Nhạc sĩ Hồng Đăng qua đời vào sáng 21/3 để lại biết bao xót xa, tiếc nuối. Ông là một cây đại thụ của làng nhạc Việt Nam, với nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng.
Nhạc sĩ Hồng Đăng
Hoa sữa
Đây có lẽ là tác phẩm nổi bật nhất của nhạc sĩ Hồng Đăng. Bài hát được viết theo đơn đặt hàng của đạo diễn Đức Hoàn cho bộ phim điện ảnh “Hà Nội mùa chim làm tổ”.
Thời điểm đó, nhà thơ Nguyễn Hương Trâm gợi ý ông viết về hoa sữa – một loài hoa thơm nhưng ít người biết. Với những cảm xúc của mình, nhạc sĩ Hồng Đăng nhanh chóng viết nên “Hoa sữa”. Qua giọng ca da diết của ca sĩ Lê Dung, bài hát nhanh chóng được yêu thích. Nhưng chỉ đến khi ca sĩ Nhã Phương trong miền Nam trình diễn, “Hoa sữa” mới thực sự trở thành bài hát nổi tiếng cả nước. Sau đó, ca khúc này được nhiều diva trình diễn lại như Thanh Lam, Hồng Nhung…
Ca khúc đã giúp “định vị” một loài hoa đặc trưng của Hà Nội, quen thuộc với nhiều thế hệ người nghe. Thậm chí, người nhạc sĩ còn bị nhiều người dí dỏm “đổ tội”, vì ông mà Hà Nội “khổ” vì mùi hoa sữa.
Biển hát chiều nay
Biển hát chiều nay cũng là ca khúc ông được đặt hàng viết về đề tài biển đảo. Bài hát là tiếng nói tâm tình của người nghệ sĩ với những những rung động trước vẻ đẹp của biển đảo Tổ quốc thiêng liêng.
Với người nhạc sĩ sinh ra ở miền Trung, biển là một phần máu thịt của ông. “Biển hát chiều nay” chỉ ra đời sau 20 phút, với những giai điệu đầy tự hào và vẽ nên một bức tranh về biển quê hương đầy màu sắc. Thậm chí câu hát “Có gì sáng nay mà sóng xôn xao?” cũng nổi tiếng và hay được nhiều người trích dẫn.
Lênh đênh
Lênh đênh cũng là một ca khúc nhạc phim, được nhạc sĩ Hồng đăng viết cho bộ phim “Đời hát rong”. Bài hát gắn liền với giọng ca của Hồng Nhung, nói lên những lênh đênh của cuộc đời, của tình yêu nhiều sóng gió.
“Trời xanh thế/ Đời xanh thế/ Lênh đênh/ Những vì sao xa/ Lênh đênh/ Những vầng mây xa/ Hai đứa như hai vầng mây xa/ Trôi trên sóng bồng bềnh bồng bềnh”.
Kỷ niệm thành phố tuổi thơ
Ca khúc là một trong 5 chùm tác phẩm giúp nhạc sĩ Hồng Đăng nhận được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Ca khúc được sáng tác vào những năm bảy mươi của thế kỷ trước, khi ông chứng kiến sinh viên Thủ đô “xếp bút nghiên lên đường ra trận”.
Trong cái hào khí hừng hực cùng khung cảnh mùa hè với tiếng ve râm ran khắp phố, trong ông dâng trào cảm xúc và cứ thế “Tiếng ve đu cành sấu/ Tiếng ve náu cành me/ Tiếng ve vẫy tuổi thơ/ Tiếng ve chào mùa hè…” ra đời.
Ký ức đêm
“Ký ức đêm” là tác phẩm được nhạc sĩ Hồng Đăng chắt lọc những cảm xúc, suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời của người nhạc sĩ. Ca khúc gắn với giọng hát của diva Thanh Lam, với nhiều sự chiêm nghiệm: “Đâu đó rất xa rất xa/ Tiếng anh gọi không thể nào vọng tới/ Có ai hát nghe xa vời vợi/ Có một thời hình như ta đã thương nhau rồi đấy thôi”.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/nghe-lai-nhung-ca-khuc-noi-tieng-cua-nhac-si-hong-dang-192546379.htm