Không những là làm việc bằng tri thức mà làm việc bằng trái tim
Tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội ngày 3/7, đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ đại biểu huyện Mê Linh) đã gửi câu hỏi tới Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Theo đại biểu Phạm Đình Đoàn, Đảng ta đã xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, “then chốt của then chốt”. TP Hà Nội cũng tương tự, muốn phát triển toàn diện thì nhân sự của các cấp cũng phải là những nhân sự tốt.
Nói về tinh thần, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, theo báo cáo của Sở Nội vụ Hà Nội thì chỉ số PAPI của Hà Nội đã được cải thiện đôi chút. Tuy nhiên có một số tụt hạng như chỉ số về thời gian giảm 32 bậc.
Đại biểu Đoàn băn khoăn chỉ số PAPI đánh giá trình độ cán bộ công chức ở Thủ đô ở các cấp lại thấp hơn các tỉnh thành khác.
“Thành phố của chúng ta có chương trình gì đào tạo, hay là có chỉ số gì đánh giá về cán bộ công chức, không những là làm việc bằng tri thức mà làm việc bằng trái tim hay không?”, ông Đoàn hỏi.
Trả lời đại biểu, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, nội dung được các đại biểu chất vấn là “rất trọng yếu, vừa là khâu đột phá, vừa là điểm nghẽn, cản trở sự phát triển”, nói là làm giảm niềm tin nếu không làm tốt.
Theo ông Hải, tinh thần quyết tâm, chỉ đạo của lãnh đạo TP Hà Nội là rất rõ ràng. TP Hà Nội đã ban hành đầy đủ các kế hoạch, bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là Thành ủy Hà Nội.
Từ đó kết quả phát triển kinh tế – xã hội của Hà Nội phát triển; nhiều nội dung mới, nội dung lớn Hà Nội đã hoàn thành. 3 nội dung rất lớn liên quan sửa đổi Luật Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô, triển khai đường Vành đai 4.
“Đây là những việc mới, việc khó, nhưng với tinh thần cải cách hành chính, tinh thần đổi mới, rõ ràng nó đã được đo đếm bằng kết quả cụ thể”, ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, qua phản ánh của các đại biểu ở một số nội dung cụ thể hoặc ở các chỉ số, vẫn còn hạn chế, Hà Nội cũng đã họp, đánh giá, phân tích kỹ các chỉ số liên quan. Có những chỉ số Hà Nội tăng lên nhưng tăng chậm hơn so với địa phương khác, có chỉ số giảm.
Quan điểm chỉ đạo của Hà Nội là phải đo lường được, hướng tới không phải chỉ đến cuối năm mới đo đếm và xác định chỉ số. Nếu thời gian thực theo tuần, tháng, quý mà đo đếm được là công khai.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội bật mí đây là cách làm của Hà Nội trong thời gian tới để từng đơn vị, từng sở ngành, địa phương “nhìn được mình đang đứng ở đâu”, so sánh với các đơn vị khác để cùng phấn đấu.
Gặp chuyên viên khó hơn gặp giám đốc
Về việc cán bộ phải làm bằng trái tim như đại biểu nêu, ông Hà Minh Hải cho biết, Hà Nội xác định, phương châm làm việc là thượng tôn pháp luật, nhưng phải luôn luôn lắng nghe và thái độ phục vụ.
Tức là đã là công chức thì phải xác định làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Nhưng phải luôn luôn lắng nghe vì trong thực tiễn có rất nhiều vấn đề vướng mắc và bất cập, cần thiết phải lắng nghe để bổ sung, hoàn thiện, đề xuất.
“Và quan trọng hơn nữa là tinh thần và thái độ phục vụ. Nếu chúng ta làm bằng tình thần, thái độ, bằng trái tim thì chắc chắn hiệu quả, chất lượng công việc, đặc biệt là niềm tin, sự ghi nhận, sự hài lòng của người dân đối với hệ thống rất tốt”, ông Hải nói.
Làm rõ hơn thông tin liên quan vấn đề được đại biểu Đoàn nêu, ông Vũ Đức Bảo – Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, liên quan công tác cán bộ, đào tạo, “cán bộ Hà Nội không phải kém hơn so với các tỉnh, mà năng lực, trình độ hơn hẳn”.
Theo ông Bảo, với diện cán bộ thuộc Ban thường vụ Thành ủy quản lý, Ban Thường vụ Thành uỷ từ đầu nhiệm kỳ đến nay rất quan tâm đến các vị trí chủ chốt, người đứng đầu.
“Ví dụ chưa hết nhiệm kỳ đã thay 3 đồng chí giám đốc, trưởng các ngành chủ chốt… Có đồng chí 8 tháng, có đồng chí 1 năm, có đồng chí hơn 1 năm. Như vậy rõ ràng công tác cán bộ ở đây được quan tâm và xem xét trách nhiệm những đồng chí không đáp ứng được yêu cầu công việc”, đại biểu Bảo nói.
Theo ông Bảo, vấn đề còn lại là trách nhiệm các cơ quan tham mưu chuyên môn, trong đó là người đứng đầu các sở, ngành thành phố.
Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội đề nghị, các thủ trưởng các ngành, chủ tịch các quận, huyện, địa phương phải kiểm soát công việc của mình theo trách nhiệm người đứng đầu. Cùng với đó cần quan tâm đến đội ngũ trưởng, phó phòng và cán bộ tham mưu.
“Có doanh nghiệp nói là gặp trưởng, phó phòng, chuyên viên khó hơn gặp giám đốc”, ông Bảo dẫn chứng.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ha-noi-co-doanh-nghiep-phan-anh-gap-truong-pho-phong-kho-hon-gap-giam-doc-so-192240703144714534.htm