Lương hưu, trợ cấp mới từ tháng 7 tăng 15% so với tháng 6/2024. Như vậy, mức lương hưu, trợ cấp của tháng 7 = Mức lương hưu hằng tháng của tháng 6 x 1,15.
Theo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, với người đang hưởng trước 1/1/1995, sau khi điều chỉnh 15% mà có mức hưởng thấp hơn 3,5 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm.
Theo đó, tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3,2 triệu đồng/người/tháng; tăng lên bằng 3,5 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/người/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sẽ có hơn 3,3 triệu người được điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp hằng tháng.
Dự kiến, kinh phí tăng thêm để chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng trong 6 tháng cuối năm 2024 từ ngân sách Nhà nước khoảng 3.700 tỷ đồng và từ Quỹ bảo hiểm xã hội là hơn 12.500 tỷ đồng. Tổng kinh phí dự kiến để tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng 6 tháng cuối năm 2024 là hơn 16.200 tỷ đồng.
Như vậy, từ năm 1995 đến nay, nước ta tiến hành 24 lần điều chỉnh lương hưu. Sau nhiều lần điều chỉnh, mức lương của người nghỉ hưu hiện nay đã tăng từ 21 đến 26 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 1995.
Người có lương hưu cao nhất là ông P.P.N.T. ở TPHCM với số tiền nhận về từ tháng 7 khoảng 161 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 21 triệu đồng so với mức nhận tháng 6.
Số tiền lương hưu hằng tháng thấp nhất của người thụ hưởng hiện nay là 2,34 triệu đồng/người/tháng (do lương cơ sở từ tháng 7 là 2,34 triệu đồng), trừ đối tượng là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/cach-tinh-luong-huu-tro-cap-tu-thang-7-khi-muc-tang-15-20240702101455990.htm