Ngày 3-7, giá vàng miếng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (công ty SJC) niêm yết ở mức 74,98 triệu đồng/lượng mua vào và 76,98 triệu đồng/lượng bán ra. Đây cũng là giá bán của 4 ngân hàng (NH) thương mại quốc doanh gồm Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank.
Nhà đầu tư… bắt đầu chán vàng
Như vậy, đúng 1 tháng từ ngày NH Nhà nước triển khai bán vàng miếng SJC thông qua công ty SJC và 4 NH thương mại Nhà nước, giá loại vàng này đã giảm rất sâu so với mức đỉnh hơn 92 triệu đồng/lượng được thiết lập hồi tháng 5-2024, chênh lệch với giá vàng thế giới cũng thu hẹp chỉ còn khoảng 5 triệu đồng/lượng. Giá cả không còn biến động hàng triệu đồng mỗi ngày như trước, người dân cũng không chen nhau xếp hàng để mua gom hàng chục lượng vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ.
Một lãnh đạo cao cấp của NH Nhà nước cho biết 1 tháng qua cơ quan này đã bán ra thị trường hàng trăm ngàn lượng vàng SJC, giúp thu hẹp đáng kể so với vàng thế giới. Theo vị lãnh đạo này, thời gian tới, NH Nhà nước sẽ tiếp tục giải pháp bán vàng như hiện nay để đáp nhu cầu của người dân và ổn định thị trường.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện các NH Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank cho hay hiện vẫn còn nhiều khách hàng đăng ký mua vàng trực tuyến nhưng số lượng không còn quá lớn như vài tuần trước. Thậm chí có nhiều khách hàng đăng ký mua thành công nhưng không đến theo lịch hẹn để thanh toán và nhận vàng. Nhân viên NH liên lạc hối thúc nhưng không có ai nhấc máy.
Thực tế, việc giá vàng đi ngang suốt nhiều tuần, muốn mua với số lượng nhiều để chờ giá lên cũng không dễ khiến nhiều người chán nản, không còn để ý đến kênh đầu tư này nữa. “Tôi muốn mua vài lượng vàng miếng để dành khi thấy giá từ 92 triệu đồng giảm xuống còn 76,98 triệu đồng vài tuần qua nhưng đăng ký online không được nên quyết định tiếp tục gửi tiết kiệm” – anh Nhật Thanh (ngụ quận Phú Nhuận) nói.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương nhận định việc nhiều nhà đầu tư đang chán vàng là có thật. Bởi suốt gần 1 tháng qua, giá vàng miếng SJC “bất động”. Không chỉ những người mua để dành mà các nhà đầu tư lâu nay có thói quen đầu cơ, “lướt sóng” vàng cũng không thể thực hiện được nữa. “Giải pháp ổn định thị trường vàng miếng và thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới của NH Nhà nước tính đến thời điểm này đã phát huy hiệu quả” – chuyên gia này nhìn nhận.
PGS-TS Nguyễn Thị Mùi – thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia – cũng cho rằng NH Nhà nước đã thành công trong việc kéo được giá vàng SJC đi xuống. “Mục tiêu đặt ra của NH Nhà nước đã đạt được nhưng chỉ là thành công bước đầu, thời gian tới cần sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để bảo đảm thị trường vận hành ổn định hơn” – bà Mùi nói.
GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, cũng đánh giá nỗ lực của NH Nhà nước trong việc kiểm soát giá vàng, không để cho một nhóm đối tượng nào lũng đoạn thị trường.
Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), nhận xét việc NH bán trực tiếp vàng miếng cho người dân giúp thu hẹp được chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu Nhà nước không khuyến khích người dân nắm giữ vàng thì không nên đưa giá vàng trong nước xuống ngang hoặc sát với giá thế giới mà nên có một khoảng cách chấp nhận được.
Như thế, người dân nhận thấy mua vàng là có rủi ro, từ đó làm giảm nhu cầu về vàng. Đồng thời, khi sửa Nghị định 24 có thể cân nhắc quy định khi giá vàng trong nước chênh lệch giá thế giới 10%, NH Nhà nước được phép can thiệp.
Vẫn còn một số vấn đề
Cũng liên quan đến thị trường vàng, tại hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm, dự báo cả năm 2024 do Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính phối hợp Viện Kinh tế – Tài chính tổ chức ở Hà Nội ngày 3-7, PGS-TS Võ Thị Vân Khánh (Học viện Tài chính) nhìn nhận việc NH Nhà nước đã mạnh dạn thay đổi cách thức cung vàng ra thị trường, thay vì đấu giá vàng nhiều nghịch lý và bất cập thành cho phép các NH thương mại Nhà nước bán vàng SJC trực tiếp cho người mua với giá thấp dần. Đây là hướng đi đúng và mới, nhờ đó đã giúp giảm nhanh động lực đầu cơ và thu hẹp nhanh sự chênh lệch giá trong nước và nước ngoài, giá vàng miếng và vàng nhẫn, cũng như giữa các thương hiệu vàng khác nhau.
PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhận định biện pháp can thiệp quyết liệt của NH Nhà nước đã mang lại hiệu quả, thu hẹp được chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số vấn đề cần được xem xét, như trên thị trường vàng hiện tồn tại 2 loại giá: Giá vàng ở chợ đen cao hơn giá của các đơn vị bán vàng bình ổn đến khoảng 3-4 triệu đồng/lượng. Đơn cử như ngày 29-6, tại Hà Nội giá mua vàng miếng SJC các cửa hàng kinh doanh vàng bạc chợ đen với giá 79,5 triệu đồng/lượng, trong khi giá mua vào của công ty SJC chỉ 74,98 triệu đồng/lượng.
Như vậy, giá mua vàng ở chợ đen đang cao hơn thị trường chính thống tới hơn 4 triệu đồng/lượng. Vì vậy đã không tránh khỏi tình trạng “cò” vàng và nhiều người xếp hàng mua vàng giá bình ổn để bán ra ngoài thị trường, hưởng chênh lệnh. Điều này gây bất ổn cho thị trường.
Cũng theo PGS-TS Ngô Trí Long, giải pháp hiện nay chưa giải quyết thỏa đáng nhu cầu vàng của người dân. Bởi, giá vàng thế giới được dự báo vẫn còn trong xu hướng tăng, trong nước lại đang tồn tại thị trường “hai giá”, các kênh đầu tư khác chưa thực sự hấp dẫn bằng kênh đầu tư vàng. “Nếu sử dụng biện pháp này lâu dài, người dân có thể lại đổ xô mua vàng, tiền không được đưa vào sản xuất – kinh doanh mà nằm chết trong vàng, sẽ khó chống được vàng hóa” – ông Long lo ngại.
Để bình ổn thị trường vàng, chuyên gia này cho rằng trước hết cần thay đổi nhận thức và tư duy quản lý, điều hành thị trường vàng theo nguyên tắc thị trường. Cùng với đó, khẩn trương sửa đổi Nghị định số 24 để loại bỏ những bất cập hiện nay. Trả lại sản xuất, kinh doanh vàng miếng cho các doanh nghiệp. Các NH thương mại không nên đóng vai trò đầu mối kinh doanh vàng miếng mà chỉ nên triển khai các sản phẩm phái sinh, còn nếu muốn kinh doanh vàng miếng nên thành lập công ty vàng độc lập.
“Chống vàng hóa không thể bằng giải pháp hành chính mà là phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh,..) trên một trung tâm giao dịch tập trung. Do vậy, cần sớm cho phép Sở Giao dịch hàng hóa giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn như các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Các thành viên tham gia phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, được phép xuất nhập khẩu vàng” – chuyên gia này nêu quan điểm.
Ông Ngô Trí Long cũng kiến nghị tạo lập một hệ thống phân phối trên thị trường cho phép người dân ở mọi vùng miền đều có điều kiện giao dịch thuận lợi. Tạo sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, phục vụ đông đảo nhân dân từ thành thị đến nông thôn.
Giá vàng nhẫn thu hẹp với vàng miếng
Trong khi giá vàng miếng SJC “bất động” suốt nhiều tuần qua, giá vàng nhẫn trơn liên tục tăng. Hiện giá vàng nhẫn trơn và vàng trang sức được Công ty SJC, PNJ niêm yết mua vào 74 triệu đồng/lượng, bán ra 75,6 triệu đồng/lượng. Công ty Bảo Tín Minh Châu bán ra vàng nhẫn lên tới 76,18 triệu đồng/lượng, chỉ thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 800.000 đồng/lượng. Như vậy, giá vàng miếng đã thu hẹp chênh lệch với giá vàng nhẫn từ mức kỷ lục hơn chục triệu đồng. Với diễn biến này, những người có nhu cầu mua vàng để dành, có thể dễ dàng mua vàng nhẫn trơn của những thương hiệu uy tín mà không phải đăng ký mua online.
(Còn tiếp)
Nguồn: https://nld.com.vn/giai-phap-ban-vang-mieng-da-co-hieu-qua-196240703214020142.htm