Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố trong báo cáo thường niên Top 10 công nghệ mới nổi kết hợp với nhà xuất bản nghiên cứu Frontiers, dựa trên những hiểu biết sâu sắc từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và nhà tương lai học toàn cầu.
“Báo cáo xác định, các công nghệ có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến xã hội và nền kinh tế, nêu bật những công nghệ có tiềm năng to lớn trong việc cách mạng hóa kết nối, giải quyết những thách thức cấp bách củabiến đổi khí hậu và thúc đẩy đổi mới trên nhiều lĩnh vực khác nhau”, Jeremy Jurgens – Giám đốc điều hành của WEF và là người đứng đầu Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cho biết.
Đầu tiên là dữ liệu tổng hợp – công nghệ tăng cường quyền riêng tư lặp lại các mẫu trong dữ liệu nhưng không chứa thông tin có thể liên kết với cá nhân hoặc nhóm. Nó vẫn có thể được sử dụng để chia sẻ dữ liệu, điều này rất quan trọng đối với các nhà khoa học, mà không làm ảnh hưởng đến dữ liệu của cá nhân. Kế tiếp là bề mặt thông minh có thể tái cấu hình. Với công nghệ này, các bề mặt như tường hoặc gương có thể được biến thành các thành phần để tăng cường giao tiếp không dây. Nó cũng có thể làm cho mạng không dây tiết kiệm năng lượng hơn.
Tiếp theo là hệ thống nền tảng tầm cao (HAPS), có thể được sử dụng để cung cấp kết nối băng thông rộng cố định ở các vùng nông thôn. Chúng hoạt động ở độ cao khoảng 20km so với trái đất, thường ở dạng khinh khí cầu, phi thuyền hoặc máy bay cánh cố định và có thể vượt qua khả năng kết nối của vệ tinh và tháp mặt đất. WEF cho biết, cơ sở hạ tầng đổi mới của HAPS có thể mang lại khả năng truy cập Internet cho hơn 2,6 tỷ người ở 100 quốc gia, tạo cơ hội cho giáo dục và tăng trưởng kinh tế. Hệ thống cảm biến và truyền thông tích hợp (ISAC). Các thiết bị cảm biến và truyền thông có một số chức năng chồng chéo ISAC kết hợp các khả năng này trong một hệ thống duy nhất, có thể thu thập và truyền dữ liệu đồng thời, giúp tiết kiệm chi phí và năng lượng hơn. ISAC có thể được sử dụng trong các ứng dụng thực tế như quy hoạch đô thị, bảo tồn môi trường và giám sát chất lượng không khí và nước; công nghệ thực tế ảo cho xây dựng.
Thực tế ảo và thực tế tăng cường kết hợp với sức mạnh tính toán và AI có thể cải thiện các công cụ có thể đóng vai trò trong tương lai xanh hơn; vật liệu đàn hồi được mô tả là “cung cấp năng lượng cho hệ thống nhiệt hoạt động giống như cơ bắp”, chất đàn hồi calo có thể là một cách bền vững hơn để giữ mát, có thể được sử dụng để làm mát ở những khu vực có cơ sở hạ tầng lưới điện hạn chế hoặc không có. Hệ thống vi khuẩn thu giữ carbon. Các sinh vật như tảo có thể “ăn” carbon thông qua quá trình quang hợp. Đây là một cách mà vi khuẩn thu giữ carbon. CO2 sau đó được chuyển đổi thành các sản phẩm mới như nhiên liệu sinh học hoặc thậm chí là thức ăn chăn nuôi; thức ăn protein thay thế.
Báo cáo cho biết, protein có nguồn gốc từ tế bào đơn, chẳng hạn như tảo, có thể bền vững và khả thi hơn thức ăn chăn nuôi truyền thống, đặc biệt là khi nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng lên. Hệ thống cấy ghép nội tạng biến đổi gene. Công cụ chỉnh sửa bộ gene CRISPR-Cas9 là một công nghệ mà các nhà khoa học rất hào hứng. Công cụ này rẻ hơn và nhanh hơn các công nghệ chỉnh sửa DNA khác và có thể giúp đáp ứng nhu cầu cấy ghép nội tạng đang tăng cao.
LAM ĐIỀN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nhung-cong-nghe-giai-quyet-thach-thuc-moi-post747284.html