Nhạc sĩ Hồng Đăng tên thật Phan Đăng Hồng, sinh năm 1936 tại Nghệ An, là người cháu gọi nhà cách mạng Phan Đăng Lưu là bác ruột.
Ông từng là Phó tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Âm nhạc và Thế giới âm nhạc, cũng là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam.
Nhạc sĩ Hồng Đăng
Hồng Đăng đã sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ nhỏ. Từ năm 9 – 10 tuổi, ông đã mày mò đọc sách về âm nhạc bằng tiếng Pháp. Khi học được khoảng 20 bài, ông bắt đầu dạy lại cho các bạn có cùng sở thích. Năm 12 tuổi, ông sáng tác ca khúc đầu tay Đời học sinh và được nhiều bạn bè cùng trang lứa yêu thích.
Từ những năm 1950, nhạc sĩ Hồng Đăng đã bắt đầu sáng tác những tác phẩm đầu tay như: Nhớ ơn cụ Hồ, Nắng về Tây Bắc, Đời học sinh… Sau khi đất nước thống nhất, ông hoạt động trong nhiều lĩnh vực như giảng dạy, sáng tác thanh nhạc, khí nhạc, nhạc phim, viết sách, làm báo…
Trong suốt sự nghiệp của mình, người nhạc sĩ có hàng trăm tác phẩm âm nhạc, khí nhạc. Ông là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như Hoa sữa (nhạc phim Hà Nội mùa chim làm tổ), Lênh đênh (nhạc phim Đời hát rong), Biển hát chiều nay, Không gian xanh…
Năm 2001, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho chùm 5 tác phẩm gồm ca khúc Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng năm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ và hợp xướng Lửa rực cháy.
Trong đó, hai ca khúc viết về Hà Nội là “Hoa sữa” và “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ” giúp ông được nhắc đến thường xuyên là một trong những người nhạc sĩ của Hà Nội.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/nhac-si-hong-dang-cay-dai-thu-cua-nen-am-nhac-viet-da-qua-doi-o-tuoi-86-192546375.htm