Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra từ ngày 3-4/7 tại Astana (Kazakhstan) với chủ đề “Tăng cường đối thoại đa phương – theo đuổi hòa bình và phát triển bền vững”.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại thủ đô Astana, Kazakhstan. (Ảnh: Akorda) |
Lãnh đạo 15 nước, gồm thành viên SCO, các nước quan sát viên và đối tác đối thoại tham dự Hội nghị. Ngoài sự hiện diện của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin còn có Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan… Đáng chú ý, Thủ tướng Ấn Độ, nước chủ nhà SCO 2023 vắng mặt tại Thượng đỉnh lần này, thay vào đó là sự hiện diện của Ngoại trưởng S. Jaishankar.
Chào đón thành viên thứ 10
Được thành lập ngày 15/6/2001, SCO là tổ chức chính trị, kinh tế và an ninh Á – Âu với sáu nước sáng lập gồm Trung Quốc, Nga, Kzakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Năm 2017, trong Hội nghị thượng đỉnh cũng tại Astana, Ấn Độ và Pakistan trở thành thành viên chính thức. Năm 2023, SCO chính thức kết nạp Iran. SCO hiện chiếm một nửa dân số thế giới và gần một phần ba GDP toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh năm nay chứng kiến sự mở rộng mới với việc Belarus trở thành thành viên thứ 10 của SCO. Như vậy, SCO sẽ bao trùm một khu vực từ châu Âu và Trung Đông đến Nam Á và Đông Á. Việc mở rộng thành viên SCO một mặt giúp tiếp tục đa dạng hóa thành phần địa chính trị, nâng cao vị thế của SCO với tư cách đại diện đa phương cho trật tự thế giới mới do Trung Quốc và Nga đang thúc đẩy. Song mặt khác, việc mở rộng SCO cũng khiến nhiều nhà bình luận quan ngại rằng các giá trị nền tảng của tổ chức có thể bị phai nhạt.
Tập trung vào điểm nóng
Hội nghị thượng đỉnh năm nay diễn ra vào thời điểm quan trọng khi SCO đang muốn tìm cách mở rộng ảnh hưởng và giải quyết các vấn đề cấp bách trong khu vực và toàn cầu. Tổng thống nước chủ nhà Kassym-Jomart Tokayev chia sẻ chương trình nghị sự của hội nghị phản ánh một trong những mục tiêu chính của tổ chức, đó là đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển ổn định ở khu vực.
Về an ninh, hiện nay, một số nước thành viên SCO có liên quan các điểm nóng bị ảnh hưởng bởi những bất ổn quân sự. Bởi thế, chương trình nghị sự của hội nghị tập trung tìm cách thúc đẩy an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Hội nghị đồng thời kêu gọi đối thoại toàn cầu trung thực, cởi mở, áp dụng mô hình an ninh mới và đảm bảo vai trò và tăng cường tiếng nói của các nước đang phát triển trên cơ sở tôn trọng, bình đẳng, công bằng và hợp tác cùng có lợi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh SCO ngày 3/7. (Nguồn: Reuters) |
Về kinh tế, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa, SCO đang muốn thúc đẩy một khu vực thương mại tự do rộng lớn hơn nhằm mang lại lợi ích cho tất cả các nước tham gia. Hội nghị kêu gọi tăng cường phối hợp giữa các thành viên chủ chốt trong SCO và các đối tác nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại thông qua các sáng kiến hợp tác nhằm giảm bớt rào cản thương mại, hài hòa hóa các quy định và thúc đẩy đầu tư giữa các nước thành viên.
Đồng thời, hội nghị thảo luận về việc tạo ra một nền tảng cho các ngân hàng phát triển quốc gia và khu vực đồng tài trợ cho các dự án trong lĩnh vực hạ tầng, hoặc thành lập ngân hàng phát triển SCO nhằm bổ sung cho nỗ lực của các tổ chức phát triển khác trong thu hẹp khoảng cách cơ sở hạ tầng Á – Âu.
Tăng tốc BRI và giao dịch nội tệ
Các biện pháp để tăng cường giao dịch bằng đồng nội tệ giữa các nước thành viên cũng là một ưu tiên trong chương trình nghị sự về kinh tế. Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) được coi là động lực kinh tế quan trọng trong tổ chức và là khuôn khổ quan trọng giúp tăng cường kết nối và hợp tác kinh tế.
Về phát triển bền vững, hội nghị dự kiến thông qua các tài liệu quốc tế trong lĩnh vực sinh thái, bảo vệ các vùng lãnh thổ tự nhiên, du lịch sinh thái và chống biến đổi khí hậu mà Kazahstan, nước chủ tịch SCO năm nay, đã xây dựng. Theo đề xuất của Kazakhstan, năm 2024 được tuyên bố là Năm sinh thái của SCO.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các nước SCO cũng thảo luận về hoạt động hợp tác khoa học – công nghệ và tăng cường trao đổi văn hóa và giáo dục. Việc điều hướng thành công các lĩnh vực này sẽ định vị SCO là một tổ chức có ảnh hưởng và thúc đẩy sự gắn kết, có khả năng giải quyết các thách thức và cơ hội phức tạp của thế kỷ XXI.
Sau Hội nghị thượng đỉnh Astana, Trung Quốc sẽ đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của SCO giai đoạn 2024-2025.
Nguồn: https://baoquocte.vn/sco-mo-rong-khong-gian-gia-tang-anh-huong-277434.html