Ngày 3/7, trang The East Asia Forum đăng tải bài viết của tác giả Yokia Rahmad Isjchwansyah, Đại học Paramadina, Indonesia về việc quốc gia này tăng cường hạm đội tàu ngầm nhằm bảo vệ lãnh thổ biển rộng 6,4 triệu km2 với ngân sách quốc phòng hạn chế.
Tàu ngầm lớp Scorpene mua từ Tập đoàn Hải quân Pháp sẽ góp phần bảo đảm năng lực tự vệ trên biển của Indonesia. (Nguồn: France 24) |
Vai trò chiến lược
Tác giả bài viết thông tin, sau quá trình đàm phán kéo dài và cân nhắc kỹ lưỡng, Indonesia quyết định mua 2 tàu ngầm trang bị pin lithium-ion từ Tập đoàn Hải quân Pháp vào tháng 4/2024 để tăng cường sức mạnh cho hạm đội tàu ngầm thuộc Hải quân Indonesia. Jakarta sẽ đóng các tàu ngầm lớp Scorpene cải tiến tại xưởng đóng tàu PT PAL ở Surabaya, dự kiến mất từ 5-7 năm để hoàn thành sau khi hợp đồng có hiệu lực.
Phát biểu tại Hội thảo tàu ngầm quốc tế tháng 5/2024, Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, Đô đốc Muhammad Ali cho biết, các tàu ngầm giữ vai trò chiến lược trong thế trận phòng thủ của Jakarta, sự phát triển của lực lượng tàu ngầm đóng vai trò là yếu tố thay đổi cuộc chơi và là vũ khí tối thượng nâng cao năng lực quốc phòng của nước này.
Ông Ali nhấn mạnh thời gian đóng tàu ngầm kéo dài đòi hỏi Indonesia phải sở hữu ít nhất 12 tàu ngầm tạm thời để tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu của hải quân.
Ngoài ra, các cơ sở hỗ trợ như căn cứ tàu ngầm cũng quan trọng không kém. Việc tăng cường năng lực của các căn cứ tàu ngầm ở Natuna và Palu là rất quan trọng để chuẩn bị đón các tàu ngầm mà Indonesia dự định mua. Nhìn chung, Jakarta cần hiện đại hóa hệ thống vũ khí chính và cải thiện các cơ sở hỗ trợ hải quân nhằm duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển rộng lớn.
Khuyết điểm về cứu hộ
Theo tác giả bài viết, một trọng tâm khác là tàu cứu hộ tàu ngầm. Jakarta chưa đáp ứng tốt yếu tố này dù việc mua sắm tàu cứu hộ tàu ngầm hiện đang xử lý theo thỏa thuận vay từ Bộ Tài chính. Indonesia cần có phương tiện sơ tán hiệu quả thủy thủ đoàn tàu ngầm trong trường hợp khẩn cấp hoặc tai nạn, cũng như không phụ thuộc vào hỗ trợ từ nước khác. Kể từ năm 1901, có khoảng 170 vụ tai nạn tàu ngầm, trong đó có 7 tàu ngầm được tuyên bố mất tích kể từ năm 1981.
Vụ chìm tàu ngầm tấn công KRI Nanggala (402) bi thảm ở vùng biển Bali năm 2021 – cướp đi sinh mạng của toàn bộ 53 thủy thủ đoàn trên tàu – là đòn giáng mạnh vào hải quân Indonesia, buộc nước này chú trọng nâng cao năng lực cứu hộ. Trong quá trình tìm kiếm và sơ tán KRI Nanggala (402), Singapore, Malaysia và Ấn Độ đã hỗ trợ Jakarta.
Tác giả bài viết cho rằng, ở Đông Nam Á, chỉ có Singapore, Malaysia và Việt Nam có khả năng cứu hộ tàu ngầm. Mỗi bên đều có một tàu cứu hộ để hỗ trợ hoạt động tàu ngầm. Malaysia có sẵn năng lực cứu hộ dù chỉ vận hành 2 tàu ngầm. Do đó, lý tưởng nhất là Indonesia có ít nhất 3 đơn vị tàu cứu hộ tàu ngầm đồn trú tại các căn cứ, điều này cực kỳ quan trọng do lãnh thổ hàng hải của nước này có diện tích 6,4 triệu km2.
Trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang, Jakarta cần sẵn sàng tự vệ bằng cách trang bị tốt lực lượng quốc phòng. Song việc này đang bị cản trở do ngân sách quốc phòng ít ỏi, dao động từ 0,7-0,8% GDP. Trong khi đó, hầu hết các quốc gia khác chi khoảng 2% GDP cho quốc phòng.
Jakarta phải thận trọng sử dụng ngân sách tăng cường thế trận quốc phòng. Với ngân sách hạn chế, Indonesia có thể cân nhắc mua tàu ngầm tạm thời và tàu cứu hộ tàu ngầm bằng cách sử dụng chương trình vay nước ngoài, đồng thời tính toán tài chính cẩn thận để tránh hy sinh những ưu tiên chính sách khác.
Nguồn: https://baoquocte.vn/ta-u-nga-m-cong-cu-dac-luc-trong-the-tran-pho-ng-thu-cu-a-indonesia-277480.html