Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Idex tăng 37,72 điểm (+3,03%), lên 1.283,04 điểm. Trong khi chỉ số HNX-HNX tăng 4,72 điểm (+1,99%), lên 242,31 điểm. Tuy tăng điểm, nhưng thanh khoản trên cả hai sàn lại giảm mạnh so với tuần trước đó, khi khối lượng khớp lệnh -26,8% tại HOSE và -29% tại HNX.
Nhà đầu tư ngoại vẫn miệt mài xả bán với giá trị bán ròng đạt hơn 2.100 tỉ đồng. Thống kê chỉ riêng trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng 5 phiên liên tiếp. Tổng cộng, khối này đã bán ròng 62,03 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt hơn 2.300 tỉ đồng.
Giá trị bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán đến hết quý II/2024 là trên 52.700 tỉ đồng. Nửa năm, khối ngoại bán ròng gấp 2,26 lần cả năm 2023 và xấp xỉ 87% giá trị bán ròng kỷ lục từng xác lập năm 2021.
Áp lực từ xu hướng bán ròng không ngừng nghỉ của các nhà đầu tư nước ngoài ít nhiều có những tác động đến các thị trường chứng khoán. Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, tỉ trọng giá trị mua – bán của khối ngoại thay đổi tuỳ từng phiên, thường quanh 10%, có vọt lên trong những phiên giao dịch cuối tháng 6 do giá trị giao dịch toàn thị trường giảm, nhưng vẫn hiếm khi vượt trên 20%.
Trong đó chiếm tỉ trọng trên 60% bị bán ròng là nhóm cổ phiếu Vingroup, MSN và lực bán từ các quỹ ETF chiếm 15 – 20%, xấp xỉ cả năm 2021. Tính đến 27.6.2024, nhà đầu tư nước ngoài đã có 16 phiên bán ròng liên tiếp, mỗi phiên đều cả nghìn tỉ đồng. Mặc dù lâu nay điều may mắn của thị trường đó là dòng vốn nội đang cân cho sức bán của khối ngoại. Tuy nhiên, trước đà bán kéo dài và vẫn lớn như vậy thì liệu lực cầu nội có giữ vững được phong độ và hỗ trợ cho thị trường hay không? Đây là câu hỏi mà nhà đầu tư đang đặt ra.
Theo TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital nhận định, ảnh hưởng của việc khối ngoại bán ròng là có, nhà đầu tư sợ thì có thể tránh các cổ phiếu bị bán ròng mạnh ra. Còn thực tế, tỉ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam đang giảm dần mấy năm qua. Một trong những yếu tố có ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán quý III là động thái chính sách của Fed, đặc biệt là việc tại kỳ họp tháng 9, Ngân hàng Trung ương Mỹ có quyết định giảm lãi suất hay không, từ đây sẽ quyết định đến tỷ giá và chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Đánh giá về ảnh hưởng của xu hướng bán ròng của khối ngoại thời gian qua, ông Nguyễn Bá Huy, Giám đốc đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) cho rằng, câu chuyện này hiện nay phần nhiều mang đến tác động tâm lý. Ông Huy cũng dự báo, nhà đầu tư nước ngoài có thể còn tiếp tục bán ròng, nhưng điều thị trường cần quan tâm hơn là dòng tiền nội.
Về dòng vốn nội, theo TS Phương, mặt bằng lãi suất tiết kiệm có dấu hiệu tăng trong vài tháng qua nhưng môi trường lãi suất thấp được kỳ vọng vẫn ổn định trong 6 tháng đến một năm tới. Nếu nhìn trong ngắn hạn, tháng 7 hoàn toàn có thể xảy ra một nhịp điều chỉnh do phản ứng với vùng giá 1.300 điểm vẫn còn khá thận trọng. Tuy nhiên, nhìn về trung hạn, VN-Index vẫn đang ủng hộ việc tạo thành xu hướng tăng điểm nên việc điều chỉnh trong ngắn hạn chỉ mang tính lấy đà và tạo nên một xu thế tăng mạnh mẽ và cũng mở ra vùng mua hấp dẫn cho nhà đầu tư giá trị muốn nắm giữ trung và dài hạn.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/khoi-ngoai-ban-rong-tao-suc-ep-ngay-cang-lon-len-thi-truong-chung-khoan-1362476.ldo