Nhạc sĩ Hoài An bộc bạch: “Khi viết “Thân thương sao thành phố tôi yêu” – tôi muốn kể về một số hình ảnh (trong rất nhiều hình ảnh) và kỷ niệm về thành phố – nơi tôi cũng như những bạn bè gắn bó từ tuổi thơ đến nay, khi chúng tôi đã là… trung niên”.
.PHÓNG VIÊN: Anh có thể chia sẻ thông điệp mà anh gửi gắm vào “Thân thương sao thành phố tôi yêu”?
– Nhạc sĩ HOÀI AN: Bài hát “Thân thương sao thành phố tôi yêu” cũng nói về thành phố, cũng thân thương như mái nhà, như gia đình, nơi mình luôn nghĩ về và muốn về sau những chuyến đi… Trước khi viết “Thân thương sao thành phố tôi yêu”, tôi phải xem lại một số bài tôi đã từng viết về thành phố, để tránh trùng lặp, tìm ý tưởng mới, và / hoặc cách diễn đạt mới. Phần lời trẻ trung, khát vọng hoài bão, âm nhạc sôi động, tràn đầy năng lượng… là điều tôi hướng tới khi viết ca khúc này.
.Điều anh muốn gửi gắm vào trong ca khúc này là gì?
– TP HCM hiện đại, văn minh, thân thương, nghĩa tình; siêu đô thị mới luôn đi đầu và “cùng cả nước, vì cả nước”… đó là hình ảnh chung của cả thành phố.
Với người dân, những hình ảnh đẹp giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, khó khăn; cũng như sống một cuộc sống ý nghĩa, cống hiến góp sức cho đời, đẹp như những đóa hoa… đó là những điều tôi nghĩ tới khi viết “Thân thương sao thành phố tôi yêu”.
.Thành phố kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo anh đó có phải là điều kiện tuyệt vời để giới sáng tác cho ra mắt những tác phẩm ý nghĩa?
– Tôi nghĩ mỗi nhạc sĩ đều có sở trường riêng, thêm vào cảm xúc thăng hoa thì sẽ có những tác phẩm để đời. Về phần tôi sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình, nửa đời người gắn bó với TP HCM nên khi tôi viết về thành phố cảm xúc rất tự nhiên. Những sáng tác đầu tay (1992-1998) tôi từng mượn hình ảnh đường hoa Nguyễn Huệ và nhiều hình ảnh khác của thành phố để viết “Phố hoa”, “Phố xuân”, “Bên em mùa xuân”… Được viết về thành phố nơi mình học hành và trưởng thành, sống và làm việc, có nhiều kỷ niệm, là niềm vui với tôi.
.Cảm xúc của riêng anh với ca khúc “Thân thương sao thành phố tôi yêu” là gì?
– Tôi đã từng viết một số bài về thành phố, nhưng với “Thân thương sao thành phố tôi yêu” thì cảm giác thật lạ, cứ như là mình đang nhìn thành phố có gì đó rất khác, rất mới. Cũng có lẽ những năm gần đây tôi đi nhiều, mà sự phát triển của thành phố thì rất nhanh nên chỉ trong một thời gian ngắn, góc đường quen thuộc sẽ có thể xuất hiện với một diện mạo mới, với những công trình mới… Khi viết ca khúc này tôi cân nhắc nhiều về câu chữ, nét nhạc… mong truyền tải được những cảm xúc từ người viết đến người nghe.
.Gắn bó với thành phố mấy mươi năm, hẳn anh chứng kiến ít nhiều sự đổi thay của thành phố. Điều đó sẽ được thể hiện trong những sáng tác mới của anh?
– Từ Huế tôi vào TP HCM khi 4-5 tuổi và gắn bó nơi đây đã 43 năm, nên tôi nghe nhiều, thấy được nhiều. Người viết ca khúc như tôi thì thường xuyên gom góp hình ảnh, cảm xúc mọi lúc mọi nơi, để đến thời điểm thích hợp thì bày ra, có sẵn “tứ” để viết.
Tôi vẫn thường đùa sáng tác là “lao động cần điều kiện”, nghĩa là sẽ có lúc viết không được, viết chậm… do thiếu cảm xúc. Nhưng may mắn là tôi ở thành phố mấy chục năm nên trong suy nghĩ của tôi thành phố lúc nào cũng đong đầy yêu thương, dạt dào cảm xúc.
Dĩ nhiên là trong những ca khúc mới của tôi, dù là con đường hay hàng quán, cây cầu… thì thành phố của tình yêu vẫn ở đó, vẫn là thành phố trẻ năng động, luôn luôn đi đầu.
.Trong ngày vui chung của thành phố, của đất nước, hẳn ai cũng có những nỗi niềm, xúc cảm và cả mong đợi, mỗi người sẽ có một cách để thể hiện. Là một nhạc sĩ, anh thể hiện điều ấy thông qua sáng tác. Liệu khán giả sẽ thấy một nhạc sĩ Hoài An ra mắt nhiều hơn những ca khúc về đất nước trong tương lai gần?
– Tôi yêu đất nước – con người Việt Nam và tôi có cách riêng để thể hiện tình yêu đó. Từ năm 2001 tôi đã dành riêng một phần thời gian, công sức và cả… tiền, để thực hiện album “Hồn Việt” gồm nhiều bài sử ca, anh hùng ca, truyền thuyết, cổ tích… Dù đôi khi gặp khó khăn về phần viết, sản xuất nhạc và cả trong cuộc sống nhưng đến nay tôi cũng có gần 20 bài cho “Hồn Việt”. Riêng trong vài tháng gần đây tôi đã viết: “Lý triều danh tướng”, “Đức thánh Trần”, “Hoàng đế áo vải”…
Bên cạnh đó, tôi có nhiều ca khúc về các tỉnh, thành, địa phương nhờ vào các đợt thực tế sáng tác do Hội Âm nhạc TP HCM tổ chức. Một số ca khúc đã phổ biến như “Quê hương mình”, “Phiên chợ song”, “Đời lúa đời nông”, “Đất trời Bạc Liêu”, “Bạc Liêu khúc ca mười thương”, “Nhớ tiếng đàn kìm”, “Vĩnh Long tình đất tình người”, “Ngẩn ngơ câu hò” (Đắng khổ qua)…
.Với chủ đề sáng tác xoay quanh đất nước, theo anh làm thế nào để ca khúc dễ dàng đi vào lòng người?
– Với tôi, để ca khúc được phổ biến cần nhiều yếu tố, trong đó có thể chia thành các phần chính: sáng tác, dàn dựng, ca sĩ, quảng bá.
Riêng về phần tác giả, làm sao để người nghe cảm nhận được sự chân thành, tình cảm cũng như sự tự hào trong lời ca; sự quen thuộc, gần gũi trong âm nhạc (chất liệu dân gian); có khi lại cần nét hiện đại… Tất cả ảnh hưởng tương tác lẫn nhau để tạo thành một tác phẩm tốt.
Cá nhân tôi thường “mượn lời” ca dao, tục ngữ; “mượn hơi” từ âm nhạc dân gian, thêm vào tiết tấu của âm nhạc hiện đại khi hòa âm phối khí, dàn dựng tác phẩm. Phần ca sĩ rất quan trọng, hợp bài đúng chất giọng, khai thác được thế mạnh của ca sĩ về chuyên môn lẫn hình ảnh, cũng như sức hút của ca sĩ đối với khán – thính giả… sẽ giúp ca khúc có sức lan tỏa nhanh.
.Lần đầu tiên Báo Người Lao Động tổ chức cuộc thi vận động sáng tác như một sự hưởng ứng cho hoạt động chào mừng 50 năm giải phóng thành phố, thống nhất đất nước, anh có niềm tin cũng như kỳ vọng gì với cuộc thi?
– Tôi nghĩ sẽ có rất nhiều tác phẩm tham gia hưởng ứng, thể hiện tình yêu với thành phố, với đất nước – con người Việt Nam, nhiều tác phẩm mới sẽ được phổ biến rộng rãi sau cuộc vận động sáng tác của Báo Người Lao Động.
Với lợi thế là đơn vị tổ chức Giải Mai Vàng, giải thưởng thường niên đầy uy tín dành cho văn hóa nghệ thuật, là cầu nối giữa công chúng với văn nghệ sĩ, Báo Người Lao Động hội tụ nhiều điều kiện để chắp cánh cho các tác phẩm bay cao bay xa, như dàn dựng một số ca khúc trong những chương trình nghệ thuật do báo tổ chức.
.Để dòng sáng tác này trở nên phổ biến và rộng rãi hơn, theo anh cần phải làm thế nào?
– Thường để tác phẩm phổ biến, người ta hay nhắc đến kênh truyền thông: báo đài, mạng xã hội. Cá nhân tôi nghĩ cần thêm sự gần gũi, cảm xúc… trong tác phẩm. Thường ca khúc muốn phổ biến rộng rãi thì người nghe phải thấy được họ trong câu chuyện mà ca khúc kể lại, từ đó nghe nhiều và hát lại, rồi chia sẻ với bạn bè…
Tuy nhiên, mỗi cuộc thi đều có tiêu chí riêng, ca khúc hay và đáp ứng được tiêu chí thì đoạt giải. Nên giải pháp nằm ở tiêu chí của cuộc thi, cuộc vận động, sự phối hợp giữa ban tổ chức và ban giám khảo.
.Nếu nói về cảm xúc, tình cảm của anh với thành phố này, thì đó là gì?
– Nếu ngắn gọn nhất, thì chính là “Thân thương sao thành phố tôi yêu”. Tôi yêu sự tĩnh lặng khi thành phố về khuya và cả sự nhộn nhịp của thành phố ngày mới. Tôi mong mỗi người sống như một đóa hoa, mỗi thế hệ như từng mùa hoa, để thành phố nhiều những mùa hoa đẹp, rạng rỡ những nụ cười…
Cuộc vận động sáng tác ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” do Báo Người Lao Động tổ chức nhằm chào mừng, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025). BTC sẽ chọn ra 20 tác phẩm xuất sắc nhất vào vòng chung kết. Vòng chung khảo sẽ diễn ra vào tháng 2-2025, trong thời gian nhận tác phẩm, sàng lọc sơ khảo, BTC sẽ chọn những tác phẩm hay để dàn dựng, giới thiệu trong Lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 30 (khoảng tháng 1-2025). Song song đó, BTC cũng đưa các tác phẩm lên nền tảng mạng xã hội của báo để giới thiệu cho cộng đồng.
Lễ trao giải sẽ diễn ra vào dịp tháng 4-2025. Tổng giải thưởng của cuộc vận động trị giá 240 triệu đồng, trong đó giải nhất là 100 triệu đồng.
Nguồn: https://nld.com.vn/nhac-si-hoai-an-luon-dong-day-yeu-thuong-thanh-pho-196240319205950012.htm