Hang Sơn Đoòng tại tỉnh Quảng Bình đang được Công ty Oxalis Adventure khai thác dưới hình thức du lịch mạo hiểm, với thời gian 6 ngày 5 đêm. Tour du lịch thám hiểm Sơn Đoòng được đưa vào khai thác từ tháng 8/2013 và ngay lập tức trở thành tour du lịch có sức hấp dẫn với du khách thích mạo hiểm trên toàn thế giới. Giá tour cho mỗi người thám hiểm Sơn Đoòng hơn 3.000 USD. Đến thời điểm này, tour thám hiểm Sơn Đoòng năm 2024 đã hết chỗ và công ty khai thác đang mở bán tour cho năm 2025.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, hang Sơn Đoòng đón gần 3.500 lượt khách vào hang khám phá. Sự kiện hang Sơn Đoòng với những giá trị nổi bật toàn cầu được vinh danh trên trang chủ Google một lần nữa khẳng định những giá trị to lớn của Sơn Đoòng đối với du lịch Việt Nam. Với những người quan tâm tới hang Sơn Đoòng nhưng chưa có cơ hội trực tiếp tới và khám phá nơi này, có thể chiêm ngưỡng hang Sơn Đoòng tại công cụ “Kỳ quan Việt Nam” – triển lãm trực tuyến trên trang Google Arts & Culture ra mắt đầu năm 2021. Tại đây, người dùng trực tuyến có thể chiêm ngưỡng bộ ảnh và video về hang Sơn Đoòng, cũng như các tính năng tương tác cho phép trải nghiệm các kỳ quan của Việt Nam theo những cách mới.
Có thể thấy rằng, nhờ áp dụng chuyển đổi số trong quảng bá điểm đến, hang Sơn Đoòng đã nổi tiếng khắp thế giới. Ông Nguyễn Châu Á – Giám đốc Công ty Oxalis Adventure chia sẻ kinh nghiệm khi ứng dụng chuyển đổi số đưa các nội dung quảng bá ra với thế giới nhằm giới thiệu những cái hay, cái đẹp của sản phẩm du lịch đến với nhiều du khách.
“Sơn Đoòng được phát hiện ra từ năm 2009, sau đó được công bố là hang động lớn nhất thế giới. Lúc đó các công cụ tìm kiếm về Sơn Đoòng gần như là bằng 0. Về sau, khi được công bố là hang động lớn nhất thế giới, được báo chí viết nhiều, các hãng phim truyền hình đến quay và sau này có công cụ mạng xã hội, các sự kiện, chúng tôi đã đưa ra rất nhiều bài viết để góp phần giới thiệu Sơn Đoòng ra thế giới. Lúc đó người quan tâm trên thế giới mới bắt đầu tìm kiếm. Tại thời điểm hiện nay, mỗi tháng chúng tôi ghi nhận khoảng 90.000 lượt tìm kiếm về Sơn Đoòng”, ông Nguyễn Châu Á cho biết.
Hiện nay, các hành vi và thói quen tìm kiếm thông tin sản phẩm du lịch của du khách khá đa dạng; nhu cầu sử dụng sản phẩm và trải nghiệm điểm đến của du khách cũng thay đổi đáng kể. Điều này mở ra cơ hội mới nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với ngành du lịch trong việc tiếp cận thị trường khách quốc tế. Để thích nghi với sự thay đổi này, ngành du lịch cần nhanh chóng đổi mới phương thức kinh doanh, xây dựng sản phẩm có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao tính cạnh tranh của điểm đến và sản phẩm du lịch trong nước.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quý – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi của khách du lịch, từ việc tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, trải nghiệm tại điểm đến cũng như chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm về chuyến đi, hầu hết đều diễn ra trên môi trường số. Nhờ chuyển đổi số mà nhiều doanh nghiệp du lịch đã gặt hái được một số kết quả quan trọng trong việc tổ chức tour du lịch, không chỉ đối với khách trong nước mà cả khách quốc tế.
Ông Nguyễn Ngọc Quý cho rằng, một số doanh nghiệp du lịch ở tỉnh Quảng Bình đã chuyển đổi số thành công, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới: “Các sản phẩm du lịch ở Quảng Bình đã có sức lan tỏa rất lớn, nổi tiếng trên thế giới. Trước hết chúng tôi quảng bá bằng ngôn ngữ tiếng Anh, sau đó thêm tiếng các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp và một số ngôn ngữ khác nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trên nền tảng số ngày càng tốt hơn”.
Thời gian gần đây, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh nhưng lượng khách mà các doanh nghiệp lữ hành phục vụ lại không tăng nhiều. Điều này cho thấy, hình thức du lịch không theo tour hay du lịch tự túc đang ngày càng phổ biến. Xu hướng này càng được thúc đẩy bởi sự “lên ngôi” của chuyển đổi số.
– Sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) đã mang lại những thay đổi sâu rộng trong ngành du lịch, ảnh hưởng lớn đến cách thức người tiêu dùng và du khách lập kế hoạch cho kỳ nghỉ của mình. – Thuật ngữ B2C được hiểu là Thương mại từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng. Doanh nghiệp bán hàng, cung cấp dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng. Thị trường tiêu dùng của mô hình B2C rất đa dạng và cạnh tranh gay gắt. – Trong du lịch, B2C là mô hình hoạt động mà công ty có sản phẩm du lịch và có chiến lược quảng bá, tiếp thị, tiếp cận thị trường khách tiềm năng của mình. Loại hình kinh doanh này giúp các công ty trực tiếp trao đổi với khách du lịch để điều chỉnh sản phẩm, chiến lược kinh doanh phù hợp. – Khi Internet phát triển vượt bậc, các kênh mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Youtube… sẽ là nơi hiệu quả để kinh doanh và càng làm cho thị trường kinh doanh nhộn nhịp và cạnh tranh mạnh hơn bao giờ hết. |
Doanh nghiệp du lịch Việt Nam muốn phát triển nhanh, bền vững thì cần phải chuyển đổi dần sang mô hình bán hàng trực tuyến (B2C) thích ứng với xu thế mới. Việt Nam đang có thế mạnh về tài nguyên phát triển du lịch xanh, loại hình du lịch đang được nhiều khách du lịch ưa chuộng. Doanh nghiệp du lịch không chỉ khai thác bền vững tài nguyên này mà còn phải biết quảng bá trên nền tảng số, tiếp cận và cung cấp thông tin đến khách hàng. Yếu tố chuyển đổi số giữ vai trò sống còn trong việc tiếp cận thị trường khách du lịch toàn cầu, cũng như tăng sức hấp dẫn và thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Ông Hồ An Phong – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy phát triển, mạnh dạn chuyển đổi để đưa điểm đến tới gần hơn với du khách. Sự thay đổi này đòi hỏi tính sáng tạo, chuyên nghiệp và có nền tảng công nghệ.
Ông Hồ An Phong cho biết thêm, chuyển đổi số cũng là cơ hội tốt, phù hợp với các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ: “Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư là tất yếu và là xu thế, không loại trừ một chủ thể nào, một quốc gia nào và một doanh nghiệp nào tham gia hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động kinh doanh du lịch nói riêng. Du lịch của chúng ta nếu không thay đổi thì sẽ không phát triển vì mọi thứ sẽ xuất hiện trên nền tảng số, các giao dịch sẽ bớt khâu trung gian nhưng gắn liền với điểm đến và đưa điểm đến gần hơn với du khách, cũng như đưa du khách đến nhanh hơn, gần hơn với điểm đến”.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra sôi động. Chuyển đổi số trong ngành du lịch nói nôm na, đó là sự chuyển dịch từ mô hình kinh doanh truyền thống sang kinh doanh hiện đại hơn, tập trung vào khách hàng theo mô hình chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu.
Nguồn: https://vov.vn/du-lich/chuyen-doi-so-huong-toi-du-lich-xanh-vuon-ra-the-gioi-post1103144.vov