Vào diện hạn chế giao dịch
Ngày 3/7, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) có thông báo về việc đưa cổ phiếu CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo – Itaco (ITA), do bà Maya Dangelas (tên tiếng Việt là Đặng Thị Hoàng Yến) làm chủ tịch, vào diện hạn chế giao dịch vì chưa thực hiện công bố thông tin báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2023
Trước đó, ngày 23/4, HOSE đã có công văn nhắc nhở ITA về việc chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2023 và báo cáo thường niên năm 2023. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng có văn bản phản hồi Itaco về việc tạm hoãn công bố thông tin.
Ngày 24/6, ITA có gửi văn bản tới UBCKNN và HOSE nhưng không cung cấp các tài liệu, bằng chứng làm cơ sở cho việc tạm hoãn BCTC kiểm toán năm 2023, báo cáo thường niên năm 2023 vì lý do bất khả kháng.
Theo giải thích của lãnh đạo Itaco, sở dĩ doanh nghiệp chưa có BCTC kiểm toán năm 2023 do không có công ty nào dám kiểm toán cho ITA vì sợ các kiểm toán viên bị đình chỉ nghề.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 hôm 29/6 vừa qua, Tổng giám đốc ITA Nguyễn Thanh Phong cho biết, từ năm 2022, HOSE và UBCKNN “có những hành động bất bình thường gây khó khăn cho các công ty kiểm toán và đã đình chỉ hành nghề các kiểm toán viên thực hiện kiểm toán cho ITA, khiến các công ty kiểm toán rời bỏ ITA”.
Hồi cuối tháng 7/2022, đối tác kiểm toán lâu năm của ITA là Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) đột ngột chấm dứt hợp đồng với ITA trong bối cảnh công ty của Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến có nhiều biến động, trong đó có tai tiếng liên quan tới việc “tạm ứng, chuyển tiền đầu tư tại Mỹ”.
Vào ngày cuối cùng năm 2023, Công ty kiểm toán AASCS cũng thông báo không kiểm toán BCTC cho Itaco.
Điều gì đang xảy ra với Itaco?
Những diễn biến bất thường không phải bây giờ mới xuất hiện tại Itaco, mà từ cả chục năm trước. Hơn 10 năm qua, Itaco ghi nhận kết quả hoạt động kinh doanh khá u ám. Nhiều dự án đình trệ/khó khăn và đặc biệt là sự vắng mặt, không tham dự trực tiếp của bà Đặng Thị Hoàng Yến trong 10 kỳ ĐHCĐ qua.
Tại ĐHCĐ thường niên 2024 hôm 29/6, bà Hoàng Yến cũng không tham dự trực tiếp, chỉ tham dự trực tuyến do “có công việc không thể sắp xếp tham gia điều hành cuộc họp” và ủy quyền cho ông Huỳnh Hổ, thành viên HĐQT độc lập, làm chủ tọa.
Mặc dù có tài sản cả chục nghìn tỷ đồng và là công ty hàng đầu trong việc phát triển hạ tầng khu công nghiệp của Việt Nam, nhưng cổ phiếu ITA suy giảm mạnh, hiện còn hơn 5.000 đồng/cp.
Tại ĐHCĐ thường niên 2024, bà Hoàng Yến cho rằng, từ tháng 5/2022, ITA bị nhiều “thế lực xấu đứng sau phá hoại” nhằm thâu tóm công ty”.
Hồi tháng 9/2022, ITA của bà Hoàng Yên có đơn kêu cứu khẩn cấp về “âm mưu và hành động phá hoại, bức tử, thâu tóm Công ty Tân Tạo” sau khi rơi vào diện cảnh báo do vi phạm công bố thông tin.
Sự việc bùng lên sau khi Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế TP.HCM tập trung rà soát số liệu kê khai thuế của Công ty Tân Tạo, phối hợp với ngân hàng xác minh số tiền mà Tân Tạo đã tạm ứng cho Chủ tịch Maya Dangelas và chuyển hồ sơ cho công an nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm.
Trước đó, giới đầu tư xôn xao về vụ việc tạm ứng 1.940 tỷ đồng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến đầu tư sang Mỹ, trong bối cảnh bà Yến vắng mặt tại ĐHCĐ nhiều năm và khoảng thời gian bà kêu cứu về việc có thông tin buộc phá sản Tập đoàn Tân Tạo. Itaco sau đó có vài văn bản “chữa cháy”, giải thích con số tạm ứng nói trên là do “đã trình bày sai”…
Cũng theo Itaco, từ tháng 5/2022, Công ty Tân Tạo và các công ty thành viên của Tập đoàn Tân Tạo đều bị ngân hàng từ chối cho vay tín dụng dù có đủ phương án vay và tài sản thế chấp.
Một trong những vướng mắc lớn nhất của Itaco chính là dự án Nhiệt điện Kiên Lương. Về vấn đề này, bà Yến cho hay ITA là đơn vị cho thuê đất, khi dự án không triển khai được cũng ảnh hưởng đến nguồn thu của ITA.
Nhiệt điện Kiên Lương là dự án có vốn đầu tư nhiều tỷ USD tại Kiên Giang, quy mô 4.400-5.200 MW. Tuy nhiên, năm 2016, dự án này bị đưa ra khỏi Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/kiem-toan-thao-chay-the-luc-xau-pha-hoai-dieu-gi-xay-ra-voi-dn-ba-hoang-yen-2298599.html