Kể cả qua ngàn năm hay cả ngàn năm nữa, Hà Nội 36 phố phường vẫn gắn với lịch sử phát triển của mảnh đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến.
Vẫn còn đó cảnh buôn bán trên phố phường nhộn nhịp, giống như ý nghĩa tên của chúng từ ngày xưa.
Hà Nội có nhiều tên phố bắt đầu bằng từ “Hàng”. Tiếp đó là một từ chỉ một nghề nghiệp nào đó như Hàng Tre, Hàng Bạc, Hàng Thiếc, Hàng Mã , Hàng Chiếu…
Sử sách ghi lại, khi nhà Lý dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, Hà Nội chưa có phố. Nơi đây mới chỉ là các làng, mà từ làng lên phố là sự biến đổi diễn ra rất nhanh.
Trong lần đô thị hóa thứ nhất, Hà Nội trở thành kinh đô. Vì vậy một vòng xung quanh Thăng Long có rất nhiều các làng nghề xuất hiện như ở Sơn Tây, Thường Tín, Phú Xuyên, Trạch Xá, Hưng Yên, Hải Dương…
Họ là những người cùng làng, cùng họ, cùng buôn bán các mặt hàng khác nhau. Hà Nội xưa trên bản đồ của những năm 1770 của thế kỷ 18, của năm Gia Long thứ 9 (năm 1810), ta vẫn thấy sông Hồng nối dòng chảy vào Hồ Gươm.
Hồ là nhánh cụt của sông. Cũng như thời xưa đó còn sông Tô Lịch chảy vào sông Hồng, nối vào Hồ Tây, nối với sông Thiên Phù, rồi xuôi theo dòng chảy hòa vào sông Nhuệ. Ngày xưa, sông Hồng vẫn đỏ phù sa, còn sông Tô trong xanh, thuyền bè xuôi ngược.
Các thuyền buôn có thể vào giữa phố để buôn bán trao đổi, khiến các phố nghề càng phát triển. Như phố Mã Mây cổ bao gồm hai phố: phố Hàng Mã và phố Hàng Mây. Đoạn phố Hàng Mây nằm giáp phố Hàng Buồm, trên bờ sông Nhị, nơi tập trung thuyền bè miền ngược chở các mặt hàng lâm sản như song, mây, tre, nứa…
Tạp chí Heritage