Cần cải thiện thêm về việc cập nhật thông tin bằng Tiếng Anh
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sau hơn 20 năm hoạt động và phát triển đã trở thành một kênh huy động vốn quan trọng trong nền kinh tế thị trường và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Theo báo cáo Khảo sát về hoạt động công bố thông tin (CBTT) trên thị trường chứng khoán năm 2023 của Vietstock, tỷ lệ DNNY đạt chuẩn CBTT có xu hướng tăng dần theo thời gian trong 13 năm qua (2011 – 2023).
Bên cạnh đó, chứng khoán là ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đạt chuẩn CBTT năm 2023 cao nhất thị trường. Cụ thể, ngành này có 20/25 doanh nghiệp đạt chuẩn CBTT, tương đương tỷ lệ 80%. Con số này lớn hơn rất nhiều so với ngành đứng thứ nhì là ngân hàng (tỷ lệ đạt 65%).
Phát biểu tại Hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam” do Báo Lao Động phối hợp với Bộ Tài Chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức chiều 2.7, PGS.TS.Trần Việt Dũng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng nhấn mạnh, trong năm 2022, các doanh nghiệp thường chưa đáp ứng được quy định về CBTT trên thị trường chứng khoán liên quan đến đại hội đồng cổ đông thường niên. Tuy nhiên, trong năm 2023, các lỗi liên quan đến BCTC lại áp đảo. Trong kỳ có 161 doanh nghiệp bị các cơ quan quản lý nhắc nhở hoặc xử lý vi phạm về CBTT trên thị trường chứng khoán. Về tính kịp thời, việc vi phạm các quy định trong CBTT (trễ hạn, không công bố hoặc quá hạn gửi thông tin) đang diễn ra phổ biến, với khoảng 50% số trường hợp vi phạm quy định liên quan đến CBTT.
Theo đánh giá của MSCI và FTSE, Việt Nam đã đạt được tuy nhiên vẫn cần cải thiện thêm về việc cập nhật thông tin bằng Tiếng Anh. Theo quy định hiện hành, ngôn ngữ CBTT chính thức là tiếng Việt, trong khi CBTT bằng tiếng Anh chỉ là điều kiện bắt buộc đối với Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, còn các đối tượng khác được khuyến khích và chỉ dành cho mục đích tham khảo. Nghiên cứu thị trường của World Bank cho thấy chỉ khoảng 10% trang chủ của các công ty niêm yết CBTT và BCTC bằng tiếng Anh và đa phần các công ty này là công ty vốn hóa lớn.
“Hơn nữa, hiện nay, chỉ có khoảng có 50 – 60% các doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng IFRS hoặc đang có kế hoạch chuyển đổi theo IFRS. Cùng với đó, theo khảo sát của Deloitte, trong số các doanh nghiệp hiện đang áp dụng IFRS tại Việt Nam, chỉ có khoảng 30% áp dụng đầy đủ chuẩn mực của IFRS (tất cả các nghiệp vụ kế toán được ghi nhận theo IFRS từ ban đầu), 70% còn lại chỉ thực hiện các bút toán chuyển đổi khi lập và trình bày BCTC” – ông Dũng cho biết.
Tăng cường giám sát tuân thủ và nâng cao năng lực đánh giá để thúc đẩy minh bạch thông tin DNNY
Từ những rào cản trên, PGS.TS Trần Việt Dũng cho biết để nâng cao minh bạch thông tin DNNY trong nước, điều đầu tiên là cần tăng cường việc giám sát tuân thủ và nâng cao năng lực đánh giá.
Theo đó, vai trò của việc thanh tra giám sát thị trường là rất quan trọng. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn huy động trên thị trường chứng khoán; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tăng vốn ảo và sử dụng vốn sai mục đích; thực hiện phân bảng cổ phiếu niêm yết, nâng cao điều kiện niêm yết và điều kiện duy trì niêm yết đối với cổ phiếu trong từng bảng; bổ sung các tiêu chí về quản trị công ty, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng, và tỷ lệ lợi nhuận trên quy mô vốn. Đồng thời, nâng cao khả năng phát hiện vi phạm và xử lý nghiêm theo chế tài xử phạt đối với các công ty không công bố thông tin theo quy định.
Hiện nay, một số cơ quan, tổ chức tại Việt Nam đã thực hiện các báo cáo đánh giá về minh bạch thông tin của các công ty đại chúng. Tuy nhiên, các báo cáo này hiện chỉ dừng lại ở một số công ty đại chúng có quy mô lớn, hoặc mới được công bố theo số liệu tổng hợp, chứ chưa có số liệu từng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chất lượng của các báo cáo cũng cần được đánh giá kỹ nếu muốn sử dụng trong công tác quản lý và giám sát thị trường. Để sử dụng hiệu quả hơn các báo cáo này, tận dụng nguồn lực chuyên gia từ các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, cần xem xét ban hành các gói thầu về đo lường minh bạch thông tin doanh nghiệp, trong đó yêu cầu cụ thể đối với năng lực nhà thầu, phương pháp thực hiện, cũng như tham khảo sự tư vấn của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới. Khi đã đảm bảo được chất lượng của việc đánh giá minh bạch doanh nghiệp, thì căn cứ vào kết quả của các báo cáo, ban hành danh sách các công ty theo các nhóm chất lượng thông tin khác nhau, và đưa vào diện giám sát đặc biệt với các công ty trong danh sách cảnh báo.
“Ngoài ra, cần cân nhắc áp dụng thẻ điểm quản trị doanh nghiệp ASEAN và tăng cường liên kết trao đổi thông tin quốc tế. Để tăng cường tính minh bạch của các công ty đại chúng, cần triển khai áp dụng Thẻ điểm quản trị doanh nghiệp ASEAN. Việc áp dụng thẻ điểm quản trị doanh nghiệp ASEAN sẽ giúp cung cấp nguồn thông tin hữu ích cho quyết định đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế, tạo động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường chất lượng quản trị theo tiêu chuẩn của khu vực, từ đó nâng cao chất lượng hàng hoá trên thị trường chứng khoán nội địa.
Bên cạnh đó, xây dựng lộ trình kết nối và trao đổi thông tin giữa thị trường chứng khoán Việt Nam và các thị trường khu vực nhằm tăng cường chất lượng công khai thông tin theo các thông lệ quốc tế cũng như nâng cao mức độ minh bạch của thị trường cũng như các chủ thể tham gia thị trường. Việc kết nối và trao đổi thông tin không chỉ bao gồm các thông tin liên quan tới giao dịch trên thị trường thứ cấp, công khai thông qua việc kết nối cơ sở hạ tầng giao dịch và thanh toán giữa các thị trường vốn thứ cấp ở trên, mà còn bao gồm thông tin về các hàng hoá trên thị trường. Những thông tin quan trọng và cần thiết công bố tài chính về tổ chức phát hành, giao dịch của cổ đông lớn, xếp hạng tín nhiệm trái phiếu… cần công khai minh bạch và kết nối giữa các thị trường theo một hệ thống tiêu chuẩn công bố đồng nhất giữa các thị trường. Điều này thể hiện sự đối xử công bằng về mặt thông tin giữa nhà đầu tư nội địa và nhà đầu tư nước ngoài của các thị trường khu vực, giúp gia tăng khả năng tiếp cận của các nhà đầu tư tới các thị trường trong khu vực. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển tự do các dòng vốn giữa thị trường vốn Việt Nam với các thị trường vốn trong khu vực” – ông Dũng nhấn mạnh.
Hơn nữa, cần đảm bảo đúng tiến độ áp dụng chuẩn mực IFRS. Tiến hành các biện pháp quyết liệt để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ VAS sang IFRS. Đặc biệt là tại các doanh nghiệp có quy mô vốn hóa vừa và nhỏ, thông qua việc tổ chức các khóa tập huấn đối với bộ phận tài chính – kế toán của công ty, ban hành sổ tay hướng dẫn công việc, thành lập các tổ tư vấn chuyển đổi IFRS dưới hình thức hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp, xây dựng tổng đài, kênh giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp được hỗ trợ kịp thời ngay khi có yêu cầu phát sinh, tránh tình trạng chậm trễ, bỏ sót, khó tiếp cận.
Việc tăng cường các chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin cũng rất quan trọng. Nhiều vi phạm của các doanh nghiệp về công bố thông tin, đặc biệt là thông tin tài chính vẫn chưa suy giảm và không cải thiện nhiều từ năm này sang năm khác. Theo đó, cần công bố thật rộng rãi, đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua phương tiện truyền thông để các công ty niêm yết hiểu rõ và nắm đầy đủ hơn các biện pháp chế tài để họ phải nghiêm túc tuân thủ quy định. Đồng thời đưa ra các quy định cụ thể về việc xử phạt các vi phạm liên quan đến vấn đề công bố thông tin tài chính như nộp BCTC trễ, sự chính xác về chênh lệch kết quả lợi nhuận, doanh thu, tổng chi phí… và khả năng tiếp cận.
Từ đó giám sát tình hình lưu trữ, sắp xếp và công bố thông tin của các doanh nghiệp. Đồng thời đưa ra các nhắc nhở và cảnh báo kịp thời nếu các doanh nghiệp không đầu tư trong việc cung cấp thông tin một cách thuận lợi nhất cho công chúng. Tiến tới khuyến khích các doanh nghiệp công bố BCTC bằng tiếng Anh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đây cũng là một trong những cách để gia tăng sự hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam.
“Cuối cùng, cần tích cực hoàn thiện cơ chế quản trị công ty tại các doanh nghiệp niêm yết. Nhiều ví dụ cho thấy cơ chế quản trị công ty chưa tốt dẫn đến thông tin công bố trước và sau kiểm toán còn sai lệch nhiều với mức sai lệch quá cao làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư vào các thông tin mà các doanh nghiệp niêm yết công bố. HĐQT phải tăng cường các hoạt động giám sát, báo cáo các rủi ro của công ty, và đặc biệt là bảo đảm có chính sách, quy trình để thiết lập môi trường kiểm soát hiệu quả, trong đó có việc thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của cổ đông, hạn chế hành vi lạm quyền hay lợi dụng kẽ hở để mưu lợi riêng tư của nhà quản lý.
Một số hành động cụ thể như sử dụng các công ty kiểm toán có uy tín và mang tính độc lập đúng nghĩa, tránh sử dụng quá nhiều các dịch vụ không liên quan đến kiểm toán của công ty kiểm toán độc lập. Điều này giúp gia tăng tính độc lập của kiểm toán viên, giúp nhà đầu tư tin cậy hơn kết quả và ý kiến của kiểm toán, khiến đánh giá của nhà đầu tư về tính minh bạch thông tin của các doanh nghiệp niêm yết được tăng thêm. Việc thiết lập một bộ máy hoạt động hiệu quả để có thể tối thiểu những hành vi quản trị không mong muốn như bổ nhiệm thành viên bên ngoài vào ban điều hành hay tái thiết lập hệ thống tổ chức của các doanh nghiệp. Có những quy định và yêu cầu cụ thể về việc thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ hoạt động hiệu quả. Tăng cường hoạt động của kiểm toán nội bộ và bộ phận này phải chịu sự giám sát và quản lý của HĐQT” – PGS.TS.Trần Việt Dũng nhận định.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/minh-bach-thong-tin-la-don-bay-de-nang-hang-thi-truong-chung-khoan-1360545.ldo