Việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế đã là chủ đề nóng được nhắc tới nhiều. Bản thân Bộ Y tế và các cơ quan liên quan cũng đã có nhiều giải pháp tháo gỡ song tình trạng này vẫn còn khá nan giải.
Tình trạng thiếu thuốc đang khiến bệnh nhân, nhất là bệnh nhân ung thư phải điều trị bằng hóa chất theo phác đồ băn khoăn, lo lắng.
Việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế đang là chủ đề nóng được nhắc tới nhiều. Bản thân Bộ Y tế và các cơ quan liên quan cũng đã có nhiều giải pháp tháo gỡ song tình trạng này vẫn còn khá nan giải. |
Chẳng hạn, tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, hiện đang thiếu một số loại thuốc, hóa chất đặc trị, trong khi bệnh nhân không thể tiếp cận với thuốc rõ nguồn gốc khiến việc điều trị bị gián đoạn hoặc đình trệ, trong đó có thuốc Vincristine.
Bên cạnh đó, cơ sở cũng không có một số loại hóa chất điều trị như Methotrexate, Etoposid, Endoxan… nên người bệnh buộc phải tìm mua từ bên ngoài đưa vào viện để điều trị. Không chỉ hóa chất, một số loại vật tư y tế, dịch truyền, đơn cử như đường Glucose 5% cũng thường xuyên thiếu.
Nói về tình trạng thiếu thuốc, trao đổi với phóng viên lãnh đạo Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho rằng, việc thiếu này là đột xuất tại một vài thời điểm và do yếu tố khách quan bởi nhà cung cấp còn bị vướng về thủ tục nhập khẩu, hy vọng tình trạng này sẽ sớm được khắc phục.
Cũng theo vị đại diện này, người bệnh cũng không quá lo lắng bởi việc điều trị bệnh không chỉ phụ thuộc duy nhất vào một loại thuốc, các bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
Trước đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng xảy ra tình trạng thiếu thuốc. PGS-TS.Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, có nhiều trẻ đang phải điều trị và phụ thuộc vào thuốc này. Thuốc GH đang được Bảo hiểm y tế chi trả và người bệnh đồng chi trả.
Trong đó, trẻ dưới 6 tuổi được bảo hiểm y tế thanh toán 100%; trẻ từ 6 – 16 tuổi được bảo hiểm y tế thanh toán 70%, người bệnh đồng chi trả 30%; những đối tượng còn lại được bảo hiểm y tế thanh toán 50%, người bệnh đồng chi trả 50%.
Lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, căn cứ vào số lượng sử dụng năm trước, năm 2023, Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch mua sắm đáp ứng nhu cầu điều trị năm 2023-2024 hoạt chất Somatropin với các hàm lượng khác nhau cho các bệnh nhân có nhóm tuổi và cân nặng khác nhau.
Theo đó, năm 2023, Bệnh viện Nhi Trung ương đã lên kế hoạch mua sắm thuốc và phân chia hoạt chất này theo danh mục nhiều loại hàm lượng và nhiều nhóm khác nhau, nhằm tăng cơ hội lựa chọn các nhà thầu.
Kết quả, có 4 danh mục được đưa ra, tuy nhiên, có 1 danh mục không có nhà thầu dự; 1 nhà thầu trúng thầu nhưng lại có công văn không cung ứng được thuốc; 1 nhà thầu trúng thầu 9.000 lọ thuốc GH nhưng tháng 4 vừa qua, đối tác thông báo không thể thông quan; 1 nhà thầu khác có hàng nhưng nhưng không thực hiện đúng tiến độ theo hợp đồng đã ký.
Nguồn cung ứng của hoạt chất bị hạn chế, cả 2 danh mục nhóm biệt dược gốc và nhóm 1 của hàm lượng 5mg là loại có số lượng sử dụng nhiều nhất trong các năm trước đó đều không có nhà cung ứng (1 thuốc không dự thầu, 1 thuốc trúng thầu nhưng không thực hiện đúng tiến độ theo hợp đồng đã ký), gây khó khăn cho cơ sở trong việc dự kiến nguồn hàng để phục vụ nhu cầu điều trị của bệnh nhân.
Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu mới và nghị định hướng dẫn tuy đã ban hành nhưng các thông tư hướng dẫn thi hành Luật còn chậm ban hành hoặc chưa ban hành (như thông tư hướng dẫn mua sắm thuốc theo Luật Đấu thầu mới thay thế Thông tư 15/2019/TT-BYT) cũng gây khó khăn cho Bệnh viện trong triển khai thực hiện các quy trình mua sắm đấu thầu thuốc.
“Bệnh viện đã cố gắng tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc để phục vụ người bệnh, tuy nhiên vẫn chưa thể đáp ứng kịp thời thuốc cho bệnh nhân do sự biến động của nguồn cung như trên”, PGS.Trần Minh Điển chia sẻ.
Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng có phương án khác thực hiện song song, đó là, trong các gói thầu mua sắm của năm 2024-2025, Bệnh viện cũng lên phương án mua thuốc GH và đang chờ Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cấp giấy phép.
Trong thời gian thiếu thuốc, Bệnh viện đã trao đổi với người nhà bệnh nhân về những khó khăn này và mong họ thông cảm, tạm thời mua thuốc ở ngoài để điều trị cho con. Bệnh viện sẽ cố gắng nỗ lực có thuốc trong thời gian sớm nhất.
Được biết, 1 lọ thuốc này mua trong Bệnh viện Nhi Trung ương có giá 2,5 triệu đồng. Một bệnh nhân dưới 16 tuổi điều trị bệnh Prader Willi có liệu trình điều trị 1 tháng sử dụng 6 lọ, với tổng số tiền hơn 15 triệu đồng. Tuy nhiên, BHYT thanh toán 10 triệu đồng, người nhà bệnh nhân chỉ đồng chi trả 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi phải mua thuốc ở ngoài, người nhà bệnh nhân đang phải mua với giá gần 20 triệu đồng/6 lọ. Vì vậy, nhiều phụ huynh rất mong mỏi Bệnh viện sớm có thuốc. Nếu không thì khoản chi phí này cũng gây khó khăn cho nhiều gia đình có con điều trị, vì trẻ mắc bệnh phải phụ thuộc thuốc này lâu dài.
Nguồn: https://baodautu.vn/benh-nhan-ung-thu-thieu-thuoc-chua-benh-d219019.html