Chương trình chương trình tư vấn trực tuyến “Những điều thí sinh cần làm sau khi thi tốt nghiệp THPT” được phát tại các địa chỉ: thanhnien.vn , Fanpage facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
Bộ GD-ĐT dự kiến công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vào ngày 17.7 tới. Sau đó, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT từ ngày 18.7 đến 17 giờ ngày 30.7. Nhưng trước thời điểm này, thí sinh phải lưu ý những gì?
Bên cạnh đó, điều mà thí sinh có ý định xét tuyển bằng phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp THPT đang quan tâm hiện nay là đề thi của một số môn được đánh giá là “dễ thở” hơn so với năm ngoái, vậy điểm chuẩn vào các trường bằng phương thức này dự đoán có thay đổi gì không?
Với những thí sinh trúng tuyển phương thức xét tuyển sớm thì có những lợi thế gì so với thí sinh xét bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT?
Thời điểm này nhiều thí sinh đã trúng tuyển có điều kiện bằng các phương thức xét tuyển sớm, nhưng một số em vẫn còn băn khoăn về ngành/trường mình đã chọn. Vậy thí sinh có nên sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để tiếp tục xét tuyển?
Trong trường hợp bắt buộc phải thay đổi thì thí sinh nên đăng ký xét tuyển trên hệ thống như thế nào để cơ hội trúng tuyển cao nhất?
Tất cả những vấn đề trên sẽ được các chuyên gia làm rõ tại chương trình. Bạn đọc cũng có thể đặt thêm câu hỏi thông qua các kênh của Báo Thanh Niên để được giải đáp thêm.
Tham gia chương trình để giải đáp thắc mắc cho thí sinh trong đợt 2 có các khách mời:
- Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn;
- Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM;
- Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Thiên Thư, đại diện Trường ĐH Việt Đức.
Những quy định, cột mốc quan trọng khi xét tuyển sớm
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, phân tích: “Việc xét tuyển sớm rất đa dạng với nhiều phương thức. Nhiều bạn đã nắm trong tay kết quả trúng tuyển. Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn cũng đã công bố 3 giai đoạn xét tuyển, kết quả xét tuyển đợt 1 cũng đã được công bố. Lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm tăng, tổ hợp xét tuyển cũng đa dạng. Ngày 10.7 các trường đưa dữ liệu trúng tuyển sớm lên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT. Các em sẽ nhìn thấy kết quả trúng tuyển sớm của mình khi truy cập vào đây.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư cũng lưu ý: ”Các bạn không tham gia xét tuyển sớm vẫn còn phương thức xét điểm thi THPT. Các bạn đã trúng tuyển sớm nhưng nếu chưa đúng ngành bạn muốn thì có thể sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét. Các em có thể dùng nhiều phương thức nhưng chỉ trúng tuyển một phương thức/nguyện vọng duy nhất”.
Năm 2024 trường có 4 mã ngành mới: truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng, công nghệ giáo dục và công nghệ thông tin. Các ngành mới được ưu đãi 20% học phí. Cuối tháng 7 trường kết thúc xét học bạ đợt 2. Trường dành 50% xét học bạ và còn 50% cho phương thức xét điểm thi THPT cùng các phương thức khác.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng xu hướng xét tuyển sớm được phụ huynh và thí sinh quan tâm. Trường cũng công bố điểm chuẩn xét tuyển theo điểm thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, trong ngành dược 900 điểm, một số ngành 800 điểm. Trường có 27.000 nguyện vọng đăng ký xét học bạ.
Thạc sĩ Ngọc Phương cũng lưu ý thí sinh hiện tại các trường vẫn đang nhận hồ sơ xét tuyển sớm nên các em nên tận dụng cơ hội. Chẳng hạn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đang nhận hồ sơ học bạ đến hết 25.7.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Thiên Thư, đại diện Trường ĐH Việt Đức, thông tin trường đã công bố kết quả kỳ thi riêng. Trường cũng đang mở đợt xét tuyển thứ 2 theo phương thức học bạ, vào 8.7 sẽ hết hạn. Trường dành 70% chỉ tiêu cho kỳ thi riêng và 30% cho học bạ và kết quả thi THPT. Năm nay trường đào tạo 2 ngành mới gồm kỹ thuật giao thông thông minh và kỹ thuật quản lý quy trình môi trường bền vững. Thí sinh sẽ nhận được 100% học bổng nếu vào học 2 ngành này.
Bạn đọc Tuấn Phương (Lâm Đồng) thắc mắc: ”Em thấy thống kê của Trường ĐH Việt Đức, có gần 80% thí sinh trúng tuyển sớm đạt trình độ tương đương IELTS 5.0. Em muốn xét tuyển vào trường nhưng chưa đủ tự tin thi IELTS. Vậy có được nợ không, nếu trúng tuyển thì có thời gian bao lâu trả nợ chuẩn tiếng Anh đầu vào và trường có hỗ trợ gì?”.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Thiên Thư thông tin Trường ĐH Việt Đức đào tạo ngôn ngữ chính là 100% tiếng Anh nên tiếng Anh vô cùng quan trọng khi học ở trường. Đầu vào yêu cầu IELTS 5.0. Tuy nhiên các em chưa có chứng chỉ này thì vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu đầu vào nếu điểm thi THPT môn tiếng Anh 7,5 và điểm trung bình ở bậc THPT 7,5 trở lên. Các em cũng có thể tham gia kỳ thi tiếng Anh của trường để đáp ứng điều kiện. Khi vào trường, các em được xếp lớp tiếng Anh có trình độ tương đương nhau để sau 1 năm đạt IELTS 6.0.
Bước quan trọng để trúng tuyển chính thức vào ĐH
Bạn đọc tên Nhật Lệ đặt câu hỏi trong chương trình: ”Em đã trúng tuyển xét tuyển sớm vào ngành khoa học máy tính Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, em cần làm gì để trở thành sinh viên chính thức của trường? Em mong muốn học 1-2 năm tại trường, sau đó chuyển tiếp học ở nước ngoài thì có lựa chọn nào?”.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư giải đáp: “Điều kiện đầu tiên các bạn phải tốt nghiệp THPT. Sau khi có kết quả và các trường nhập dữ liệu trúng tuyển sớm, các em phải vào cổng thông tin đặt nguyện vọng trúng tuyển sớm đó thành nguyện vọng 1. Trúng tuyển sớm có điều kiện giai đoạn này chỉ mới đi được 50% quy trình, các em phải đăng ký ngành đã trúng tuyển lên cổng thông tin của Bộ thì mới chắc chắn đậu. Sau đó, các em tiến hành thủ tục xác nhận nhập học trực tuyến và trực tiếp”. Thạc sĩ Tư thông tin thêm năm 2024 trường có học bổng tài năng cho tất cả các ngành. Thí sinh đạt 27 điểm học bạ trở lên sẽ được 100% học bổng, 25 điểm thi THPT cũng sẽ được học bổng 100%.
“Khi các em trúng tuyển sớm, muốn trúng tuyển chính thức, cần lưu ý đăng ký lên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT. Các em cũng nên nhìn lại các nguyện vọng đã trúng tuyển, suy nghĩ nghiêm túc xem mình đã thực sự phù hợp và đúng mong muốn chưa. Thời điểm này cũng nên tìm hiểu thêm về trường, ngành học, cuộc sống của tân sinh viên để không bỡ ngỡ”, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Thiên Thư nhấn mạnh.
Học chương trình chuẩn Nhật Bản, có cần phải biết trước tiếng Nhật?
Bạn đọc Tấn Phong (Đồng Tháp), gửi câu hỏi đến chương trình: ”Ngành luật kinh tế tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM chương trình đại trà và chuẩn Nhật Bản có gì khác nhau? Điều kiện đầu vào của chương trình chuẩn Nhật Bản có cao hơn không, người học có cần biết tiếng Nhật trước khi theo học ĐH không?”.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương giải đáp: ”Bên cạnh ĐH chính quy, Hutech có 3 chương trình đặc biệt trong đó có chương trình Nhật Bản. Sau khi trúng tuyển vào trường, thí sinh có thể đăng ký vào các chương trình này với các ngành luật, kinh doanh quản lý, công nghệ… Các em được đào tạo tăng cường về Nhật ngữ: giao tiếp, ngữ pháp, cách sử dụng tiếng Nhật trong môi trường kinh doanh, văn hóa, phong tục tập quán của Nhật để vừa có chuyên môn vừa có ngôn ngữ. Nếu biết trước tiếng Nhật sẽ là một lợi thế, tuy nhiên nếu chưa không biết các em vẫn có thể học khi vào trường”.
Điểm chuẩn ở mức nào?
Gửi câu hỏi đến chương trình, rất nhiều thí sinh muốn biết về mức điểm chuẩn năm nay của các trường theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư cho hay khi bộ GD-ĐT công bố phổ điểm, các trường sẽ dựa vào đó để phân tích và dự đoán, đưa ra điểm sàn xét tuyển. Với mức độ đề thi năm nay, điểm chuẩn có thể sẽ không chênh lệch nhiều so với năm 2023. Với những ngành không ”hot” thì có thể chênh lệch 2-3 điểm. Có thể xem lại điểm chuẩn những năm trước để tham khảo.
Còn thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương giải thích điểm chuẩn được xác định dựa vào nhiều chỉ tiêu, phổ điểm thí sinh đăng ký… Thời điểm này chưa thể dự đoán. Tuy nhiên thạc sĩ Phương cũng nhận xét có thể năm nay điểm chuẩn không thay đổi, nếu có sẽ tập trung vào những ngành ”hot”. ”Các em nên xem điểm chuẩn của ngành học tại trường mình muốn học ở các năm trước. Nếu cảm thấy điểm mình khó đạt thì các em có thể lựa chọn những ngành gần nhưng có điểm chuẩn thấp hơn”, thạc sĩ Phương đưa ra lời khuyên.
Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Thiên Thư nhận định độ phân hóa đề thi năm nay vẫn như 2023. Nhiều ngành học có thể vẫn giữ nguyên điểm chuẩn. Nhóm ngành thiết kế vi mạch có thể sẽ tăng nhẹ từ 0,5-1 điểm.
Ưu điểm, lợi thế của các phương thức xét tuyển
Theo thạc sĩ Cao Quản Tư, mỗi phương thức xét tuyển có ưu điểm, lợi thế khác nhau, phù hợp với từng đối tượng. Với xét tuyển sớm, thí sinh sẽ có thể chủ động các mốc thời gian theo từng trường.Thí sinh cũng được chọn nhiều trường, nhiều khung thời gian khác nhau để xét tuyển. Thí sinh xét tuyển sớm cũng được tư vấn rất kỹ về các tổ hợp xét tuyển, cơ hội nhận học bổng… Khi trúng tuyển sớm các em cũng giảm bớt áp lực khi thi tốt nghiệp. Vì thế ngày càng nhiều thí sinh lựa chọn phương thức xét tuyển sớm.
Đồng tinh, thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương cho rằng thí sinh xét tuyển sớm, khi đã trúng tuyển vào đúng ngành, trường mình yêu thích thì các em chỉ cần đăng ký làm nguyện vọng 1 lên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương cho rằng một số em vẫn có tâm lý đánh giá cao thí sinh xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Tất cả các phương thức xét tuyển đều có giá trị như nhau: chương trình học, học phí, điều kiện học tập, bằng cấp…
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Thiên Thư bổ sung: ”Lợi thế của trúng tuyển sớm là tâm lý sẽ thoải mái, bớt áp lực khi thi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, thí sinh được lựa chọn đa dạng các ngành học, trường học. Các em cũng có lợi thế về thời gian, chủ động lựa chọn thời điểm xét tuyển. Cuối cùng là lợi thế về học bổng. Tuy nhiên các em phải có kế hoạch, chiến lược, mốc thời gian phù hợp nếu xét tuyển sớm”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/diem-chuan-phuong-thuc-xet-ket-qua-thi-tot-nghiep-thpt-se-tang-hay-giam-185240702093122285.htm