tỷ trọng dân số già sẽ chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng dân số và Việt Nam sẽ có cơ cấu dân số già.
“Vì vậy, Việt Nam cần chú trọng can thiệp ngay khi có dấu hiệu xu hướng mức sinh giảm ở phạm vi rộng để tránh việc mức sinh xuống thấp”, ông Dũng cho biết.
Riêng với Thủ đô Hà Nội, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, dân trí không đồng đều.
Một số bộ phận người dân vẫn còn tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai dẫn đến việc tỷ số giới tính khi sinh của thành phố vẫn còn ở mức cao, có xu hướng giảm nhưng không bền vững.
Thêm vào đó, tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh vì thế già hóa dân số đang là một thách thức lớn của Hà Nội đòi hỏi phải có một kế hoạch chủ động ứng phó và những chính sách phù hợp nhằm bảo đảm tốt hơn sức khỏe, an sinh xã hội và quyền lợi của người cao tuổi…
Trước thực tế đó, các cấp chính quyền phải coi công tác dân số và phát triển là một bộ phận quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở các cấp, là nội dung trọng tâm trong chương trình hoạt động của chính quyền và các ngành, đoàn thể.
Để tạo ra sự ổn định trong công tác dân số, theo ông Trần Văn Chung, thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền; sự vào cuộc tham gia của các ngành, đoàn thể. Bảo đảm nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân số. Kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ thành phố đến cơ sở.
“Chúng ta cần nghiêm túc đánh giá kiểm điểm tình hình thực hiện của địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, các nội dung và giải pháp thực hiện công tác dân số ở các cấp. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra đối với các hoạt động can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi theo quy định để hạn chế tối đa chênh lệch giới tính khi sinh”, ông Trần Văn Chung nhấn mạnh.
Nguồn: https://baodautu.vn/toc-do-tang-dan-so-cua-viet-nam-dang-giam-d219313.html