Những cách tiếp cận mới
Là người gắn bó với nghệ thuật hát xẩm hơn 20 năm, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa cho biết: “Nghệ thuật hát xẩm từng có một thời lừng lẫy, đặc sắc, xẩm chạm tới niềm vui, niềm đau của con người. Từ một loại hình ca hát của người hát rong khiếm thị kéo đàn nhị bên chiếc thau đồng mà đã phát triển, sáng tạo trở thành hệ thống bài bản đạt tới một trình độ gọi là “nghệ thuật hát xẩm”. Tuy nhiên, hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, công chúng không còn mặn mà với nghệ thuật truyền thống, khiến cho hát xẩm đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Vậy nên, bằng một tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật xẩm, tôi cùng với cộng sự của mình đã thành lập nhóm Xẩm Hà Thành với mong muốn đưa nét đẹp của nghệ thuật hát xẩm đến gần hơn với công chúng”.
Xuyên suốt thời gian hoạt động, để làm sống lại những thanh âm, làn điệu xẩm đã được cất lên tại các chợ, đường phố… mấy mươi năm về trước, nhóm Xẩm Hà Thành đã tổ chức rất nhiều buổi biểu diễn miễn phí tại các không gian công cộng để khán giả có thể thưởng thức.
Không dừng lại ở những buổi biểu diễn, mà các thành viên trong nhóm Xẩm Hà Thành còn sáng tạo và phát triển đưa những làn điệu xẩm cổ hòa nhịp với hơi thở của đời sống đương đại. Tất cả họ đều mang một tâm tư, sẽ gieo được những “tương tư” của xẩm đến với những khán giả của thời đại mới, đặc biệt là những khán giả trẻ. Do đó, nhóm đã không ngừng kết hợp giai điệu xẩm cùng với những ca từ mới, hòa cùng nhịp sống hiện đại ngày nay, từ đó cho ra đời nhiều bài hát mới, có thể kể đến như: Xẩm trà đá, xẩm bốn mùa hoa Hà Nội, hát xẩm văn hóa giao thông, xẩm tứ vị Hà thành…
Đặc biệt, gần đây, nhóm Xẩm Hà Thành đã đồng loạt đưa nhiều bài hát xẩm mà nhóm đã thể hiện, sáng tác trong những năm qua lên nhiều nền tảng số qua các kênh quốc tế như: Spotify, Apple Music… và cả các kênh âm nhạc nổi tiếng của Việt Nam như: Nhaccuatui, Zingmp3… Với việc đưa lên những nền tảng phát nhạc kỹ thuật số một cách bài bản, những bài hát xẩm truyền thống đã chủ động tìm đến thế hệ Gen Z một cách dễ dàng.
Chia sẻ về cách làm này, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa cho biết: “Từ trước đến nay, mọi người sáng tạo và làm mới nghệ thuật xẩm nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung rất nhiều, nhưng chưa mấy ai đưa hát xẩm lên nền tảng số, trong khi đó, giới trẻ còn thiếu hiểu biết về hát xẩm. Bởi thế chúng tôi mới nghĩ đến việc đưa xẩm lên những nền tảng phát nhạc chuyên nghiệp sau khi đã quảng bá qua các trang mạng xã hội như facebook, youtube… Và một điều rất đáng mừng, là chỉ sau ít ngày khi chúng tôi đưa âm nhạc lên những nền tảng phát nhạc kỹ thuật số, chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi từ thính giả, đặc biệt là những thính giả nhỏ tuổi. Qua đó, có thể thấy, nền tảng số được giới trẻ rất yêu thích, nó còn giúp cho xẩm đến gần hơn với công chúng nên trong thời gian tới, chúng tôi đang xem xét đưa hát xẩm lên những nền tảng số khác”.
Đưa xẩm thành sản phẩm văn hóa
Nếu như trước đây, chúng ta phải tổ chức những buổi biểu diễn miễn phí để hồi sinh, phát triển nghệ thuật hát xẩm, đưa nghệ thuật này tiếp cận gần hơn với người dân và du khách thì hiện nay, đã có rất nhiều chương trình biểu diễn hát xẩm bắt đầu thu phí người xem và được khán giả rất ủng hộ.
Với sự chuyên nghiệp, tinh tế khi đưa xẩm tiếp cận với công chúng, Trung tâm Xúc tiến quảng bá Di sản Văn hóa phi vật thể Việt Nam đã tìm lối đi riêng khi phát triển hát xẩm thành một sản phẩm văn hóa. Từ cuối năm 2023 đến nay, Trung tâm đã triển khai dự án Di sản trong lòng phố, lấy nghệ thuật hát xẩm là trọng tâm. Đều đặn vào chủ nhật hàng tuần, chương trình hát xẩm đã được tổ chức để khán giả trong và ngoài nước có cơ hội thưởng thức.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam Đinh Thảo cho biết: “Mặc dù hát xẩm là loại hình di sản dễ tiếp cận với công chúng, nhưng chúng tôi vẫn coi những câu chuyện, những bài hát xẩm mới là “nguyên liệu”. Và phải làm thế nào để từ nguyên liệu đó chuyển thành một sản phẩm văn hóa và để người mua cảm thấy xứng đáng khi bỏ tiền ra thì chúng tôi đã phối hợp câu lạc bộ Xẩm 48h và một số nhà nghiên cứu, nghệ sĩ trẻ tài năng khác để xây dựng sản phẩm, tạo nên những buổi biểu diễn có tính hấp dẫn và chuyên nghiệp”.
“Điểm khác biệt trong chương trình hát xẩm do chúng tôi tổ chức đó là tạo nên những chủ đề với các cách kể chuyện khác nhau, chọn lựa các tuyến bài khác nhau để phù hợp với nhiều đối tượng khán giả. Thông qua đó, khán giả sẽ có cơ hội tìm hiểu về một lát cắt trong lịch sử văn hóa dân tộc. Ngoài việc nghe hát, khán giả đến buổi biểu diễn còn được giao lưu trò chuyện, trực tiếp trải nghiệm với nghệ sĩ trong một không gian tương tác gần. Điều này giúp cho nghệ thuật hát xẩm đến gần hơn với khán giả, kể cả những người vốn xa lạ với những loại hình văn hóa này” – bà Đinh Thảo cho biết thêm.
Cũng theo bà Đinh Thảo: “Vì các nghệ sĩ, nghệ nhân đều hát mộc, nên để đảm bảo chất lượng biểu diễn, mỗi buổi chúng tôi chỉ tiếp nhận tối đa 30 khách. Và một điều đáng mừng, các chương trình biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật hát xẩm từ khi bắt đầu tổ chức đến nay đã thu hút sự quan tâm đông đảo của công chúng với đủ mọi độ tuổi khác nhau, dù chương trình diễn ra vào cuối tuần nhưng từ giữa tuần chúng tôi đã phải thông báo hết vé. Hơn nữa, hầu hết khán giả sau khi được tiếp xúc với xẩm qua cách làm của chúng tôi đều cảm nhận được những giá trị sâu sắc, sức sống lâu bền của một loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc. Điều này giúp cho chúng tôi có thêm động lực để tiếp tục sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác”.
Bên cạnh các chương trình biểu diễn, hiện nay, Trung tâm Xúc tiến quảng bá Di sản Văn hóa phi vật thể Việt Nam đang bắt đầu tiến hành việc sản xuất sách dành cho đối tượng thiếu nhi để hỗ trợ thêm cho các hoạt động giới thiệu xẩm trong nhà trường và các chương trình có yếu tố giáo dục. Ngoài ra, Trung tâm đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức diễn xẩm trên xe buýt 2 tầng vào tối cuối tuần nhằm thử nghiệm một không gian mới cho xẩm, từ đó giúp khán giả có thể mường tượng về xẩm tàu điện – loại hình phổ biến vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và chỉ Hà Nội mới có.
“Việc biểu diễn thường xuyên tại nhiều không gian khác nhau còn nhằm tạo sân chơi lâu dài cho những người yêu xẩm, giúp họ có thêm kinh nghiệm biểu diễn, giao lưu với du khách, đồng thời duy trì ngọn lửa đam mê với xẩm – một di sản văn hóa phi vật thể quan trọng của Việt Nam” – bà Đinh Thảo nhấn mạnh./.
Nguồn: https://toquoc.vn/thoi-vao-xam-hoi-tho-duong-dai-20240704121555843.htm