Thông tin nhanh về việc tổ chức coi thi môn ngữ văn sáng 8-6, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết có 105.463/105.911 thí sinh dự thi, đạt tỉ lệ: 99.57% (vắng 448 thí sinh). Số thí sinh vi phạm quy chế thi là 2 thí sinh với lý do thí sinh mang điện thoại vào phòng thi.
Số giáo viên, nhân viên có mặt là 15.483/15.488 đạt tỉ lệ: 99.97%. Có 5 cán bộ vắng mặt đã được bố trí cán bộ dự phòng thay thế đảm bảo đúng Quy chế thi. Không có cán bộ vi phạm quy chế.
Theo nhận định của Sở GD-ĐT cho biết tính tới hết buổi sáng, các điểm thi trên địa bàn thành phố diễn ra bình thường, an toàn, nghiêm túc, thực hiện đúng quy chế thi.
Kết thúc môn thi ngữ văn, nhiều giáo viên, học sinh, đánh giá đề thi năm nay khó nhưng hay.
“Hình ảnh người lính trong bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu hay quan điểm “sống để đáp ứng mong đợi của người khác” đều xoáy vào mỗi chúng ta nhiều suy nghĩ” – một giáo viên Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) đánh giá.
Trước đề thi này, nhiều sĩ tử cho rằng khá khó so với bản thân, không kỳ vọng được điểm cao như những năm trước.
“Phần II đề thi có nhiều sự mở rộng, việc thời gian làm bài giới hạn kèm theo phải nhanh chóng tư duy những lập luận mới khiến em thấy đề thi hơi khó so với những gì đã ôn tập” – một thí sinh chia sẻ.
Thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên Ngữ văn – Hệ thống giáo dục HOCMAI, nhận định với đề thi năm nay, dự kiến phổ điểm trung bình có thể từ 6.5 – 7.0 điểm.
Tại phần I (6,5 điểm), ba câu hỏi đọc – hiểu bài thơ “Đồng chí” của tác giả Chính Hữu sẽ khiến một số học sinh bỡ ngỡ vì tác phẩm này đã xuất hiện trong đề thi vào năm 2021. Tuy nhiên đây là một bài thơ không khó để cảm nhận và phân tích nên nếu nắm chắc nội dung của tác phẩm thì có thể tự tin hoàn thành tốt tất cả các câu hỏi trong đề thi.
Ở câu hỏi số 4, bên cạnh yêu cầu về nội dung làm rõ hình ảnh người lính trong 8 dòng thơ còn có 2 yêu cầu phụ về viết đoạn văn, thí sinh cần đặc biệt lưu tâm về dung lượng (15 câu văn) để tránh lan man, mất điểm do không hoàn thành đủ các yêu cầu.
Với phần II (3,5 điểm), bài viết “Dám bị ghét” với cuộc đối thoại của Triết gia và Chàng thanh niên bàn về vấn đề tư duy sống, cách chúng ta đối diện với mong muốn được người khác thừa nhận sẽ tạo được nhiều cảm xúc cho các thí sinh khi thực hiện yêu cầu về đoạn văn nghị luận xã hội ứng xử thế nào trước những mong đợi của những người thân yêu. Câu hỏi đọc hiểu về 1 ngữ liệu ngoài SGK về cách ứng xử của mỗi người để đáp ứng những mong đợi của người khác với bản thân hay theo đuổi đam mê và giá trị của riêng mình.
Những cách diễn đạt của câu hỏi trong đề thi như: “theo em”, “nên ứng xử thế nào…?” cho phép học sinh có thể tự do nêu suy nghĩ, quan điểm của bản thân về vấn đề được đặt ra. Đây vừa là một vấn đề gần gũi, quen thuộc với học sinh, đặc biệt khi các em đang đứng ở ngưỡng cửa của những sự lựa chọn trong cuộc đời. 2 yêu cầu trả lời ngắn xác định phép liên kết và nêu quan điểm về việc chúng ta không sống để đáp ứng mong đợi của người khác chắc hẳn không làm khó được thí sinh.
Nhìn chung, với cấu trúc đề thi ổn định, các câu hỏi tương đối cơ bản, thí sinh có thể thuận lợi hoàn thành được bài thi môn ngữ văn trong khoảng thời gian quy định. Những thí sinh có khả năng lập luận tốt, tìm được những dẫn chứng ấn tượng để đưa vào bài viết sẽ là một điểm nhấn được đánh giá cao.
Nguồn: https://nld.com.vn/thi-lop-10-cong-lap-de-ngu-van-kho-nhung-hay-2-thi-sinh-mang-dien-thoai-vao-phong-196240608124040135.htm