Vượt qua những khác biệt, nhà hàng VAPs – nơi được phục vụ bởi những người mắc chứng tự kỷ đã đem lại cho khách hàng không chỉ trải nghiệm ẩm thực độc đáo, mà còn là nơi lan tỏa yêu thương, tạo hòa nhập xã hội.
Các bạn nhân viên mắc chứng tự kỷ ở “Hiệu sách Hạnh phúc” và “Siêu thị mini”. (Ảnh: NVCC) |
Khát khao “đưa người tự kỷ ra khỏi thế giới chỉ có một mình”
Mô hình kinh tế cho người tự kỷ đầu tiên tại Việt Nam (Vietnam’s Autism Projects – VAPs) còn có một cái tên thân thương: Doanh nghiệp hạnh phúc. Anh Nguyễn Đức Trung (người sáng lập và điều hành dự án Mô hình kinh tế cho người tự kỷ đầu tiên tại Việt Nam) chia sẻ: “Tôi đã đi rất nhiều vùng miền ở Việt Nam và đã ngồi ăn uống, ngủ nghỉ với nhiều gia đình có con bị tự kỷ. Tôi thấy họ đều có một câu hỏi chung: Sau này con mình sẽ như thế nào khi họ mất? Đó là một sự thôi thúc rất lớn đối với tôi khi làm mô hình kinh tế này”.
Chính từ sự thôi thúc ấy, ngay từ khi bắt dầu dự án, anh Trung đã đặt ra mục tiêu rõ ràng: “Tôi mở dự án, điều quan trọng nhất là đưa những người tự kỷ ra khỏi thế giới chỉ có một mình họ, giúp các em hòa nhập cuộc sống. Chính vì thế, tôi chọn cách làm kinh tế đàng hoàng, mở hẳn công ty với tham vọng có lợi nhuận, tạo việc làm bền vững cho người tự kỷ, để họ có cơ hội tự nuôi sống bản thân bằng chính những đồng lương nhận được từ sức lao động của mình.
Tôi muốn những người đặt chân tới công ty trải nghiệm mô hình kinh tế do chính các bạn tự kỷ tham gia vận hành, qua đó họ có thể thấu hiểu thế giới của người tự kỷ”.
Theo anh Trung, nhận thức về tự kỷ mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam trong chưa đầy 20 năm và các chương trình giáo dục đặc biệt hiện chủ yếu tập trung vào nhóm trẻ tự kỷ từ 0-10 tuổi. Trong khi đó, nhóm từ 18 tuổi trở lên, những người “có quá khứ bị bỏ trống” gặp nhiều khó khăn hơn do thiếu khả năng hòa nhập và ngày càng trở thành gánh nặng đối với gia đình, xã hội.
Logo Nhà hàng VAPs. (Ảnh: NVCC) |
Là mô hình tiên phong, khác với các mô hình đào tạo nghề cho người tự kỷ hiện nay, VAPs không hướng tới một dây chuyền khép kín, mà người tự kỷ tại đây vừa được đào tạo nghề, vừa trực tiếp làm việc, đặc biệt là người đi trước sẽ hướng dẫn người tới sau. Tại đây, người tự kỷ được đào tạo làm nhân viên bền vững, chuyên nghiệp.
Để có được những người lao động có kỹ năng thành thục, công ty sẽ phải mất 6 tháng đến 1 năm để nắm bắt, giải quyết các vấn đề tâm lý của người tự kỷ trước khi đề cập việc giải quyết việc làm. Những hạn chế về mặt kiến thức, giáo dục, ngôn ngữ, tâm lý là rào cản lớn trong quá trình hướng nghiệp và dạy nghề cho người tự kỷ.
Anh Trung chia sẻ, đến siêu thị, các em được tham gia lao động, được làm việc bình thường, thậm chí được nhận lương như những người khác. “Em Minh làm việc ở đây được gần 5 năm, Hưng cũng hơn 4 năm, một số người khác tham gia từ khi anh còn đang nghiên cứu. Tại hệ thống, mỗi người đều có nhiệm vụ riêng, người thì làm văn phòng, người làm bếp, người làm phục vụ, thậm chí có người còn đảm nhận vị trí Phó giám đốc dự án. Tại hệ thống, lương của những người tự kỷ được tính theo sản phẩm, ai cũng được ‘làm thật, ăn thật’. Điều đặc biệt là, một số nhân viên có thể tự ra ngân hàng rút tiền, có thể tự đi siêu thị mua đồ chế biến pizza hay mua đồ uống cho quán cà phê…”.
Hàng ngày, mỗi bạn trẻ mắc bệnh tự kỷ sẽ có 8 giờ ở trung tâm, 16 giờ còn lại sẽ cần có gia đình ở bên. Vậy nên, khi nhận đào tạo, anh Trung cho rằng đó là yếu tố “kiềng ba chân” (gia đình, xã hội, tổ chức) giúp anh có thể đem đến những giá trị tích cực cho cộng đồng người tự kỷ nói chung.
Làm việc ở VAPs hơn 1 năm, anh Tùng thấy mình có giá trị và được tôn trọng. “Trước đây, tôi đã từng làm qua 2 công việc, nhưng khi đó không ai chịu bắt chuyện với tôi. Còn ở đây, tôi thấy mình được sống như một gia đình, được thấy mình quan trọng”, anh Tùng chia sẻ.
Anh Trung chia sẻ về những điều mình nhận được khi làm việc tại “Nhà hàng Hạnh phúc”. (Nguồn: Báo Công luận) |
Nhà hàng hạnh phúc
Trong căn nhà nhỏ ba tầng nằm tại phố Mai Anh Tuấn (Hà Nội), dự án VAPs gồm siêu thị, quán ăn và nhà sách, được anh Nguyễn Đức Trung, người sáng lập, triển khai bền bỉ trong suốt 7 năm qua.
Sự đặc biệt của nhà hàng là nhân viên ở đây toàn bộ là người tự kỉ, với lứa tuổi khá đa dạng từ 18-29 tuổi. Nhà hàng gồm 2 bạn nấu ăn và phục vụ chính. Trong đó, Hưng là đầu bếp, chuyên làm pizza, salad và phục vụ thực khách.
Còn Minh là người pha trà, cà phê và chăm sóc khách hàng. Hai bạn phải tự làm hầu hết các công đoạn trong nhà hàng. Ngoài ra, các bạn còn có thể giao tiếp bằng tiếng Anh và sử dụng công nghệ thông tin thành thạo.
Tuy nhiên, do nhà hàng chỉ có 2 bạn nhân viên nấu ăn và phục vụ chính nên mỗi lượt khách đến ăn sẽ có sự hạn chế, nếu mọi người có mong muốn thưởng thức thì cần đặt bàn trước. Việc đó sẽ giúp các bạn nhân viên chuẩn bị và phục vụ tốt nhất. Bên cạnh đó, toàn bộ lợi nhuận thu được trong ngày sẽ chia cho các bạn nhân viên. Đây được coi như là tiền lương do chính sức lao động của các bạn tạo ra.
Các thực khách có cơ hội trải nghiệm đặc biệt tại Nhà hàng Hạnh phúc. (Nguồn: Báo Tin tức) |
Sau khi dùng bữa, khách hàng có thể tiếp tục ghé thăm “Hiệu sách Hạnh phúc” hay “Siêu thị mini”, cũng do các bạn nhân viên là người tự kỷ phục vụ. Các bạn nhân viên ở đây còn được tham gia vào toàn bộ hoạt động của quán, kể cả công việc liên quan đến sổ sách tài chính như thủ quỹ, thu chi, kiểm kê hay xuất nhập kho.
Các bạn nhân viên đều được đào tạo từ con số 0, và việc đào tạo một người tự kỷ để bạn ấy có thể bắt tay vào làm việc thì mất rất nhiều năm. Mỗi nhân viên được tuyển vào công ty đều do chính anh Trung trực tiếp đào tạo theo kiểu 1-1 đến khi thạo việc.
Theo anh Trung: “Việc đào tạo giữa các bạn lao động tự kỷ cũng yêu cầu khoảng thời gian khác nhau do phụ thuộc vào mức độ năng lực ban đầu của các bạn. Có những bạn hạn chế về ngôn ngữ, có những bạn lại nói rất nhiều, có những bạn không thể kiểm soát được hành vi nhưng cũng có những bạn khá là thụ động. Vì vậy, tùy vào khả năng tiếp thu của từng người mà tôi sẽ hướng dẫn những việc phù hợp với họ”. Vì vậy, tuy anh Trung không trực tiếp làm việc nhưng anh vẫn luôn túc trực bên các nhân viên để kịp thời hỗ trợ.
Anh Trung chia sẻ, từng có khoảng thời gian khó khăn và có ý định từ bỏ sau khi gặp thất bại lần đầu tiên, nhưng khi nhìn thấy các bạn tự kỷ được học, được làm việc như những người bình thường, anh thấy bản thân mình đã đi được nửa đường, phần nào đạt tới thành công và tại sao anh lại không cố gắng hơn nữa.
Bài chia sẻ của khách hàng về trải nghiệm tại nhà hàng trên mạng xã hội Facebook. (Ảnh: NVCC) |
Sự đón nhận từ mọi người
Bằng sự chỉn chu trong khâu xây dựng quy trình, đào tạo nhân viên của anh Trung, cũng như sự cố gắng không ngừng nghỉ để được cống hiến của các bạn, mô hình kinh doanh dành cho người tự kỷ đang vận hành rất tốt và nhận nhiều sự ủng hộ từ khách hàng.
Đến nay, trung tâm nhỏ nhưng đầy tình thương yêu và chứa chan hy vọng đã tiếp đón hơn 6000 khách hàng. Chị Anh Thư (20 tuổi, ở phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Tôi chưa từng có cơ hội tiếp xúc với người tự kỷ nên việc được tham gia trải nghiệm tại VAPs giúp tôi hiểu hơn về tự kỷ. VAPs đã đem lại cho khách hàng một trải nghiệm hoàn toàn dễ chịu và vui vẻ”. Một khách hàng khác để lại đánh giá trên trang cá nhân của công ty: “Nhóm chúng mình rất bất ngờ vì các nhân viên của quán có thái độ phục vụ siêu chuyên nghiệp và nhiệt tình. Quán có không gian ấm cúng và mỗi tầng là một mô hình khác nhau rất thú vị với nhiều trải nghiệm đáng nhớ”.
Bạn Ngọc Hà dành lời khen cho nhà hàng, “Chắc chắn sẽ quay lại! Cơ duyên biết đến dự án qua Tiktok, tìm đến quán trải nghiệm nhà hàng, siêu thị, nhà sách. Cảm xúc lúc đầu đến quán khá hồi hộp và mong chờ, không để mình thất vọng luôn. Một trải nghiệm quá tuyệt vời, các anh siêu thân thiện và đáng yêu. Chúc các anh thật nhiều sức khoẻ để tiếp tục mở rộng dự án, cảm ơn các anh”.
Tại đây, mọi khách hàng đều kiên nhẫn chờ đợi để được phục vụ, bình thản và giữ thái độ tôn trọng trước sự khác biệt của nhân viên. Thậm chí nhiều người còn thấy những thanh niên chỉ mười tám đôi mươi nhưng đã dành đến 6 năm vượt qua những rào cản về tâm lý, bệnh lý để phục vụ, trò chuyện với khách hàng theo cách tốt nhất. Nhiều khách hàng khâm phục và yêu mến những tâm hồn trong sáng với ý chí mạnh mẽ nên thường xuyên đến ủng hộ mô hình kinh tế này, thuộc cả tên và mỗi lần đến đều để lại nhiều lời khích lệ cho nhân viên.
Không chỉ được tiếp đón bằng nụ cười, những người bạn đến thăm trung tâm đặc biệt này còn ra về với niềm vui và ấm áp. Với trải nghiệm rất tích cực, mô hình kinh tế cho người tự kỷ được nhiều bạn trẻ lan tỏa rộng rãi hơn bằng những bài viết, đoạn phim ngắn trên các nền tảng mạng xã hội. Những bài viết xoay quanh chủ đề này nhận lượng tương tác lớn, nhiều câu chuyện về những mô hình kinh tế đặc biệt khác cũng được nhắc tới, tất cả đều thể hiện rằng chúng ta – những người Việt Nam với truyền thống lá lành đùm lá rách – đã đang và luôn có nhận thức, có mong muốn, khát khao giúp đỡ những người thiệt thòi hơn mình.
Giờ đây, cộng đồng chúng ta đã có thêm một lực lượng lao động đặc biệt, sẵn sàng đóng góp, chung tay dựng xây xã hội, họ chăm chỉ, với tinh thần vượt qua nghịch cảnh để đem lại giá trị cho mọi người xung quanh, cho gia đình, cho đất nước.
Nguồn: https://baoquocte.vn/noi-gieo-mam-yeu-thuong-cho-nguoi-tu-ky-277141.html