Tháng 9-1966, Oliver Stone rút khỏi Đại học Yale lần thứ hai, không thể nào quay lại. Bản thảo tự truyện đầu tay bị từ chối. Trái tim tan vỡ, ở tuổi 21, ông quyết định đến Việt Nam với tư cách bộ binh Mỹ.
“Để tham gia vào cuộc chiến của thế hệ tôi” – Oliver Stone viết như vậy.
Nhưng lý do cá nhân của ông sâu xa hơn. Sau khi bỏ Yale, ước mơ làm tiểu thuyết gia nhưng nhận thất bại đầu đời, ông không đủ can đảm tự kết liễu đời mình. Và ông đến Việt Nam là để Chúa làm thay điều đó. Tháng 4-1967, ông “tình nguyện nhập ngũ”, đến Việt Nam vào ngày 15-9-1967.
Chiến tranh không huy hoàng mà là sự khiếp đảm và nỗi kinh hoàng sâu sắc.
“Một trận chiến suốt đêm, với đạn pháo, máy bay pháo kích, đạn cháy, bom rơi không bao giờ ngớt – không một lần, từ nửa đêm cho đến rạng sáng.
Và trong ánh sáng chớp lóe của những vụ nổ đó, tôi nhìn thấy những thi thể cuối cùng biến thành những xác chết cứng đờ, chúng có thể đã được điêu khắc bởi Michelangelo”.
“Sức mạnh như thế, thật nhiều cái chết ở một nơi cùng một lúc. Không bao giờ lãng quên” – Stone viết trong cuốn hồi ký Đuổi theo ánh sáng (Chasing the light).
Việt Nam trong cuộc đời một đạo diễn Mỹ
Chỉ sau hơn một năm, vào tháng 11-1968, Oliver Stone đã rời Việt Nam. Khi đó ông mới gần 23 tuổi nhưng trở nên sống không có mục đích, chìm đắm trong chất gây ảo giác và sự cô đơn, bị bỏ tù rồi bị truy tố tội buôn lậu liên bang…
Ông thích giữ mình không tỉnh táo để không phải cảm thấy đau khổ gì sau chuỗi ngày chứng kiến nhiều cái chết đến nỗi nghĩ rằng “Không ai buộc phải chứng kiến nhiều cái chết đến như vậy”.
Stone không tin mình bị “rối loạn căng thẳng sau sang chấn” – PTSD, thứ truyền thông Mỹ cứ nói ra rả sau cuộc chiến, nhưng ông nổi cơn thịnh nộ mỗi khi có ai nhắc về chiến tranh và Nixon, tổng thống Mỹ vừa được bầu, đang tiếp tục cuộc chiến.
Hoang tưởng, bị cô lập và mông lung về tương lai, Stone mua vài cuốn sách dạy viết kịch bản phim vì tò mò. Từng thất bại với văn chương, ông tính thử viết kịch bản xem sao.
Cú rẽ hướng đó thay đổi cuộc đời Oliver Stone
Tất nhiên với điện ảnh khó có thành công từ những nỗ lực đầu tiên. Kịch bản đầu tiên của Stone tên là Break (tạm dịch trong sách: Giác ngộ), nhưng chẳng bao giờ được làm phim.
Kịch bản viết về chiến tranh Việt Nam theo cách hình tượng và ngụ ngôn hóa nó, với nhân vật chính là một người trẻ nổi loạn, gần giống như Avatar của James Cameron sau này.
Nhận thức bản thân chưa đủ trình độ, Stone đi học ở trường điện ảnh, nơi ông làm bộ phim ngắn đầu tay của mình có tên là Last year in Vietnam (Năm cuối cùng ở Việt Nam).
Phim kể về một cựu binh trẻ sống cô độc ở New York, gói ghém tất cả kỷ vật và ký ức nặng nề về Việt Nam trong một chiếc túi nhỏ.
“Một phần của tôi đã chết ở Việt Nam”
Từng trang, từng trang một trong cuốn hồi ký Đuổi theo ánh sáng, Oliver Stone – một đạo diễn, biên kịch kiêm nhà sản xuất phim lừng danh tại Mỹ, nay 78 tuổi – công nhận tầm ảnh hưởng của Việt Nam đối với cuộc đời và sự nghiệp của mình.
Cuốn sách có nhiều trang viết thực sự khó nhọc với người đọc, khi Stone kể về những trải nghiệm ở Việt Nam.
Không một trải nghiệm nào trong số này là tươi sáng và mang lại cho người ta hy vọng sống.
Ông day dứt sâu sắc vì cách lính Mỹ đối xử với những người dân thường tội nghiệp ở Việt Nam: những cuộc thảm sát, những lúc điên lên thì rút súng bắn vô tội vạ.
Bản thân Stone cũng từng phát điên vì mệt mỏi và đe dọa một lão nông người Việt bằng cách bắn nhiều phát súng cảnh báo, nhưng ông dừng lại ở giới hạn cuối cùng: không giết dân thường.
Hay khi ông ngăn cản ba lính Mỹ cưỡng hiếp hai cô gái Việt còn ở tuổi thiếu niên.
“Có những ranh giới mỏng manh nhất ngăn cản tôi, sợi chỉ nhân đạo mỏng manh nhất trong tôi không thể đứt” – vị đạo diễn thừa nhận.
Một năm trong chiến tranh, cả đời để chữa lành. Stone viết: “Một phần của tôi đã tê liệt ở đó… đã chết ở Việt Nam, bị sát hại”. Về Mỹ, ông không thực sự tỉnh thức cho mãi đến khi 30 tuổi, năm 1976.
Trong thời gian hoàn thành kịch bản Platoon (Trung đội) – về sau trở thành bộ phim đoạt 4 giải Oscar vào năm 1987, Stone đã sống lại với những ký ức về Việt Nam để đối diện với quá khứ.
Oliver Stone sinh năm 1946. Ông là nhà làm phim gây tranh cãi nhưng cũng có rất nhiều thành tựu, từng đoạt vô số giải thưởng trong đó có Oscar, BAFTA, Primetime Emmy và Quả cầu vàng.
Các bộ phim nổi tiếng nhất của Oliver Stone là Platoon (Trung đội) – giúp ông giành giải Oscar Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc; Sinh ngày 4-7 (Born on the Fourth of July) – giành giải Oscar Đạo diễn xuất sắc; Midnight Express – đoạt giải Oscar Kịch bản xuất sắc.
Ông còn là đạo diễn của Salvador, Wall Street, Wall Street: Money Never Sleeps, JFK, Nixon, Snowden… và là biên kịch của Scarface, Evita…
Nguồn: https://tuoitre.vn/vi-sao-dao-dien-lung-danh-oliver-stone-khong-bao-gio-quen-duoc-viet-nam-2024070310170364.htm