Những nghệ sĩ sinh ra tại những thời điểm khác nhau, đến từ những quốc gia khác nhau. Âm nhạc đã khiến họ trở thành những kẻ đi trong mơ tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối hôm qua, trong Liên hoan Âm nhạc Cổ điển Quốc tế lần thứ nhất.
Bản Giao Hưởng Số Năm của Tchaikovsky đã bao trùm lên không gian Nhà hát Lớn, lấp lánh, huy hoàng
Những âm thanh vàng óng như nắng chiều mùa thu
Pyotr Ilyich Tchaikovsky – Symphony No.5 (tạm dịch: Bản Giao Hưởng Số Năm) được lựa chọn làm tác phẩm chính trong chương trình. Đây là tác phẩm tốn nhiều công sức và sức chịu đựng của tác giả. Trước khi hoàn thành tác phẩm, ông thậm chí còn rơi vào tâm trạng hoài nghi chính mình, tự vấn tài năng của ông có khi nào kết thúc với 4 bản giao hưởng đầu tiên.
Tối qua 22/10 tại Nhà Hát Lớn, thánh đường âm nhạc của Hà Nội, Bản Giao Hưởng Số Năm của Tchaikovsky đã bao trùm lên chúng ta, lấp lánh, huy hoàng, bởi những người con của âm nhạc, những kẻ dám dũng cảm sống và đi trong mơ.
Những khán giả mộ điệu đã đến bên họ, dù như người viết tìm hiểu, giá vé của chương trình này so với những chương trình giao hưởng khác là rất cao, 4 triệu đồng/ cặp. Khán phòng không còn một chỗ trống, ghế xốp cũng được bày ra, khán giả ta – tây yên vị trước giờ diễn bắt đầu.
Dường như họ, những người mang nặng hai vai giấc mơ âm nhạc, đã tìm được tri âm. Ban tổ chức đã chứng tỏ được rằng họ nắm rất rõ ưu, nhược điểm của các nghệ sỹ Việt Nam bằng cách mang đến 4 thành viên nước ngoài đảm nhiệm 4 vị trí đầu bè của bè dây.
4 nghệ sỹ đến từ Hungary này đã hỗ trợ tốt các nghệ sỹ khác trong dàn nhạc bởi sự quyết liệt, tràn đầy năng lượng và quan trọng hơn là niềm tin mãnh liệt trong âm nhạc, để có thể chuyển tải phần nào bức tranh đẹp đẽ hùng tráng của tác giả.
Dàn bè kèn hơi thiếu sự tự tin để dệt nên những âm thanh vàng óng như nắng chiều mùa thu. Một chút tiếc nuối khi bè contra-bass còn ngập ngừng khi bước những bước chân của người khổng lồ.
Nhưng hạnh phúc ngập tràn toả khắp khán phòng khi bè dây chơi dạt dào như cánh đồng lúa mì đang chín lay động trong gió, là cảm giác chung mà đêm qua, 600 khán giả trong khán phòng đều cảm nhận được.
Maestro Fan Ting đã đặt cược tất cả khi lựa chọn tốc độ (tempo) đúng như tác giả mặc định. Đó là một thử thách khó nhằn cho 1 tập thể đại dàn nhạc bao gồm 70 nghệ sỹ đến từ 6 quốc gia, trong vòng 5 ngày tập luyện. Họ phải cùng chung nhịp thở và chung một mạch đập trái tim để cùng nhau đi qua thử thách này.
Khán phòng kín ghế ngồi trước giờ biểu diễn
Và họ đã thành công với sự mạo hiểm, cùng nhau “chạy” qua thử thách, khi mang lại đúng không gian, màu sắc âm nhạc của Tchaikovsky cho khán giả.
Bản Giao Hưởng Số Năm của Tchaikovsky cho thấy sự đổi thay trong tâm tư về định mệnh và số phận của ông, rằng định mệnh không còn sức mạnh thống trị nghiệt ngã như trong Giao Hưởng Số Bốn. Số phận có thể thay đổi khi con người vượt qua gian khó. Bởi vì sự an toàn chưa bao giờ là đủ để dẫn tới bục vinh quang. Và hạnh phúc sẽ ở trong tay khi họ cố gắng giành được lấy.
”Quỷ sứ lấy nó đi! Hãy cứ để nó sống cuộc sống của nó!”
Không thể không nhắc đến tác phẩm Variation on a Rococo theme, solo Cello.
Khác với Bản Giao Hưởng Số Năm có không gian rộng lớn với chiều sâu mang nhiều màu sắc, tác phẩm Rococo đem đến 1 khung hình sang trọng, lịch duyệt, đẹp đẽ được tiếng đàn ấm áp, tinh tế của Mee Hae Ryo – cellist người Hàn Quốc, soloist của chương trình, thể hiện.
Tác phẩm này được viết từ tháng 12/1876 – tháng 4/1877 với sự đóng góp, chỉnh sửa của cellist Wilhelm Fitzenhagen, thế nhưng kết quả của cuộc “hôn nhân” này khiến chính thiên tài Tchaikovsky của chúng ta phải thốt lên với Anatoliy Brandukov rằng: ”Quỷ sứ lấy nó đi! Hãy cứ để nó sống cuộc sống của nó!”
Đã phải mất rất nhiều công sức cùng sự đóng góp của nhiều cá nhân để có thể khôi phục lại bản gốc Rococco của Tchaikovsky.
Nghệ thuật là vậy, không có va chạm, khó khăn, sức ép, sự đấu tranh, sẽ không có những tác phẩm đỉnh cao vượt trên tầm thời đại. Và chỉ khi sống trong giấc mơ chúng ta mới có thể liều lĩnh đối mặt với thử thách.
Liên hoan Âm nhạc Cổ điển Quốc tế lần thứ nhất đã khép lại cùng những tràng pháo tay không ngừng của khán giả. Và nghệ sĩ, với những con tim rung động vì cảm tạ sự tri âm ấy cũng sẽ hứa với khán giả mộ điệu một lời hứa chắc chắn về ngày tái ngộ không xa.
Những người con của âm nhạc, những kẻ sống trong mơ, xin đừng bừng tỉnh, hãy cứ nhắm mắt mà bước tiếp giấc mơ âm nhạc đầy can đảm. Bởi vì khán phòng Nhà Hát Lớn gần 600 chỗ không còn một ghế trống đêm qua cũng chính là một giấc mơ thật đẹp, không chỉ của riêng ai.
Các nghệ sĩ Puskás Rodrigo (Hungary), Violin Kuklis Gergely (Hungary), Violin Fejérvári János (Hungary), Viola Takács Ákos (Hungary), Cello Nguyễn Bảo Anh – Bassoon chơi bản Quintet in A minor tại phòng gương Nhà Hát Lớn thuộc khuôn khổ của Liên hoan Âm nhạc Cổ điển Quốc tế lần thứ nhất.
Đêm nhạc với sự tham gia của 2 dàn nhạc giao hưởng: Dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (Vietnam Opera Ballet) và Dàn nhạc giao hưởng Saigon (Saigon Philharmonic Orchestra)
Đối với nhiều người trên thế giới, âm nhạc của thiên tài Piotr Ilich Tchaikovsky là một trong những biểu tượng rạng rỡ nhất của nước Nga, của tâm hồn Nga mang nặng nữ tính. Chương trình Best of Tchaikovsky bao gồm 3 tác phẩm nổi tiếng của Tchaikovsky: Tchaikovsky String Quartet No. 1, Op. 11 ( 2nd Movement); Variations for Cello and Orchestra on a Rococo theme, Op. 33 và Symphony no.5 in E minor. OP 44
Chương trình với sự góp mặt của nghệ sĩ violin Hungary, Rodrigo Puskás, được coi là một trong những nghệ sĩ violin xuất sắc nhất trong thế hệ của anh với cách chơi cá nhân riêng biệt.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/dinh-menh-ban-34symphony-no534-cua-tchaikovsky-va-nhung-ke-di-trong-mo-192570367.htm